Chuyện đại ca hoàn lương trên đất Cố đô

29/04/2012 19:44
Theo Pháp luật và cuộc sống
Nhớ lại ngày anh được đặc xá ra trại, nhiều tên đàn em đã đưa xe đến tận cổng đón, nhưng Chiến kiên quyết lắc đầu, anh không muốn bước chân lại thêm một lần lầm lỡ. Bọn đàn em tung hê, mở tiệc mừng, song với sự nghiêm túc, Chiến thông báo: Anh trở lại không phải để đi lại con đường cũ.

Một thời đâm thuê chém mướn

Ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Chiến nằm bên bờ sông Bạch Đằng, hôm chúng tôi tìm đến đúng lúc anh vừa chạy xe từ Đông Hà (Quảng Trị) về. Anh Chiến cho hay, anh vừa sắm được chiếc xe tải nhỏ thay chiếc ba gác cũ để phụ vợ nuôi con kiếm sống, ban ngày chạy xe, ban đêm tham gia tuần tra cùng tổ bảo vệ dân phố của phường nơi anh đang là thành viên.

Khi tôi hỏi chuyện anh còn có một “nghề” khác là “đỡ đầu” những người lầm lối hoàn lương, anh cười hiền xa xăm nhớ lại. Anh sinh ra trong một gia đình không đến nỗi nào, nếu không nói là khá giả. Bố mẹ là cán bộ công chức, các anh chị đều có nghề nghiệp, ngoan ngoãn, nhưng không hiểu sao, đến lượt cậu ấm như anh lại sinh ra hư đốn. Năm 17 tuổi, đang học cấp 3, Chiến gây sự với bạn, nên bị nhà trường gọi lên nhắc nhở, về nhà bị bố lôi ra đánh đòn nên ấm ức bỏ học, bỏ nhà “đi bụi”, rồi chính thức gia nhập thế giới xã hội đen từ đấy.

Địa điểm mà Chiến được đưa “vào đời” là khu vực bến tàu chợ Đông Ba, một trong những địa điểm quy tụ lắm anh chị giang hồ lúc bấy giờ. Đó là thời điểm cách đây tầm 30 năm về trước, khi phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn đều chủ yếu là bằng tàu thuyền. Đông Ba là bến trung tâm lớn nhất, hàng ngày tập trung hàng trăm tàu thuyền từ khắp nơi về ăn hàng, vận chuyển khách.

Anh Chiến "rửa tay gác kiếm" và lập nhiều chiến tích

Anh Chiến "rửa tay gác kiếm" và lập nhiều chiến tích

Dạt về đây, cậu ấm Nguyễn Văn Chiến được các đàn anh đi trước truyền đạt những mánh khóe kiếm tiền mà không tốn bất cứ chút sức lực nào. Ban đầu là ăn theo, học việc, sau khi đã tích lũy được chút kinh nghiệm, cộng với thân hình vạm vỡ, săm trổ khắp nơi, Chiến được nhận phi vụ đầu tiên, ấy là dằn mặt băng nhóm Tuần “đầu bò” để đòi nợ giúp một đàn anh khác.

Dẫn theo 3 tên đàn em, Chiến vác súng xông vào “đại bản doanh” của tên này khi cả nhóm đang ăn nhậu tưng bừng, vụ đó không cần đao to búa lớn, cảm cái nghĩa khí khẳng khái của đứa em, Tuấn “đầu bò” đã trả nợ sòng phẳng. Sau vụ đó, tiếng tăm của Chiến bắt đầu nổi lên, đến khi thực hiện thành công thêm mấy phi vụ nữa thì Chiến được tất cả dân anh chị biết đến và nể trọng. Anh vẫn nhớ như in lần đầu tiên anh đươc nhóm đàn em suy tôn là đại ca, hôm đấy đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 20 của đời mình.

Kể từ đấy, cuộc đời Nguyễn Văn Chiến gắn liền với những cuộc thư hùng tranh giành lãnh địa, đâm thuê chém mướn và đòi nợ. Các đại ca có tuổi, người thì bị bắt, kẻ lui vào ẩn dật nên suốt một thời gian dài, khu vực bến tàu Đông Ba, một mình Chiến xưng “vương”. Trong những cuộc thư hùng ấy, nhiều lần Chiến thành công trong việc vùi dập đối thủ, nhưng cũng không ít lần đại ca này bị đánh cho tơi bời. Trong những lần thoát chết ấy, Chiến vẫn không quên chuyện đòi nợ 500 triệu đồng giúp một đại gia ở phường Kim Long.

