Có 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí Hà Nội

02/10/2019 06:16
Đỗ Thơm
(GDVN) - Khí thải xe máy, đun bếp than tổ ong, vật liệu và quản lý phá dỡ công trình xây dựng vận chuyển phá dỡ chưa kiểm soát được bụi...là nguyên nhân gây ô nhiễm.

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 1/10, ông Vũ Đăng Định - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã nêu ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong những ngày vừa qua tại Thủ đô.

Ông Vũ Đăng Định - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Ảnh: Đỗ Thơm
Ông Vũ Đăng Định - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Ảnh: Đỗ Thơm

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 13/9 chất lượng không khí kém, chủ yếu ô nhiễm bụi mịn, ảnh hưởng sức khỏe con người về hô hấp đặc biệt đối với trẻ em, người già.

Ông Vũ Đăng Định cũng chỉ ra 12 yếu tố dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cụ thể gồm: khí thải xe máy, đun bếp than tổ ong/bếp củi vẫn tiếp diễn; vật liệu và quản lý phá dỡ công trình xây dựng vận chuyển phá dỡ chưa kiểm soát được bụi; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ trại chăn nuôi gia súc gia cầm; đốt rơm rạ; thu gom rác thải ô nhiễm ao hồ lâu năm, bùn thải; khói bụi từ các vùng lân cận; tác động của thời tiết chuyển mùa.

Giải pháp được Thành phố nêu ra là lắp đặt trạm quan trắc, kiểm soát ô nhiễm môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì; thay đổi thu gom từ thủ công sang xe quét xe hút bụi; xử lý ao hồ ngoại thành; xây dựng kế hoạch vận động đến 31/12/2020 không còn hộ sử dụng than tổ ong …

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay, người phát ngôn của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân đi ra đường “đeo khẩu trang bảo vệ sức khỏe”.

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cũng nói thêm, công trình khi xây dựng hay phá dỡ đa số là bụi PM10 cũng ảnh hưởng đến môi trường. Rồi lượng phát thải từ các phương tiện giao thông.

“Theo thống kê của Cảnh sát giao thông, tính đến quý 1 năm nay có trên 700 nghìn ô tô, trên 5 triệu xe cá nhân. Những ngày này, vào giờ cao điểm và buổi sáng, các phương tiện tham gia giao thông thì lượng phát thải ra cũng gây ô nhiễm”, ông Thái nhấn mạnh.

Ông Thái thông tin, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng ngày 3/10, Hà Nội sẽ có thể xuất hiện mưa giông, nhờ đó sẽ cải thiện chất lượng không khí.

Trước đó, báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng không khí ở Hà Nội từ ngày 12 đến 29/9 (18 ngày) đã chỉ ra rằng chỉ số bụi PM2.5 (loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) liên tục cao hơn 50 - ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013 (trung bình 24 giờ là 50, trung bình năm 25).

Hàng triệu dân Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khổ vì nước bẩn, không khí ô nhiễm
Hàng triệu dân Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khổ vì nước bẩn, không khí ô nhiễm

Cụ thể, số liệu của 13 trạm quan trắc tự động (1 trạm của Tổng cục Môi trường, 11 trạm của thành phố Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ) cho thấy, từ ngày 12 đến 17/9 chỉ số bụi PM2.5 liên tục tăng, tình trạng này tiếp diễn từ ngày 23 đến 29/9.

"Đặc biệt các ngày từ 25 đến 29, tất cả các trạm đều có giá trị PM 2.5 trung bình 24h vượt quy chuẩn", báo cáo chỉ rõ.

Kết quả quan trắc cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tổng thể (AQI) trong trong 18 ngày trên thì chỉ có 5 ngày ở mức trung bình, còn lại đều ở mức kém (chỉ số lớn hơn 100).

Đỗ Thơm