Câu chuyện mưu sinh đáng suy nghĩ của ông lão vá xe bên đường

30/11/2012 07:12
L.H
(GDVN) - Dáng vẻ gầy còm, ông lão ngồi co ro bên gốc cây ven đường ngay sát trạm xe buýt trước cổng viện Thanh Nhàn giữa dòng người hối hả buổi chiều đông. Câu chuyện mưu sinh của ông lão đặc biệt được tiết lộ khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Hà Nội tiết trời đã sang đông cái lạnh như luồn vào từng khu phố căn nhà, ai cũng cố mặc cho mình thêm nhiều áo quần, khăn tất kín đáo. Đối nghịch với đó hình ảnh một ông lão co ro bên gốc cây bằng lăng cùng chiếc xe đạp cũ kỹ được sơn màu xanh cùng đồ nghề là ba chiếc bơm ngay trước bệnh viện Thanh Nhàn khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Nhìn dáng vẻ lặng lẽ, bình dị đến đáng thương với manh áo mỏng đã sờn bạc, cùng chiếc nón lá đã rách tưởng chừng sẽ rất khó tiếp xú nhưng trong vai vị khách cần bơm chiếc bánh xe máy đã xuống hơi nhiều ngày, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận nghe ông lão tâm sự chuyện đời.

Hình ảnh ông lão vá xe ngồi rúm ró gây chú ý cho nhiều người khi đi lại qua đường Thanh Nhàn
Hình ảnh ông lão vá xe ngồi rúm ró gây chú ý cho nhiều người khi đi lại qua đường Thanh Nhàn

Nói về mình, ông lão chỉ đơn giản: “Tôi tên là Ngọ nhà ở cuối ngõ tại phường Bạch Mai làm bơm vá đây đã được hơn chục năm rồi”. Khi tôi xin phép được gọi ông bằng cái tên thân thuộc lão Ngọ, ông chỉ mỉm cười, khẽ đôi mắt lại hướng ra phía đường.
Lặng lẽ cất giọng, ông Ngọ kể: Tuổi ông khoảng ngoài 60 tuổi, có vợ nhưng không có con. Vợ ông đã bỏ ông về sống với bố mẹ đẻ ở Hà Đông. Cái nghề bơm vá gắn với ông nhiều năm nay với ước mong nhỏ bé là giúp ông kiếm bữa ăn qua ngày.
Trước khi ra đường Thanh Nhàn kiếm sống bằng cái nghề bơm vá lão là một thợ mộc. Chỉ khổ “dao sắc không gọt được chuôi”, tuy làm nghề mộc nhưng căn nhà ông xây bằng gạch ba vanh đã sập xệ mối mọt, làm mãi cũng chỉ đủ ăn mà không đủ sửa nhà. Không dành dụm được tiền làm nhà, vợ bỏ đi khiến ông từng chán nản với cuộc đời.
Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Bỏ nghề mộc, hành trang kiếm sống của lão trông vào cái bơm và bộ đồ vá xe. Ban đầu chỉ có một cái bơm, sau rồi có tiền lão mua lại hai chiếc bơm cũ về sửa lại cái lá gió và hành nghề từ đó đến nay.
Khi hỏi về chuyện sao ông bán bán kẹo ca su, ví tiền, móc chìa khóa hay tậm chí là ăn xin như nhiều người cho nhàn. Nhưng vừa nghe nói vậy, ông vội xua tay: “Tôi biết chứ, làm vậy cũng được nhưng người ta hay nói làm thế thất đức vì nhiều người còn bán hàng rởm cho khách để lấy tiền, đi ăn xin tôi không muốn vì còn sức khỏe phải tự làm để nuôi mình chứ sao là gánh nặng cho xã hội”.
Nói về thu nhập của nghề bơm, vá xe ông Ngọ không giấu diếm: Giá cả tuy không ghi thành biển nhưng ai đã từng bơm xe cũng biết. Trước đây giá mỗi lần bơm xe đạp ông lấy 1.000 đồng/lần, xe máy thì 3.000 đồng/lần, giờ có tăng lên đôi chút, xe đạp tăng thêm 1.000 đồng, xe máy tăng thêm 2.000 đồng.
Về chuyện tăng giá này ông cho biết: “Như thế với đủ cân gạo ăn uống hàng ngày, tính ra mỗi ngày tôi kiếm chưa được một trăm nghìn nhưng không thể lấy hơn được”.
Theoông Ngọ, nghề bơm vá phụ thuộc vào thời tiết, nắng thì còn kiếm được chứ mưa gió chẳng ai muốn vào hiệu chứ không muốn đứng vỉa hè chỗ ông. Đối tượng phục vụ của ông chủ yếu là học sinh, sinh viên đi xe đạp.

Dáng vẻ gầy gò nên phải cố gắng dồn sức với bơm được xe cho khách
Dáng vẻ gầy gò nên phải cố gắng dồn sức với bơm được xe cho khách

Đang trò chuyện, bỗng có khách vào bơm xe, nhanh nhẹn cầm chiếc bơm ra phục vụ khách, dáng vẻ gầy còm khiến ông phải cố nhấn từng nhịp đẩy xuống chiếc bơm để dồn sức bơm xe cho khách. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là có lần vào buổi đêm lão bơm xe cho đôi nam nữ đi chơi đêm. Tuy nhiên khi dừng xe chỉ người nam xuống xe còn bạn gái vẫn ngồi trên yên, khiến lão phải gắng sức hơn 15 phút với bơm xong vì sức nặng tới hơn gần hai tạ của một con người và chiếc xe máy.
Công việc tưởng chừng tầm thường với nhiều người nhưng với ông Ngọ đó là “cần câu cơm” hàng ngày, tuy vất vả khó nhọc nhưng là mồ hôi sức lao động bỏ ra đó chính là niềm vui lớn nhất của ông lão vá xe đặc biệt này.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
L.H