Vì vướng vào xã hội đen, đại gia xây dựng này bị quỵt tiền, sau nhiều lần đòi không được, nên nhờ đến uy danh của “đại ca” Chiến, với lời hứa sẽ chia đôi số tiền đòi được. Thấy bở ăn, Chiến dẫn quân đến “đại bản doanh” của con nợ này, không ngờ đây cũng là một giang hồ có số má nên quân của Chiến bị đánh tơi tả.

Về phần Nguyễn Văn Chiến, để mở đường máu thoát thân, anh ta đã liều lĩnh lao vào đâm chém túi bụi rồi lao mình xuống sông Hương. Sau vụ này, Chiến và đồng bọn bị bắt, bị kết án tù, cải tạo tại Trại giam Bình Điền và chính những ngày tháng dài sau song sắt, Nguyễn Văn Chiến đã nhận ra con đường mình đi có quá nhiều sai lầm nên âm thầm nuôi chí phục thiện.

“Đỡ đầu” cho người lầm lỗi hoàn lương

Trở về với xã hội sau khi thụ án xong, việc đầu tiên Chiến làm là về quê tạ tội với bố mẹ rồi khăn gói trở lại bến tàu Đông Ba quyết tâm làm lại cuộc đời. Trong suy nghĩ của Chiến, mình sa ngã ở đâu thì phải đứng lên đúng chỗ ấy, nên Chiến đã quyết phục thiện ngay nơi bến tàu lắm cám dỗ, nhiều trắc trở này.

Nhớ lại ngày anh được đặc xá ra trại, nhiều tên đàn em đã đưa xe đến tận cổng đón, nhưng Chiến kiên quyết lắc đầu, anh không muốn bước chân lại thêm một lần lầm lỡ. Chính bởi thế mà khi thấy anh trở lại bến tàu, bọn đàn em đã tung hê, mở tiệc mừng, song với sự nghiêm túc, Chiến thông báo: “Anh trở lại không phải để đi lại con đường cũ mà để giúp các em tìm ra con đường sáng để “về nhà”!

Nghe Chiến tuyên bố vậy, nhiều đàn em đã không tin, còn cười khẩy, dè bỉu những Chiến mặc kệ, vẫn kiên định trên con đường đã lập trình sẵn của mình. Ngày ngày, anh lân la tại các tụ điểm, nhẫn nại trò chuyện, thuyết phục đàn em quay lại con đường làm ăn tử tế. Mưa dầm thấm lâu, trước tấm chân tình của Chiến, một vài người đã nghe ra. Chiến mừng rỡ chạy vạy khắp nơi xin cho họ đi học nghề, nhưng với cái “mác” tù về như anh, lúc bấy giờ, mọi chuyện quá khó khăn.

Cực chẳng đã, anh đến Công an phường Phú Hiệp trình bày tâm nguyện, được mọi người hiểu ra vấn đề và tận tình giúp đỡ. Sau một vài trường hợp thành công, anh được gia nhập vào Đội dân phòng của phường. Có địa vị mới, việc thuyết phục hoàn lương của anh dễ dàng hơn. Cứ như thế, dần dần khu vực bến tàu Đông Ba thưa hẳn rồi vắng bóng bảo kê, giang hồ.

Anh Chiến chia sẻ, vì từng vào tù ra tội nên hơn ai hết anh rất hiều tâm lý của những người này. Chính lẽ đó, trên địa bàn phường Phú Hiệp nói riêng và TP.Huế nói chung, anh Chiến đặc biệt quan tâm đến những người trở về sau lỗi lầm, anh đích thân gặp chính quyền cũng như các tổ chức dạy nghề trong các trung tâm xã hội để tạo việc làm giúp những người này tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều “cựu tù” không có vốn làm ăn, anh đứng ra bảo lãnh để vay tiền làm vốn.

