Chây ì xử lý đơn thư của thầy cô có chấm dứt khi tăng thời hiệu kỷ luật cán bộ?

14/02/2019 06:12
Trinh Phúc
(GDVN) - Nhiều thầy cô tham gia đấu tranh đã quá mệt mỏi nhưng đến khi vạch ra được sai phạm thì thời hiệu kỷ luật đã hết, hiệu trưởng vẫn cứ nhởn nhơ chẳng bị xử lý.

Hiện Bộ Nôi vụ đang đưa ra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Một trong những nội dung được thay đổi lần này đó chính là việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức viên chức từ 24 tháng lên 60 tháng.

Theo giải trình của ban soạn thảo thì trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật.

Quy định thời hiệu như vậy thực tế là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm.

Thời hiệu kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đang bộc lộ nhiều bất cập (ảnh minh họa, nguồn báo vietnamnet).
Thời hiệu kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đang bộc lộ nhiều bất cập (ảnh minh họa, nguồn báo vietnamnet).

Một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu.

Bên cạnh đó, một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước hoặc khu vực sự nghiệp công lập đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý kỷ luật về chính quyền, vì vậy để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định thì cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật.

Tại sao cứ thầy cô nào chống tiêu cực là bị cô lập, trù dập, đánh hội đồng?

Liên quan đến những hạn chế về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quá ngắn như hiện nay, trong quá trình tiếp xúc nhiều vụ việc trong lĩnh vực giáo dục phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận thấy có cá nhân, tổ chức lợi dụng kẻ hở này để cố tình quá chây ì, kéo dài việc xử lý đơn thư.

Mục đích là cho hết thời hiệu xử lý kỷ luật để bảo vệ người vi phạm. Có vụ việc đấu tranh kéo dài gần 5 năm trời, các sai phạm đã được chỉ ra nhưng Hiệu trưởng vi phạm không phải chịu bất cứ một hình thức kỷ luật nào vì thời hiệu đã hết.

Chính thực trạng trên làm cho người tố cáo hết sức ức chế, bức xúc. Nhiều thầy cô đấu tranh đã quá mệt mỏi nhưng đến khi vạch ra được sai phạm thì thời hiệu xử lý người vi phạm đã hết. Cuối cùng, người vi phạm vẫn không bị bất cứ hình thức kỷ luật nào.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (ảnh nguồn quochoi.vn).

Xung quanh đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An cho rằng, việc tăng thời hiệu xử lý như dự thảo là cần thiết.

Tuy nhiên theo bà Bùi Thị An, cần dựa vào tính chất của vụ việc và mức độ phải xử lý kỷ luật. Nếu những vụ việc rất bé nhưng cũng chịu thời hiệu như những vụ việc nghiêm trọng thì không công bằng. Việc nâng một cách đồng loạt như vậy là không đúng.

Vị chuyên gia này cho rằng: “Cần cân nhắc nên chia theo mức độ, tính chất vi phạm để quy định thời hiệu xử lý. Nếu vi phạm ở mức độ khiển trách mà để thời hiệu 60 tháng là quá dài.

Thầy Nguyễn Nguyên hỏi câu rất buồn, sao giáo viên chống tiêu cực cô đơn thế?

Ngày hôm qua họ vấp ngã nhưng họ đã biết sửa chữa thì “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”.

Như vậy, sẽ không công bằng và giảm sức phấn đấu của những người lỗi nhẹ, biết sửa lỗi và phấn đấu chuộc lỗi”.

Để hạn chế việc cố tình chây ì, kéo dài thời gian xử lý đơn thư theo bà An thì cần thiết phải chỉ đạo nghiêm trong việc xử lý đơn thư và các vấn đề người dân phản ánh.

Cần phải nghiêm chỉnh thực hiện khi có thông tin phản ánh chứ không được kéo dài thời gian nhằm cố tình kéo dài hết thời hiệu để người vi phạm không bị kỷ luật. Nếu như có tình trạng cố tình kéo dài thì cần phải làm rõ nếu không người dân rất khổ sở.

Cuối cùng bà An nhấn mạnh: “Hiện nay, tình trạng nhiều vụ việc đấu tranh kéo dài chính vì vậy cần rà soát nghiêm chỉnh, làm minh bạch vì lỗi do đâu.

Không thể chỉ vì việc đổ người nọ người kia để kéo dài thời gian, dềnh dang. Điều này gây tâm lý không tốt và bào mòn niềm tin của người dân. Đôi khi chính người thực thi lại lợi dụng kẽ hở của Luật nên trong xây dựng văn bản quy phạm cần phải chặt chẽ hơn nữa”.

Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật  

Hiện nay, Luật cán bộ, công chức và luật viên chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 2 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 4 tháng.

Trong khi đó dự thảo lần này đưa ra, thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Đối với các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: a) Cán bộ, công chức đang công tác hoặc cán bộ, công chức sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ việc có hành vi vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ khỏi đảng.

b) Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 150 ngày.

Trinh Phúc