Số lượng giảng viên chênh lệch trong biểu mẫu, Đại học Kinh tế TPHCM lý giải ra sao?

07/07/2025 06:25
Nguyễn Huệ
Theo dõi trên Google News

GDVN - Để đạt quy định về diện tích đất vào năm 2030, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực từng bước tiến hành nhiều phương thức khác nhau.

Theo thông tin trên website, ngày 27/10/1976, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chính thức thành lập, trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trên cơ sở vật chất tiếp quản của Trường Đại học Luật khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn.

Ngày 27/1/1995, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, hợp nhất các Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính Kế toán Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Kinh tế của Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vào Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 10/10/2000, tách Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ra khỏi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2014, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm tự chủ toàn diện, tiên phong và đi đầu trong phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, hội nhập quốc tế; ban hành các chính sách đẩy mạnh nghiên cứu hàn lâm công bố quốc tế bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ kinh tế đất nước.

Tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1146/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

ueh3.jpg
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành đại học đa ngành và hành động bền vững, thuộc Top 250 đại học hàng đầu châu Á, hướng đến Top 150 vào năm 2045.

Nhà trường có sứ mạng nâng tầm tri thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập và chuyển giao tri thức toàn cầu, tiên phong đổi mới, sáng tạo và phục vụ cộng đồng.

Hiện tại, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong là Chủ tịch Hội đồng đại học và Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành là Giám đốc Đại học.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả rằng khi tìm hiểu một số thông tin liên quan đến điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường thông qua báo cáo công khai năm học 2023-2024 của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, có một số thông tin chưa rõ.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu và ghi nhận chia sẻ từ đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Diện tích đất/sinh viên mới đạt 5,21m2

screenshot-2025-07-03-155604.jpg
Ảnh chụp màn hình trong biểu mẫu 19 Công khai thông tin cơ sở vật chất của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2023-2024.

Về cơ sở vật chất, tại Biểu mẫu 19 trong Báo cáo công khai năm học 2023-2024 của nhà trường, diện tích đất/sinh viên hiện nay đạt 5,21m2/sinh viên chính quy.

Trong khi đó, theo quy định tại tiêu chí 3.1, tiêu chuẩn 3 Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 22/3/2024) của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu rõ: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2. Trong đó, hệ số vị trí của khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương được tính bằng 2,5 lần.

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Về tiêu chí 3.1 của Thông tư số 01, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đến năm 2030 mới bắt đầu tính, hiện chưa áp dụng. Thêm vào đó, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng quy định hệ số vị trí của hệ số khuôn viên. Đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương được tính hệ số 2,5 và các vị trí còn lại được tính hệ số 1.

Ngoài 02 Phân hiệu của nhà trường tại Vĩnh Long và Khánh Hòa (số liệu Báo cáo công khai năm học 2023-2024 của nhà trường chưa bao gồm cơ sở vật chất tại Phân hiệu Vĩnh Long và Phân hiệu Khánh Hòa) mà chỉ bao gồm các cơ sở đào tạo của nhà trường trú đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đạt được tiêu chí 3.1 vào năm 2030 theo quy định, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực từng bước tiến hành nhiều phương thức khác nhau như đầu tư tăng diện tích phục vụ đào tạo; phát triển các cơ sở khác.

Ngoài ra, nhà trường cũng đẩy mạnh tăng cường thiết lập các mối quan hệ với đối tác trong và ngoài nước nhằm phát triển mạng lưới phân hiệu của Đại học. Cụ thể: trong năm học 2024 - 2025, nhà trường đã được chấp thuận mở rộng Phân hiệu tại Vĩnh Long với diện tích tăng thêm là 14.339,6 m2; và một phân hiệu mới ở Nha Trang với diện tích là 21.013,5 m2".

Chênh lệch về tổng số giảng viên khi thống kê

Thông tin giới thiệu trên website Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nhà trường có đội ngũ giáo sư, giảng viên được đào tạo từ các trường danh tiếng trong và ngoài nước, có chuyên môn sâu, uy tín khoa học cao.

Tại biểu mẫu 20 Công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2023-2024, tổng số giảng viên cơ hữu của nhà trường là 633 người.

Tuy nhiên, khi phóng viên cộng tổng giảng viên theo từng nhóm ngành/lĩnh vực trong cùng biểu mẫu, con số tổng giảng viên lại là 687 người (nghĩa là nhiều hơn 54 giảng viên so với tổng số giảng viên mà nhà trường ghi trong biểu mẫu).

screenshot-2025-07-03-160040.jpg
Ảnh chụp màn hình trong biểu mẫu biểu mẫu 20 Công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2023-2024.

Lý giải về điều này, đại diện nhà trường cho biết, nhà trường căn cứ vào Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Trong đó, tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT có quy định “Mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo. Đối với các đại học, một giảng viên có thể được sắp xếp vào một hoặc nhiều đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc đại học với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo”.

Theo quy định này, ví dụ giảng viên A có thể đứng tên giảng dạy ở ngành Quản trị kinh doanh là 50%, đồng thời có thể đứng tên ở ngành Kinh doanh quốc tế 50%.

Vì vậy, việc chênh lệch 54 giảng viên khi tính số lượng tổng theo từng nhóm ngành/lĩnh vực so với tổng số giảng viên thực tế là do có các trường hợp giảng viên được xếp vào nhiều hơn 01 ngành/lĩnh vực đào tạo.

Cũng theo thông tin trong biểu mẫu 20, năm học 2023-2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có 10 giảng viên chức danh giáo sư, hơn 60 giảng viên chức danh phó giáo sư. Chia sẻ về những chính sách để khuyến khích giảng viên của nhà trường phấn đấu làm giáo sư, phó giáo sư, đại diện nhà trường cho hay, nhà trường kết hợp hỗ trợ chi phí và áp dụng chính sách đãi ngộ thu nhập.

Cụ thể, nhà trường triển khai chính sách hỗ trợ chi phí cho các ứng viên khi báo cáo khoa học tổng quan tại Hội đồng ngành. Ví dụ như chi phí vận chuyển hồ sơ, chuyên gia thẩm định; chi phí lưu trú và vé máy bay, chi trả cho công tác phí theo quy định.

Cùng với đó, nhà trường áp dụng hiệu quả chính sách đãi ngộ thu nhập sau khi giảng viên được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ví dụ như tăng lương hệ số từ việc thăng hạng do được công nhận giáo sư, phó giáo sư; tăng thu nhập theo quy định của nhà trường; thù lao giảng dạy được điều chỉnh tăng theo hệ số chức danh tăng.

Ngoài ra, hàng năm nhà trường tổ chức các buổi gặp gỡ của tập thể lãnh đạo Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, các giảng viên đã đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư với các ứng viên giáo sư, phó giáo sư tiềm năng để trao đổi kinh nghiệm, động viên và khích lệ các ứng viên.

Nguyễn Huệ