Có phải “người Việt uống bia rượu nhiều nhất Thế giới”?

26/05/2014 16:36
Đại Chí
(GDVN) - Thời gian gần đây, nhiều thông tin cho rằng, với mức tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia/năm, Việt Nam lọt vào “tốp” các nước uống bia nhiều nhất thế giới?

Người Việt uống bia rượu mới chỉ bằng mức ở các nước đạo Hồi

Thống kê lượng bia rượu tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2013 cho thấy, người Việt đã tiêu thụ tới hơn 3 tỷ lít bia và khoảng tiền phục vụ cho bia rượu lên tới con số 3 tỷ USD.

Nhiều người tính toán “cơ học” rằng, với lượng bia rượu tiêu thụ khổng lồ như trên, Việt Nam được xếp vào danh sách các nước có mức tiêu thụ hàng đầu thế giới. Cụ thể, Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia lớn nhất trong các nước Asean, đứng top 3 các nước tiêu thụ bia rượu lớn nhất châu Á và là 1 trong 25 nước uống nhiều rượu bia nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định, tính toán như vậy là không đúng.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho rằng, để đo mức tiêu dùng rượu bia cần sử dụng đại lượng “độ cồn tuyệt đối”.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho rằng, để đo mức tiêu dùng rượu bia cần sử dụng  đại lượng  “độ cồn tuyệt đối”.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho rằng: “Để đo mức tiêu dùng rượu bia cần sử dụng đại lượng  “độ cồn tuyệt đối” (quy về 100% lít độ cồn) chứ không phải đo số lượng lít vì nồng độ cồn khác nhau của các loại, các nhãn rượu bia rất khác nhau. Cũng như trong ngành vận tải thì dùng đại lượng tấn/km chứ không thể dùng mét khối được vì chở thép và bông là rất khác nhau”.

Theo tính toán, mỗi người Việt uống khoảng 32 lít bia/năm, nếu nồng độ cồn trong bia bình quân là 4% (4 độ cồn) thì 32 lít x 4 độ cồn = 1,28 lít/năm (độ cồn tuyệt đối). Với số liệu thống kê quốc gia về sản xuất và tiêu thụ rượu ở Việt Nam năm 2013 thì bình quân mỗi người Việt tiêu dùng khoảng 2 lít rượu/năm với độ cồn bình quân là 40% (40 độ cồn).

Quy về độ cồn tuyệt đối là khoảng 0,8 lít độ cồn 100%. Tổng cộng người Việt dùng khoảng 2,08 lít độ cồn tuyệt đối/năm.Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì, quốc gia có lượng tiêu thụ từ 4,9 lít độ cồn tuyệt đối/người/năm trở xuống là xếp vào nước tiêu thụ trung bình thấp. Việt Nam mới chỉ ở mức 2 lít/người/năm (độ cồn tuyệt đối) và chỉ tương đương với mức tiêu dùng phổ biến ở các nước đạo Hồi.

Nước nào mới tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới?

Theo báo cáo gần đây của WHO, rượu là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 3,3 triệu người trong năm 2012 bởi rượu có nồng độ cồn cao, dễ gây các biến chứng có hại, còn việc tiêu dùng bia với độ cồn thấp thì chưa có đánh giá chính thức về tác hại đến sức khỏe. Thậm chí có nhiều thông tin cho rằng, với mức tiêu dùng bia phù hợp với thể trạng còn có tác dụng tốt cho sức khỏe. Những báo cáo cũng cho biết thêm, sức khỏe của người dân ở những quốc gia tiêu thụ nhiều rượu cũng kém hơn rất nhiều phần dân số còn lại trên thế giới.

Gần như tất cả các nước tiêu thụ rượu nhiều nhất đều thuộc khu vực Đông Âu, bao gồm Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Belarus, Litva, Moldova và Ukraine... Chỉ có duy nhất một quốc gia trong top 10 không nằm ở Đông Âu là Andorra, một công quốc nhỏ nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha trong dãy núi Pyrenees.

Gần như tất cả các nước tiêu thụ rượu nhiều nhất đều thuộc khu vực Đông Âu, bao gồm Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Belarus, Litva, Moldova và Ukraine...
Gần như tất cả các nước tiêu thụ rượu nhiều nhất đều thuộc khu vực Đông Âu, bao gồm Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Belarus, Litva, Moldova và Ukraine...

So với tuổi thọ trung bình 79,3 năm ở các quốc gia có thu nhập cao, tuổi thọ trung bình của người dân các nước "nghiện rượu" đều ở mức khá thấp: 68,7 năm ở Romania và 72 năm ở Nga, Ukraina. Không chỉ nam giới, nữ giới tại các quốc gia này cũng uống nhiều rượu hơn phụ nữ từ nước khác.

Danh sách các nước tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn nhất thế giới và lượng tiêu thụ trung bình tính trên đầu người (tính theo độ cồn tuyệt đối 100%) trong một năm, theo báo cáo toàn cầu về rượu và các vấn đề sức khỏe 2014 của tổ chức WHO gồm: Belarus - 17,5 lít/người/năm; Cộng hòa Moldova - 16,8 lít/người/năm; Lithuania - 15,4 lít/người/năm; Liên bang Nga - 15,1 lít/người/năm; Romania - 14,4 lít/người/năm; Ukraina - 13,9 lít/người/năm; Andorra - 13,8 lít/người/năm; Hungary - 13,3 lít/người/năm; Cộng hòa Séc và Slovakia - 13 lít/người/năm; Bồ Đào Nha - 12,9 lít/người/năm…

Về mức tiêu dùng bia thì quán quân vẫn thuộc về các nước Châu Âu, theo số liệu công bố năm 2013, Áo có mức tiêu dùng bia khoảng 135 lít/người, CHLB Đức là 115 lít/người, các nước còn lại cũng từ 80 đến hơn 100 lít/người. Tất nhiên, độ cồn trong bia ở các nước này cũng cao hơn bia sản xuất tại Việt Nam. Ví dụ, bia Chimay (Bỉ) có loại có độ cồn lên đến 14 độ cồn, trong khi Bia Sài Gòn có độ cồn bình quân khoảng 4,5 độ. Độ cồn của các loại bia hơi chắc chắn còn thấp hơn nhiều.

Như vậy, thông tin Việt Nam tiêu dùng 32 lít bia/người/năm (với độ cồn thấp) là nước nằm trong danh sách các nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới là hoàn toàn không có cơ sở.

“Rượu bia tự thân không có lỗi gì, chỉ khi lạm dụng và tiêu dùng thái quá thì mới có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng”, ông Phan Đăng Tuất chia sẻ.

Đại Chí