Cấp thiết lập trang web nhà nước về chủ quyền biển đảo

27/06/2011 05:25
Báo chí thế giới mỗi khi bàn đến tranh chấp biển Việt – Trung đều nhắc lại sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo của Việt Nam hồi năm 1974 và năm 1988.

LTS: Mười ngày sau khi phát động chương trình Cùng ngư dân bám biển, ngoài sự ủng hộ bằng tiền (ngân hàng Đông Á lập quỹ tín dụng 20 tỉ đồng cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi và các doanh nghiệp, bạn đọc đóng góp 940 triệu đồng), ban tổ chức còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp để chương trình có thể lan toả rộng hơn, vận động nhiều nguồn lực, ý tưởng hơn. Đặc biệt, ý tưởng về “20 triệu áo, mũ in chữ U-NO, U gạch chéo” nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người vì vừa góp phần phản đối yêu sách đường chữ U đối với Biển Đông một cách phi pháp của Trung Quốc, vừa vận động được tiền để giúp đỡ bà con ngư dân.

Vấn đề hiện đang được thảo luận là làm sao để biến ý tưởng thành hiện thực.

{iarelatednews articleid='3622,5776,5760,4473'}

 

Cho đến hiện tại, ta thấy tranh chấp Biển Đông ngày càng phức tạp. Các nước yêu cầu giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi phía Trung Quốc không ngừng tuyên bố chủ quyền nhưng cơ sở pháp lý và lịch sử thì mù mờ.

Riêng đối với Việt Nam, chúng ta có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó được khẳng định hơn nữa khi qua các kỳ hội thảo quốc tế về Biển Đông, học giả nước ngoài (trừ Trung Quốc) đều có quan điểm tương đồng với học giả Việt Nam. Báo chí thế giới mỗi khi bàn đến tranh chấp biển Việt – Trung đều nhắc lại sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo của Việt Nam hồi năm 1974 và năm 1988, và hành vi trịch thượng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Bởi thế, cần xác định rõ rằng, muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, như nhiều chuyên gia phân tích, cần dựa vào luật pháp quốc tế. Các nước nhỏ cần đoàn kết lại trên nền tảng luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử mà đối mặt với Bắc Kinh.

Trong tất cả các biện pháp đấu tranh, việc tranh thủ dư luận là điều tối trọng. Phải tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ về sự thật có liên quan. Đối tượng tuyên truyền không chỉ là người Việt Nam, mà còn là nhân dân các nước trên thế giới, và cả người dân Trung Quốc.

Để đạt được mục đích tuyên truyền này, cách tốt nhất và hữu hiệu nhất là xây dựng một trang web nhà nước về chủ quyền biển đảo.

Trang web chính thức của Nhà nước: trang web này phải là cấp nhà nước để ta chủ động cung cấp thông tin chính thức của Việt Nam, chấm dứt tình trạng thông tin manh mún, gây vất vả cho người muốn tìm hiểu thông tin.

Trang web phải được đặt tên miền cho dễ nhớ: để người cần tìm hiểu có thể nhớ ngay mà truy cập.

Đối tượng đọc ưu tiên là người Việt Nam: Phải tạo mọi điều kiện để khi người dân muốn hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa thì có thể tìm thấy ngay mọi thông tin. Phải làm sao cho toàn dân ai cũng trang bị đủ kiến thức về cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời để người dân hiểu cái gì là Công ước của Liên hiệp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS), là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… Một khi người dân hiểu sâu sắc về sự vụ, thì cuộc đấu tranh toàn dân sẽ hiệu quả hơn.

Tuyên truyền cho nhân dân thế giới: sự ủng hộ của dư luận quốc tế là rất quan trọng.

Tuyên truyền cho cả người dân Trung Quốc: chúng ta nên phân biệt rõ ràng giữa chính phủ Bắc Kinh và người dân Trung Quốc. Trong họ, ắt hẳn có người yêu chuộng hoà bình, trân trọng tình hữu nghị Việt – Trung, biết tôn trọng công lý. Nếu sự thật được nêu rõ, chắc hẳn người dân Trung Quốc không lý gì bỏ đi công lý, sống bất nghĩa với anh em, mất tín nghĩa với thế giới, một điều mà đạo lý Trung Hoa từ ngàn xưa không cho phép.

Trang web đa ngôn ngữ: vì đối tượng tuyên truyền đa dạng, đòi hỏi trang web ngoài tiếng Việt, phải có tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.

Tổng hợp tin tức liên quan từ báo chí thế giới: trang web cần có mục thời sự. Mục này chuyên cập nhật những tin tức thời sự nhất về chủ quyền biển đảo, về hành động các bên có liên quan. Đặc biệt, nên có mục giới thiệu lại các bài báo thời sự quốc tế có uy tín về chủ đề liên quan. Ít nhất cũng phải có mục Tổng hợp tin tức bằng tiếng Việt từ báo nước ngoài.

Quảng bá trang web đến công chúng: các đài truyền hình, nhất là đài Trung ương, mỗi tối, trong phần thời sự, nên nhắc lại tên miền trang web này với khán giả. Bản tin tiếng Anh hay tiếng Pháp cũng phải như vậy.

Sức mạnh internet ngày nay là rất lớn. Một trang web cấp nhà nước như vừa nêu là rất cấp thiết, nhất là trong công tác tập hợp sức mạnh toàn dân và tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, với mục đích tối quan trọng là bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cuộc đấu tranh này đòi hỏi phải dựa vào sức mạnh toàn dân, và đã đến lúc phát huy sức mạnh vô địch này. Bởi như Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Theo Lê Hồng Phước(Nghiên cứu sinh lịch sử, đại học Versailles Saint-Quentin-En-Yvelines, Pháp)/Sài gòn Tiếp thị