Cho dân ăn nước bẩn, xin lỗi kiểu 'đãi bôi' là xong?

29/10/2019 06:19
Trần Phương
(GDVN) - Sau khi phải ăn nước bẩn, những gì người dân nhận lại là lời xin lỗi "đãi bôi" và miễn phí tiền nước 1 tháng thiếu chân thành như vậy sao?

Như vậy, 17 ngày sau khi sự cố nước sinh hoạt lẫn dầu thải gây nên cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có tại Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới chính thức có thông cáo báo chí.

Điều đáng chú ý là trong thông cáo báo chí của mình, Viwasupco có “đính kèm” lời xin lỗi:

“Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chúng tôi mong muốn thông qua các cơ quan thông tin báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ”.

Và sau “lời xin lỗi” được gửi qua báo chí này, Viwasupco có động thái: “xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương 1 tháng tiền nước)”.

Lời xin lỗi gượng ép của Viwasupco đến khi trước đó, ông Phó Giám đốc Bùi Văn Đăng cương quyết “Xin lỗi hay không phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".

Đáng chú ý, thay vì câu nói của ông Bùi Văn Đăng “Chúng tôi là đơn vị thiệt hại nặng nhất”, Viwasupco đã "ý thức được sự lo lắng của khách hàng và sự hoang mang của người dân mới là tổn thất lớn nhất".[1]

Trong thông cáo báo chí của mình Viwasupco nêu: "Là một doanh nghiệp, chúng tôi ý thức rằng sự lo lắng của khách hàng và sự hoang mang của người dân mới là tổn thất lớn nhất”.

Vật vã trong cơn khát để rồi chỉ nhận được lời xin lỗi kiểu "đãi bôi" và miễn phí 1 tháng tiền nước. Nhưng lúc này người dân chỉ quan tâm tới sức khỏe, liệu có nguy cơ bị ảnh hưởng gì sau những ngày dùng phải nước nhiễm dầu thải không? (Ảnh minh họa: Vũ Ninh)
Vật vã trong cơn khát để rồi chỉ nhận được lời xin lỗi kiểu "đãi bôi" và miễn phí 1 tháng tiền nước. Nhưng lúc này người dân chỉ quan tâm tới sức khỏe, liệu có nguy cơ bị ảnh hưởng gì sau những ngày dùng phải nước nhiễm dầu thải không? (Ảnh minh họa: Vũ Ninh)

Sau những lời có cánh ấy, Viwasupco đưa ra sự “an ủi”: “Chúng tôi xin được cung cấp nước miễn phí trong thời kỳ xảy ra sự cố, tương đương 1 tháng tiền nước".

Và không quên đính kèm thêm lời hứa ở thì tương lai: “Công ty đã xác định được nguyên nhân, bản chất vụ việc, trên cơ sở đó đánh giá thiếu sót và nhìn nhận trách nhiệm của mình”.[2]

Trách nhiệm đó là gì? Câu hỏi đó chưa biết đến bao giờ sẽ có câu trả lời.

Một điều đáng lưu ý là thông cáo báo chí mà Viwasupco phát đi chỉ đóng dấu treo không có người đại diện pháp luật công ty ký đóng dấu.

Phải chăng Viwasupco đang quá coi thường người dân và nghĩ rằng chỉ với một lời xin lỗi đơn giản kèm theo 1 tháng tiền nước miễn phí  là họ có rũ bỏ trách nhiệm với hàng vạn người dân hay sao?

Viwasupco phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì cung cấp nước bẩn đến nhà dân
Viwasupco phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì cung cấp nước bẩn đến nhà dân

Cả gia đình vật vã trong cơn khát nước và nguy hại hơn sức khỏe người dân phải ăn nước bẩn trong nhiều ngày liền, tinh thần hoang mang, hoảng loạn… những thiệt hại đó chưa thể lường hết được.

Cho đến bây giờ chưa ai dám chắc sức khoẻ của hàng vạn người dân, trong đó có nhiều học sinh liệu có bị ảnh hưởng từ những ngày ăn nước nhiễm dầu thải?

Tổn hại tinh thần và vẫn đang lo lắng vì có thể gặp vấn đề tổn hại sức khoẻ, vậy mà chỉ nhận lại sự “bố thí” một tháng nước miễn phí, có lẽ chỉ loanh quanh đâu đó trên dưới 100 nghìn đồng cho mỗi gia đình.

