Clip mẹ già quỳ lạy con trai như ‘thánh sống’: Tung clip tạo dư luận?

25/04/2013 10:00
XUÂN NGỌC - TIẾN ĐẠT/Pháp luật TP.HCM
Hai ngày nay, trên mạng bỗng xuất hiện đoạn clip “Mẹ già quỳ lạy con trai bất hiếu’’. Đoạn clip kéo dài khoảng 17 giây, ghi lại cảnh người phụ nữ lớn tuổi quỳ lạy một thanh niên không mặc áo đang ngồi xem tivi. Thấy người này liên tục quỳ lạy mình, thanh niên kia đứng lên bỏ đi.
Phần đông người xem đều buông lời chỉ trích “Đứa con bất hiếu”, “Tội cho cụ bà quá”...

Qua xác minh, chúng tôi biết được người phụ nữ lớn tuổi có tên NTH (78 tuổi, ngụ quận 4) đang quỳ lạy con trai của bà là DHK.

Chúng tôi tìm gặp bà H. Người mẹ già cho biết mình có con trai út tên DHK, đã lập gia đình, chuyển ra ở riêng gần một năm nay. Khi chúng tôi cho bà xem đoạn clip, bà xác nhận sự việc trên có thật nhưng xảy ra đã hơn một năm.

Bà H. cho biết các con bà đều là giáo viên, K. cũng trong ngành và đang giảng dạy tại một trường THCS. Về clip trên, bà giải thích: K. sống tốt nhưng khi uống rượu bia vào không làm chủ được bản thân. Một ngày trong năm 2012, K. đi nhậu về thì xảy ra cự cãi, lớn tiếng với chị gái. Bà mẹ mới vừa mổ tim, không chịu được nên chạy ra can ngăn nhưng hai con vẫn không chịu dừng lại. Sợ những mâu thuẫn nhỏ làm mất hòa khí trong gia đình nên bà đã quỳ xuống lạy con chứ không hề có chuyện con trai bắt mẹ quỳ hay đối xử tệ bạc.

Clip mẹ già quỳ lạy con trai như ‘thánh sống’: Tung clip tạo dư luận? ảnh 1

Hình ảnh bà mẹ quỳ lạy con trai mình (cắt từ clip).

Khi chúng tôi hỏi về clip này ai ghi lại thì bà H. trả lời không biết. Tuy nhiên, cháu nội của bà H. cho biết: “Thấy mọi người trong nhà cãi nhau rồi thấy bà nội quỳ lạy chú K. nên anh DTL (28 tuổi - cháu nội bà H.) dùng điện thoại quay lại’’. Việc người nào đưa lên mạng, với động cơ gì thì trong gia đình không hề hay biết vì chuyện xảy ra quá lâu.

Hàng xóm bà H. cũng cho hay: ‘‘Anh K. sống chung với chị gái và mẹ nhưng đầu năm 2012 lấy vợ và sau đó chuyển đi nơi khác sinh sống. Chúng tôi cũng chưa từng nghe chuyện K. đối xử tệ bạc với mẹ’’.

Nhiều đồng nghiệp tại nơi anh K. công tác khá ngỡ ngàng khi xem những hình ảnh từ clip trên. Theo những giáo viên tại đây thì anh K. đã hoạt động trong ngành hơn 21 năm. Trong khoảng thời gian ấy, anh sống hòa đồng, tận tụy với nghề và luôn quan tâm đến học sinh.

Thị hiếu thấp hèn!

Clip người mẹ quỳ lạy con trai được chia sẻ trên mạng xã hội trong những ngày qua (dù nó đã có mặt trên trang YouTube cũng đã khá lâu mà không ai để ý) đã gây nên sự xót thương xen lẫn căm phẫn. Số đông các bạn vào bình luận đã lên án người con, cho rằng người con bất hiếu, không thể tha thứ được.

