Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có diện tích lớn thứ hai cả nước là ai?

07/07/2025 06:42
Trần Trang
Theo dõi trên Google News

GDVN - Ông Phạm Văn Nam được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai sau sáp nhập.

Sau khi Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 được ban hành, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai được sáp nhập thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai. Trung tâm hành chính sẽ được đặt tại thành phố Quy Nhơn. Tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên là 21.576,53 km2, quy mô dân số là 3.583.693 người.[1]

Như vậy, diện tích tỉnh Gia Lai mới lớn thứ 2 cả nước, trải dài từ cao nguyên, biển đảo đến đồng bằng. Bên cạnh đó, tỉnh có văn hóa đa dạng với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Đây là thuận lợi và cũng là thách thức với người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Gia Lai.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai là cán bộ tỉnh Bình Định

Ngay sau sáp nhập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về thành lập các cơ quan tham mưu, giúp việc, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và công tác cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026.

Ông Phạm Văn Nam được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai. Phó Giám đốc gồm các ông: Nguyễn Đình Hùng, Võ Ngọc Sỹ, Đặng Văn Phụng, Nguyễn Văn Long, Trần Bá Công, Trần Thanh Hải.[2]

788756756.jpg
Ông Phạm Văn Nam - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai. Nguồn: ubmttqvn.binhdinh.gov.vn.

Trước đó, ông Phạm Văn Nam từng là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tháng 2/2025, tỉnh Bình Định thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức cán bộ theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ông Phạm Văn Nam được điều động đến nhận công tác và bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.[3]

Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai (cũ), năm học 2024-2025 toàn tỉnh hiện có 756 trường mầm non và phổ thông với 407.921 học sinh/12.045 lớp.

Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 94,2%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 99,9%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học trung học cơ sở đạt 96,85%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học trung học phổ thông đạt 59,35%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 68,17%.

Năm 2024, ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm tiếp tục phát triển toàn diện, tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh (bảng A) năm học 2024-2025 đã có 183 học sinh đạt giải với 7 giải nhất, 27 giải nhì, 61 giải ba và 88 giải khuyến khích. Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh (bảng B) năm học 2024-2025 có 485 học sinh đạt giải với 22 giải nhất, 75 giải nhì, 141 giải ba và 247 giải khuyến khích.

Giáo dục đại trà cũng có nhiều khởi sắc với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,84% (tăng 1,05% so với năm 2023), trong đó có 25 trường trung học phổ thông đạt 100% (tăng 11 trường so với năm 2023).[4]

image-20231023104858-2-1563.jpg
Một lớp học mầm non ở tỉnh Bình Định. Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, năm học 2024 - 2025, trên địa bàn tỉnh có 56 trường trung học phổ thông, 148 trường trung học cơ sở, 205 trường tiểu học, 217 trường mầm non. Toàn ngành hiện có 22.897 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập.[5]

Tỉ lệ trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt hơn 99%, trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,9%, hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 99,7%.[6]

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của tỉnh Bình Định đạt 99,4%, cao hơn so với năm 2023 (98,7%). Điểm trung bình tất cả các môn đạt 6,64, đứng vị thứ 26/63 tỉnh, thành cả nước.[7]

Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2024, đội tuyển học sinh giỏi tỉnh Bình Ðịnh có 51/73 thí sinh đạt giải, gồm: 13 giải nhì, 20 giải ba và 18 giải khuyến khích, tỷ lệ học sinh đạt giải là 69,9%. So với năm học 2023 – 2024, số lượng giải, tỷ lệ đạt giải năm nay đều tăng (năm 2023 có 70 thí sinh dự thi, đạt 47 giải).[8]

Việc phổ cập giáo dục tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng rất được quan tâm. Đến năm 2024, 100% các trường, lớp học tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được kiên cố hóa, các trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, đảm bảo cho việc dạy và học. [9]

Dù vậy, ngành giáo dục địa phương vẫn còn một số thách thức. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (cũ), trong năm học 2024 - 2025 tỉnh này còn thiếu hơn 4.200 giáo viên và nhân viên ngành giáo dục. Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên, nhưng số lượng dự tuyển không đủ so với nhu cầu.[10]

kg3.jpg
Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Sao Việt (thành phố Pleiku). Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển.

Tại Bình Định, năm học 2024-2025, toàn tỉnh tuyển thêm gần 1.100 giáo viên. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ diễn ra theo từng bộ môn, đơn vị, vùng miền do đặc thù ngành giáo dục và đào tạo định mức biên chế giáo viên theo số lớp học, phân phối chương trình giảng dạy, hoạt động chuyên môn, kiêm nhiệm...

Một số môn học như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế pháp luật, Giáo dục quốc phòng an ninh, Công nghệ không có người đăng ký tham gia tuyển dụng hoặc không có người trúng tuyển. Trong khi đó, các môn học như Tiếng Anh, Toán học, Ngữ Văn, Hóa học, Vật lý... lại có quá nhiều người dự tuyển so với chỉ tiêu tuyển giáo viên của tỉnh.

Ngoài ra, địa phương là thành thị, vùng kinh tế, xã hội phát triển thu hút rất nhiều người đăng ký tuyển dụng. Ngược lại, các địa bàn miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ít người đăng ký.[11]

Trước những thách thức này, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai cần tận dụng những điều kiện thuận lợi đã có, đồng thời có quyết sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chi-tiet-34-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-tu-12-6-2025-119250612141845533.htm

[2] https://baogialai.com.vn/gia-lai-cong-bo-quyet-dinh-thanh-lap-cac-co-quan-don-vi-va-cong-tac-can-bo-thuoc-dien-ban-thuong-vu-tinh-uy-quan-ly-post330565.html

[3] https://nhandan.vn/binh-dinh-dieu-dong-bo-nhiem-can-bo-chu-chot-sau-sap-xep-tinh-gon-bo-may-post860886.html

[4] https://baogialai.com.vn/nganh-giao-duc-va-dao-tao-nhung-dau-an-dang-tu-hao-post308711.html

[5] https://ctd.binhdinh.gov.vn/news/chinh-tri-xa-hoi/hon-331-nghin-hoc-sinh-tinh-binh-dhinh-buoc-vao-nam-hoc-moi-2024-2025-2585.html

[6] https://plo.vn/binh-dinh-uu-tien-nguon-luc-hoan-thanh-cac-muc-tieu-vi-tre-em-post852409.html

[7] https://tintucbinhdinh.vn/vi/news/xa-hoi/binh-dinh-co-ty-le-tot-nghiep-thpt-nam-2024-dat-99-48-1280.html

[8] https://lequydonbinhdinh.edu.vn/doi-tuyen-hoc-sinh-gioi-binh-dinh-tai-ky-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-nhieu-ket-qua-noi-bat/

[9] https://baodantoc.vn/binh-dinh-tap-trung-phat-trien-giao-duc-vung-dtts-mien-nui-1709691183134.htm

[10] https://tuoitre.vn/thieu-hang-ngan-giao-vien-gia-lai-xin-khong-tinh-gian-bien-che-giao-duc-20240812155008118.htm

[11] https://giaoduc.net.vn/binh-dinh-nhieu-thay-co-trung-tuyen-khong-nhan-viec-de-xuat-nang-luong-gv-moi-post244985.gd

Trần Trang