Cư dân mạng bức xúc khẳng định việc đốt pháo ở Hải Dương là rất nhiều

20/02/2013 07:12
N.Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Những xác pháo đỏ đường tại các huyện lị của tỉnh Hải Dương, những tai nạn thương tâm do đốt pháo gây nên, những phát ngôn phủ nhận hiện tượng đốt pháo trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 của ông Hoàng Mai Khương… đã khiến nhiều cư dân mạng, trong đó có cả người Hải Dương lên tiếng để “cảnh báo” về vấn nạn đang trở thành “tâm điểm” của địa phương trong những ngày qua.

Việc đốt pháo ở Hải Dương là có thật

Sau khi hoàng loạt các báo đăng tải thông tin về việc Hải Dương “đỏ đường” xác pháo trong dịp Tết vừa qua, nhưng ông Hoàng Mai Khương, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hải Dương lại khẳng định trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng đốt pháo, rồi sau đó cũng chính ông này lại thừa nhận là có tình trạng đốt pháo nhưng chỉ là lẻ tẻ...

Rất nhiều bạn đọc đã gửi những tâm tư, nguyện vọng của mình về tòa soạn báo thể hiện sự bức xúc... Hầu hết những ý kiến này đều khẳng định, hiện tượng đốt pháo ở Hải Dương trong những ngày qua là có thật và khá nhiều.

Rất nhiều con đường ở Hải Dương, xác pháo nằm la liệt trong những ngày Tết Quý Tỵ 2013 (Ảnh: Báo Hải Dương).
Rất nhiều con đường ở Hải Dương, xác pháo nằm la liệt trong những ngày Tết Quý Tỵ 2013 (Ảnh: Báo Hải Dương).

Sau khi đọc xong bài viết trên báo phản ánh việc lãnh đạo tỉnh Hải Dương bác bỏ thông tin Hải Dương đốt pháo trong những ngày Tết, chị Chu Thị Thảo chia sẻ trên diễn đàn báo này: “Ngày mồng 1 Tết tôi đi trên Quốc lộ 5, đoạn qua huyện Kim Thành, huyện Kinh Môn (Hải Dương) thấy tràn ngập xác pháo do người dân ở đây đốt. Việc cấm đốt pháo đã được Nhà nước cấm, vậy mà ở đây họ vẫn ngang nhiên đốt. Điều đáng nói là các cơ quan chức năng vẫn không hề hay biết…”.

Cá nhân của độc giả có nickname “dangthanhtu”, một độc giả cũng khẳng định các thông tin bài viết và hình ảnh được đăng tải trên báo chí thời gian qua về việc đốt pháo ở Hải Dương là hoàn toàn có thật. Độc giả này bày tỏ mong muốn: “Có hay chăng chính là sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền tỉnh Hải Dương. Đề nghị Chính phủ thật nghiêm khắc xử lý chuyện này với tỉnh Hải Dương nói riêng và những tỉnh, thành nào đã xẩy ra hiện tượng như trên nói chung”.

Rất nhiều cư dân mạng lên tiếng khẳng định việc đốt pháo trong những ngày qua ở tỉnh Hải Dương là có căn cứ và báo chí phản ánh hoàn toàn đúng sự thật (ảnh: Báo Hải Dương).
Rất nhiều cư dân mạng lên tiếng khẳng định việc đốt pháo trong những ngày qua ở tỉnh Hải Dương là có căn cứ và báo chí phản ánh hoàn toàn đúng sự thật (ảnh: Báo Hải Dương).

Và rất nhiều cư dân mạng đang sống ở Hải Dương cũng lên tiếng xác nhận.

Nick name Khac Tinh chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Tôi là một người dân sống ở xã Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương), tôi khẳng định là không chỉ đêm giao thừa mà tình trạng đốt pháo kéo dài từ 28 tết đến mồng 3 tết mới hết... Vậy mà Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương phủ nhận là “không có gì” thì thật là quan liêu”.

Hay bạn Shaparova1 cũng khẳng định: “Tôi quê Hải Dương. Sáng mùng 2 Tết về quê, cả đoạn đường từ Quán Gỏi - Kẻ sặt - Bến trại xác pháo đầy đường như thời chưa cấm đốt pháo. Thế mà lãnh đạo tỉnh lại bảo là không có…”.