Đoạn clip không đưa thông tin nội dung, nguyên nhân gì khiến bà mẹ phải quỳ lạy người con. Việc phát tán lên mạng Internet chưa có mục đích rõ ràng: Lên án, phê phán hay chỉ gợi sự tò mò… mục đích chỉ để thỏa mãn số đông chỉ thích hiện tượng lạ, mua vui chăng?

Những bạn căm phẫn cho là người con bất hiếu. Điều này chỉ đúng một phần vì ta chưa biết rõ tình huống, nguyên nhân thế nào. Tuy vậy, thái độ này chứng tỏ được ý thức của cư dân mạng, không chấp nhận và phê phán những hình ảnh chướng tai gai mắt và đây là tín hiệu vui.

Tuy nhiên, nếu liên hệ với đời sống, ta sẽ thấy nhiều trường hợp cũng có chuyện “quỳ lạy” như thế nhưng không đến mức gây “căm phẫn” nặng nề vì bản chất không phải là chuyện bất hiếu, ngược đãi... Thực tế trong nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn cũng còn hiện tượng này: Cha mẹ đã lớn tuổi, lúc nào cũng mong muốn con ngoan hiền, sống có đạo đức… đừng làm những chuyện sai trái. Nhưng khuyên can con hoài mà con cái không nghe lời như các anh chị em, các cụ cũng thường nói hoặc chắp tay xá: “Tao lạy chúng mày”. Hoặc, một đứa con trộm cắp bị mắng vốn hoài mà nó không nghe lời, các bà mẹ phải nói: “Mẹ xin con, mẹ lạy con đừng làm vậy xấu hổ lắm” nhưng người con cũng chứng nào tật nấy, đến mức này người mẹ đành phải quỳ lạy. Họ hành động như thể để biểu lộ sự quyết liệt, tạo ấn tượng với con mình, mong đứa con tỉnh ngộ…

Cách “lạy con” như thế là giải pháp sau cùng của các bà mẹ khi quá bức bách trước đứa con khó bảo. Đó cũng chỉ là một phương pháp giáo dục bằng tâm lý khiến người con cảm thấy có lỗi trước đấng sinh thành. Cha mẹ dùng phương thức cuối cùng này để đạt được mục đích giáo dục khiến đối tượng cảm động, suy nghĩ lại hành vi sai trái của mình. Vậy thì hành động của ông bà, cha mẹ trong trường hợp này không có gì quá ghê gớm đến mức phải báo động rằng người con bất hiếu, lên án người con.

Điều đáng bàn là việc phát tán clip, lợi dụng tình huống không tiêu biểu, cá biệt để gây chú ý, tạo bất ngờ… “gây nổi” trên mạng Internet. Tại sao các bạn trẻ bây giờ không tìm những câu chuyện, thông tin hay và bổ ích khác để đưa lên, để cùng đọc, nâng tầm hiểu biết? Nếu các bạn muốn phê phán, hãy chọn cho đúng các hiện tượng có bản chất đúng nghĩa tiêu cực và nên có lời bình định hướng theo cảm nhận và thái độ của mình! Kiểu đưa clip lên mạng một cách trống không mang tính biểu cợt cho thấy mục đích chưa rõ ràng. Những người vào xem không cần biết nội dung, nguyên nhân… lại vào chửi bới, lên án cũng thể hiện ý thức còn thấp. Không loại trừ những clip này mang lại hệ quả tiêu cực cho những người liên quan, chưa kể clip có thể bị cắt ghép, dàn dựng vì một mục đích nào đó.

Đã đến lúc chúng ta cần giáo dục cho giới trẻ về văn hóa ứng xử chứ không để cho cái gì cũng tung hê lên mạng để thỏa mãn thị hiếu cá nhân thấp hèn…

Bà NGUYỄN THỊ KIM THANH, chuyên viên tư vấn tâm lý, giáo dục tổng đài 1088

QUỐC VIỆT ghi


XUÂN NGỌC - TIẾN ĐẠT/Pháp luật TP.HCM