Lời xin lỗi ẩn trong một văn bản thông cáo báo chí, không phải thư xin lỗi khách hàng, đối tượng phục vụ của Viwasupco, đồng thời lời xin lỗi này không đến ngay sau sự cố mà chỉ phát đi khi như một kiểu đối phó với bức xúc của dư luận xã hội.

Thông cáo báo chí chỉ được đưa ra sau 17 ngày được là hành động quá muộn màng thể hiện sự vô trách nhiệm, vô cảm của họ với sức khoẻ của hàng vạn người dân Hà Nội.

Điều người dân cần không chỉ là một lời xin lỗi kịp thời, chân thành, có đạo đức mà còn phải có việc truy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đã để người dân ăn nước bẩn trong nhiều ngày liền.

Những lời ấy trong Thông cáo báo chí chỉ như những lời đãi bôi, sáo rỗng.

Cần lưu ý rằng, trong thông cáo báo chí của mình, Viwasupco đã không nhắc đến quy trình và trách nhiệm của mình khi không kiểm soát được nguồn nước đầu vào.

Đây chính là quy trình làm nguyên liệu cho sản xuất và là điều tiên quyết để cung cấp một loại sản phẩm dịch vụ đặc biệt như nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Thông cáo báo chí của Viwasupco nói miễn phí 1 tháng tiền nước cho người dân. Còn nguy cơ có thể xảy ra thiệt hại sức khoẻ cho hàng vạn người không thấy đề cập.

Thông cáo báo chí của Viwasupco nói miễn phí 1 tháng tiền nước cho người dân. Còn nguy cơ có thể xảy ra thiệt hại sức khoẻ cho hàng vạn người không thấy đề cập.

Theo Nghị định 117/2007 và sau này là Nghị định 124/2011/NĐ CP ngày 28/2/2011 quy định về sản xuất ,cung cấp, tiêu thụ nước sạch cũng như Thông tư 41/2018 ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng bộ Y tế ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2019 quy định rất rõ trách nhiệm của đơn vị cấp nước và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. [3]

Thông tư này đã quy định rõ việc đơn vị cấp nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị mình cung cấp. (Xem chi tiết thông tư)

Thế nhưng, trong thông cáo phát đi, không rõ Viwasupco có nhận thức được thông tư này hay không nhưng trong lời thông báo không hề có lời nào “nhận trách nhiệm trước pháp luật”.

Các cá nhân, người có trách nhiệm cụ thể đối với chất lượng cung cấp nước ở đâu, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị ở đâu?

Những lời “ngụy biện” chung chung, sáo rỗng không cụ thể của Viwasupco đang đánh đổi bằng 1 tháng cấp nước miễn phí?

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sức khỏe người dân?

Phó Bí thư tỉnh Hòa Bình: Nước bẩn thì công ty cung cấp phải chịu trách nhiệm
Phó Bí thư tỉnh Hòa Bình: Nước bẩn thì công ty cung cấp phải chịu trách nhiệm

Từ lời xin lỗi kiểu “đãi bôi” và “bố thí” của Viwasupco cho thấy, sau sự cố nước bẩn cũng đã giúp người dân “sáng mắt” ra khi đạo đức kinh doanh đang là một thứ xa xỉ.

Đặc biệt, an ninh, an toàn nguồn nước sinh hoạt của người dân phải được đặt ở mức “báo động đỏ” vì đó là sức khoẻ, tính mạng của hàng triệu người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em đang ở tuổi đến trường.

Người dân mua nước của các công ty này nhỡ có thiếu tiền tháng thì sao? Chắc chắc chắn là cắt nước, gây sức ép để khách hàng của mình không thể thiếu dù “một cắc”.

Thế nhưng, khi sự cố xảy ra người dân nhận lại là sự giả dối, sản phẩm bẩn, ảnh hưởng trực tiếp cả sức khỏe và tinh thần.

* Tài liệu tham khảo:

1.     https://vnexpress.net/thoi-su/cong-ty-nuoc-sach-song-da-chung-toi-la-nan-nhan-lon-nhat-3998610.html
2.     https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/viwasupco-ra-thong-cao-bao-chi-sau-su-co-nuoc-nhiem-dau-thai-post203735.gd?
3.     http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=153298

Trần Phương