Và bạn linhmk, thành viên của diễn đàn Web trẻ thơ thẳng thắn: “Theo tôi nghĩ, thời nay mà vẫn còn đốt pháo là hành động... của những người chậm tiến. Đừng nghĩ mình có tiền thì đốt cái gì cũng được. Nên xem lại xem, vì sao những cái người ta muốn bỏ đi thì mình lại cứ cố mà mua hết về?”.

Trước thực trạng này, bạn Thanh Bá đưa ra những đề nghị của mình trên diễn đàn: “Công điện của Thủ tướng nêu rõ, nơi nào để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Vậy kiểm điểm trách nhiệm là như thế nào? Trong Công điện nên nói rõ, không thể nói chung chung thế được”.

Hoài niệm nhưng không ủng hộ việc đốt pháo

Cũng có không ít độc giả ủng hộ việc đốt pháo vì họ… nhớ về tuổi thơ, nhớ về những ngày Tết đã xa. Trước những ý kiến này, một số độc giả là thành viên của trang Web trẻ thơ cũng đưa ra quan điểm của mình để mọi người thấy được những tác hại từ việc đốt pháo gây ra:

Bạn có nickname Gaconlongvang tâm sự: “Phong tục là thứ lâu đời mà hình thành chứ không phải tự nhiên sinh ra đã có. Phong tục phải phù hợp với cuộc sống mới có đất sống.

Pháo vui thì vui nhưng rồi sẽ như vàng mã, đua nhau nổ pháo, hủy hoại môi trường, tài nguyên trong những cuộc đua phú quý không có điểm dừng. Chưa kể đến hệ lụy về an toàn cho toàn xã hội.

Cấm pháo là đúng. Bạn biết đến pháo, bạn thấy nó đẹp và thiêng liêng. Con tôi không biết đến pháo, nó không biết buồn vì thiếu pháo đâu.

Nhớ mãi cô giáo học cấp 2 suýt bị xe tải đâm vì ngã nhào ra đường do bọn choai choai ném pháo vào người”.

Trước thực trạng đốt pháo có xu hướng "phục dựng" ở 1 số địa phương, nhiều cư dân mạng đồng ý việc hoài niệm nhưng họ không ủng hộ việc đốt pháo vì nguy hiểm và khó quản lý (Ảnh minh họa).
Trước thực trạng đốt pháo có xu hướng "phục dựng" ở 1 số địa phương, nhiều cư dân mạng đồng ý việc hoài niệm nhưng họ không ủng hộ việc đốt pháo vì nguy hiểm và khó quản lý (Ảnh minh họa).

Cùng bàn về vấn đề này, một thành viên trên một diễn Web trẻ thơ có nickname Vgb cũng chia sẻ: “Mình cũng nhớ mùi pháo, nhớ những con đường sáng mùng 1 Tết đầy pháo hồng. Mình gọi đấy là mùi Tết. Đặc biệt nhớ khi ngày Tết mưa phùn, trời lạnh, hoa đào hoa mai gì cũng co lại không nở được, thấy thiếu mùi Tết thế, nhìn xuống chân cũng không còn thấy pháo nữa, lẽ ra phải mùng 3 mùng 4 các gia đình mới quét dọn...

Nhưng đúng là có pháo thì nguy hiểm thật. Những năm cuối cùng còn được đốt pháo, mình nhớ từ ngày 28, 29 Tết đêm đi ra đường đã như thời chiến tranh, phải nép vào tường đi chút một vì pháo rít trên đầu, pháo nổ khắp nơi. Đêm giao thừa thì mình không dám ra ngoài. Chị gái mình ngã xe cũng vì ngoài đường người ta đùa cợt ném một mô hình quả pháo đùng vào chị ấy, may mà không sao.

Nếu hỏi có muốn phục hồi phong tục đốt pháo không thì mình vẫn muốn nói là nhớ lắm, nhớ cái không khí ấy... nhưng mà chắc không thể đồng tình được, quá nguy hiểm, không thể kiểm soát, quản lý được”.

N.Huệ (Tổng hợp)