Đại học "nghìn tỷ" UEH: Nguồn thu từ học phí chiếm 62%, NCKH đạt hơn 30%

08/07/2025 06:30
Ngọc Mai
Theo dõi trên Google News

GDVN - ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh có tổng thu 1.721,4 tỷ đồng/năm, trong đó hơn một nửa nguồn thu đến từ học phí; thu từ nghiên cứu khoa học chiếm hơn 30%.

Theo thông tin trên website, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh xác định sứ mạng là nâng tầm tri thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập và chuyển giao toàn cầu; tiên phong đổi mới, sáng tạo, phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, nhà trường định hướng quốc tế hóa và hội nhập vào cộng đồng đại học trên thế giới; chuyển giao tri thức cho các hoạt động phát triển trong nước, khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhà trường phấn đấu không ngừng để đạt chuẩn quốc tế trong đào tạo - nghiên cứu; xây dựng môi trường giáo dục – nghiên cứu thân thiện nhằm phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo của người học, giáo viên và nhà nghiên cứu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Biểu mẫu 21 Công khai tài chính của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 (ký ngày 16/9/2024) cho thấy, năm 2023 nhà trường có tổng thu 1.721,4 tỷ đồng. Trong đó, thu từ học phí chiếm tỷ lệ lớn nhất (62% trên tổng thu năm).

hoc-phi-8022.jpg
Ảnh chụp trong Biểu mẫu 21 Công khai tài chính của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Theo Biểu mẫu 21, năm học 2023-2024, học phí chính quy chương trình đại trà đối với trình độ đại học dao động từ 30-36,25 triệu đồng/năm.

Học phí liên thông đại học là 20,088 triệu đồng/năm/sinh viên; học phí văn bằng 2 đại học là 20,584 triệu đồng/năm/sinh viên.

Nhà trường xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên

Để chia sẻ, hỗ trợ sinh viên, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai hiệu quả một số chính sách.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ngoài các chính sách miễn giảm học phí theo quy định, nhà trường đã chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, học bổng từ nguồn kinh phí của nhà trường”.

Theo đó, nhà trường triển khai học bổng Khuyến khích học tập, học bổng tuyển sinh. Học bổng này được nhà trường cấp xét theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục đối với sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt. Học bổng Khuyến khích học tập được xét cấp 02 lần hằng năm vào học kỳ đầu và học kỳ cuối với 03 mức học bổng: Xuất sắc, Giỏi và Khá tùy theo mức điểm học tập và rèn luyện của sinh viên.

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai học bổng Hỗ trợ học tập dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi mở rộng chính sách vào năm 2024, sinh viên liên thông chính quy, liên thông từ cao đẳng/văn bằng 1 vừa làm vừa học cũng được tham gia xét học bổng Hỗ trợ học tập. Chính sách này thể hiện tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” của nhà trường trong việc thúc đẩy, hỗ trợ người học hoàn thành con đường học vấn.

Nhà trường còn có học bổng song ngành, song chuyên ngành dành cho sinh viên đang theo học các chương trình song ngành, song chuyên ngành có thành tích học tập tốt. Học bổng song ngành, song chuyên ngành khuyến khích các sinh viên có nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thông qua đó, nhà trường mong muốn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, với đa dạng kỹ năng và kiến thức thực tế.

Bên cạnh đó, học bổng Hỗ trợ đột xuất được nhà trường triển khai nhằm kịp thời chia sẻ các khó khăn đột xuất với người học như: mồ côi cha/mẹ, bản thân sinh viên, người thân sinh viên mắc bệnh hiểm nghèo,…

Đặc biệt, Nhà trường còn chủ động triển khai các học bổng đột xuất khác theo từng giai đoạn thiên tai, dịch bệnh như: học bổng lũ lụt miền Trung, học bổng hỗ trợ người học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học bổng dành cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

ueh-nang-cap-mo-hinh-quan-tri-thanh-dai-hoc-da-nganh-va-ben-vung-091023.jpg
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: website nhà trường

Ngoài triển khai hiệu quả những học bổng trên, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh còn áp dụng chương trình Tín dụng học tập; miễn, giảm nội trú phí Ký túc xá.

Trong đó, với chương trình Tín dụng học tập, để đảm bảo cho sinh viên có nguồn tài chính kịp thời đóng học phí, nhà trường kết nối với nhiều ngân hàng để triển khai các chương trình Cho vay học phí, Trả góp học phí qua thẻ tín dụng với mức lãi vay, phí chuyển đổi ưu đãi. Thời gian vay dao động từ 03 - 06 tháng với chương trình Cho vay học phí và kéo dài đến 24 tháng với chương trình trả góp học phí.

Với sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định Nhà nước, các em sẽ được giảm 300.000đ/sinh viên/tháng khi ở ký túc xá. Đặc biệt, tùy vào hoàn cảnh thực tế, sinh viên diện đặc biệt khó khăn có thể được xem xét miễn nội trú phí ký túc xá toàn khóa học.

“Nhà trường cũng gián tiếp triển khai nhiều hoạt động để thu hút, kết nối các đối tác đem lại các học bổng tài trợ từ doanh nghiệp cho sinh viên có thành tích tốt hoặc hoàn cảnh khó khăn. Ngoài các đối tác lâu năm định kỳ tài trợ học bổng, trong những năm gần đây, khi các doanh nghiệp tham gia chương trình UEH Sharing & Giving - Career Fair 2025 do nhà trường tổ chức, các khoản tài trợ, kinh phí tham gia của doanh nghiệp nếu có nhu cầu sẽ được đưa vào hạng mục Giving Ươm mầm tài năng để cấp các suất học bổng “Phát triển tài năng” khuyến khích những sinh viên giỏi nỗ lực và học bổng “Chắp cánh ước mơ” trao cơ hội cho những sinh viên khó khăn”, đại diện nhà trường cho biết.