“Cái khó nhất là tư tưởng không thông suốt của chính người lầm lỗi và thứ nữa là sự không tin tưởng của người đời dành cho họ. Đó mới là mấu chốt của vấn đề, chứ chuyện tiền bạc, vốn liếng, anh em có thể tháo gỡ từ từ”, anh Chiến cho biết thêm.

Trong số hàng chục cựu tù lẫn đại ca anh đã cảm hóa, trường hợp của Lê Văn Bửu (SN 1970) của phường Thủy Biểu là anh nhớ hơn cả. Bửu là kẻ đã từng có tiền án tiền sự về tội cố ý gây thương tích, vừa trở về địa phương được mấy ngày đã bị bắt lại vì trộm cắp tài sản. Khi trở về sau lần ra tù thứ hai, Bửu hoang mang dao động khi bị mọi người xa lánh, bố mẹ ruồng rẫy. Biết chuyện, anh Chiến đã đến tâm sự với gia đình, đồng thời phân tích thiệt hơn với Bửu cả tháng trời.

Rồi chỉ đến khi Bửu bị bắt vì tội trộm cắp tài sản, đích thân anh đến bảo lãnh để đưa về cảm hóa, thì Bửu mới tin anh và hứa không tái phạm. Nửa năm sau, khi Bửu dần lấy lại được niềm tin, có cô gái đem lòng yêu và khi biết quá khứ của Bửu đã đến hỏi ý kiến anh Chiến. Được anh vun vào, đôi trẻ thành thân, giờ họ đã có hai đứa con và một cửa hàng nho nhỏ.

Hay như với trường hợp Bùi Văn Bắc (SN 1986), ở ngay trong khu phố. Bắc đãn có vợ con nhưng ham đàn đúm, một bữa rượu vào không làm chủ được , tên này đã ra tay cướp dây chuyền của người đi đường, bị kết án tù. Trong thời gian chồng thụ án, cô vợ chảnh ở nhà đòi ly hôn, anh Chiến đã khuyên bảo thiệt hơn, cố công vun vào nên mái ấm ấy không bị chênh chao.

Chưa hết, ngày ra tù, Bắc chán đời, mặc cảm nên không chăm lo gì cuộc sống gia đình. Lúc này, anh Chiến lại đứng ra bảo lãnh cho vợ chồng Bắc vay vốn của Hội Cựu chiến binh để mua xe hàng chạy chợ. Cảm phục trước tấm lòng nghĩa hiệp của anh Chiến, đến nay Bắ đã là một người chồng tốt, người cha mẫu mực.

Không chỉ vậy, với cương vị là thành viên của Ban bảo vệ dân phố, đêm đêm, anh Chiến cần mẫn trong việc tuần tra, bắt giữ tội phạm. Hơn 10 năm miệt mài với hoạt động này, anh đã cùng với anh em tham gia bắt giữ được nhiều tên tội phạm, trong đó có cả những tên trốn lệnh truy nã, ẩn nấp trên địa bàn. Theo anh Chiến, nguy hiểm nhất vẫn là truy bắt những tên ăn bay trên đường phố bởi chúng hoạt động về đêm khuya, và khi bị rượt đuổi, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả quyết liệt.

Đơn cử như vụ việc xảy ra hồi đầu tháng 3 năm nay, khi tổ tuần tra của anh phát hiện hai tên cướp giật vừa “ăn hàng” liền phóng xe đuổi theo. Khi bị áp sát, chúng đã rút kiếm ra đe dọa, chống trả quyết liệt, chỉ đến khi có sự hỗ trợ của lực lượng công an và quần chúng nhân dân thì hai tên cướp mới bị tóm gọn.

Hiện, anh Chiến có cuộc sống gia đình khá giả hạnh phúc, các con đều trưởng thành và anh có một xưởng nhỏ gia công vật liệu ở TP. Huế. Với những đóng góp không biết mệt mỏi của mình, trong nhiều năm qua anh Nguyễn Văn Chiến đã được Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng nhiều Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Anh tâm niệm, còn sức thì còn cống hiến và việc anh tình nguyện giúp đỡ người khác luôn xuất phát từ cái tâm, từ chính cuộc đời của mình mà không hề lăn tăn suy tính.

Theo Pháp luật và cuộc sống