Hơn 30%/tổng thu/năm từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Trong tổng thu năm 2023, thu từ nguồn hợp pháp khác của nhà trường đạt gần 118,7 tỷ đồng (chiếm khoảng 7% trên tổng thu). Theo chia sẻ của đại diện nhà trường thì những nguồn thu hợp pháp khác này đến từ việc thực hiện các dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ, phục vụ sinh viên; từ việc khai thác cơ sở vật chất và từ tài trợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, trong khi không ít cơ sở giáo dục đại học gặp vướng mắc trong việc tạo nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thì Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn thu từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ở mức 526,6 tỷ đồng (năm 2023), chiếm hơn 30% tổng thu.

nckh.jpg
Ảnh chụp trong Biểu mẫu 21 Báo cáo công khai năm học 2023-2024 của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nêu chỉ số đầu ra thực tiễn là yếu tố cốt lõi. Chia sẻ về điều này, đại diện nhà trường cho biết, thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhà trường xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những trụ cột then chốt thúc đẩy mô hình phát triển bền vững. Nhà trường xem đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị và cơ hội để khẳng định vai trò là trung tâm tri thức, đổi mới sáng tạo có uy tín của cả nước.

Để đảm bảo kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Về cơ chế tổ chức và quản trị, nhà trường thành lập hệ thống các đơn vị chuyên trách về nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới sáng tạo như: Viện Đổi mới sáng tạo, Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác, Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, Viện Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển Vùng,... Các đơn vị này đóng vai trò kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong triển khai nghiên cứu ứng dụng và mô hình đổi mới sáng tạo.

Về chính sách hỗ trợ thương mại hóa, nhà trường quy định khuyến khích giảng viên đăng ký sở hữu trí tuệ, giải pháp hữu ích, tham gia các dự án ươm tạo, phát triển vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về hợp tác triển khai thực tiễn, mỗi năm, nhà trường thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn, đề tài chuyển giao cho địa phương, doanh nghiệp và tìm kiếm, thực hiện các dự án quốc tế, góp phần đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn.

Đại học "nghìn tỷ" chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết 57

Liên quan đến việc thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch hành động với 32 nhiệm vụ cụ thể, chia thành 6 nhóm trọng tâm để triển khai rộng rãi trong toàn trường.

Thứ nhất, đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhà trường đã cập nhật chương trình đào tạo tích hợp nội dung công nghệ, liên ngành và kỹ năng số theo Khung năng lực số quốc gia; ban hành quy tắc ứng xử văn hóa số; tổ chức các lớp bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số cho viên chức, người học; phát động các chiến dịch truyền thông sâu rộng để lan tỏa tinh thần của Nghị quyết 57.

ueh.jpg
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng những xu thế mới của thời đại. Nguồn ảnh: website nhà trường

Thứ hai, hoàn thiện thể chế thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhà trường cập nhật các quy định khuyến khích nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường tài sản trí tuệ; ban hành các quy chế quản lý khoa học – công nghệ mới; xây dựng quy định quản lý dự án quốc tế thu hút nguồn lực khoa học công nghệ ngoài ngân sách nhà trường; triển khai số hóa toàn bộ quy trình quản lý nghiên cứu và đào tạo.

Thứ ba, đầu tư và hoàn thiện hạ tầng số. Nhà trường tập trung hiện đại hóa cơ sở vật chất theo chuẩn quốc tế, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy – nghiên cứu, khai thác hiệu quả các hệ cơ sở dữ liệu học thuật toàn cầu như Scopus, Web of Science, Pivot-RP.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy thu hút nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước, xây dựng chương trình nghiên cứu sinh toàn thời gian, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh và tổ chức đào tạo nội bộ nhằm nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên, cán bộ.

Thứ năm, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và năng lực nghiên cứu. Nhà trường tổ chức các chương trình ươm tạo, cuộc thi đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; hướng đến trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hạt nhân khu vực phía Nam.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế. Theo đó, nhà trường cập nhật chính sách đón các chuyên gia nước ngoài, mở rộng liên kết học thuật toàn cầu, tăng cường hiện diện quốc tế và xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu kết nối toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Cùng với đó, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng tích cực hỗ trợ các địa phương triển khai Nghị quyết 57 qua chuỗi tọa đàm quốc gia (tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long) cũng như tư vấn về chỉ số đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh, chiến lược chuyển đổi số, định giá tài sản trí tuệ và phát triển trung tâm dịch vụ khoa học - công nghệ tại địa phương.

“Từ thực tế kinh nghiệm của nhà trường, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng chia sẻ mô hình tổ chức quản trị nghiên cứu - đổi mới sáng tạo, cơ chế hỗ trợ thương mại kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm triển khai chuyển giao công nghệ theo hướng hợp tác liên ngành, liên vùng và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và chính quyền địa phương để các cơ sở giáo dục đại học khác có thể tham khảo và cùng phát triển”, đại diện nhà trường chia sẻ.

Ngọc Mai