Đại biểu Quốc hội vẫn nói thẳng dù biết có bộ, ngành không thích

28/11/2019 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đánh giá, ý kiến tham gia của các đại biểu tại kỳ họp tích cực, có trách nhiệm và thể hiện bản lĩnh của đại biểu.

Sau 28 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, chiều ngày 27/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bế mạc.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đánh giá, về cơ bản kỳ họp diễn ra theo đúng chương trình dự kiến, xem xét, thảo luận toàn diện về các nhóm công việc.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ trao đổi với báo chí. Ảnh: Diệu Phạm
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ trao đổi với báo chí. Ảnh: Diệu Phạm

Tuy nhiên trong quá trình làm Luật, đại biểu thấy còn băn khoăn, các đại biểu phát biểu về luật ít hơn phát biểu về tình hình pháp luật. Bởi vì câu chuyện làm luật có 2 vấn đề, đối với những dự thảo luật Quốc hội cho ý kiến lần đầu thì chúng ta nên phát biểu về câu chuyện chính sách pháp luật. Đó là Luật này cần phải quy định những chính sách gì.

Đối với những dự án Luật đã đến giai đoạn thông qua thì nội hàm của chính sách pháp luật đã được xem xét qua nhiều lần, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, theo đại biểu là không bàn đến khía cạnh đó nữa nữa mà cần bàn đến câu chuyện của kỹ thuật lập pháp, ngôn ngữ pháp lý trong dự thảo luật ấy, điều nào, quy định nào cần viết ra sao.

“Chỉ cần thêm 3 chữ, bớt 3 chữ thì Luật pháp sẽ khác đi ngay. Nhưng có những luật đến khi phát biểu để lấy ý kiến thông qua thì vẫn có những ý kiến nói về tình hình.

Chức năng của Quốc hội là xây dựng luật, nhưng nội hàm phát biểu về luật lại không chiếm nhiều hơn nội hàm của tình hình pháp luật. Tôi cho rằng, nếu như có nhiều ý kiến phát biểu về xây dựng luật thì sẽ tốt hơn”, ông Bộ nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng, ý kiến tham gia của đại biểu tại kỳ họp tích cực, có trách nhiệm và thể hiện bản lĩnh của các đại biểu.

“Trong quá trình phát biểu sẽ cũng có người này không thích người kia không thích. Điều đó càng thể hiện bản lĩnh của đại biểu.

Bởi đại biểu phát biểu mang theo ý chí nguyện vọng của nhân dân đã bầu cho đại biểu đến đây. Chứ nếu làm luật mà phục vụ một bộ nào đó, ngành nào đó thì không đạt yêu cầu.

Cho nên tôi thấy rằng, càng ngày bản lĩnh của đại biểu càng nâng lên và hy vọng còn 2 kỳ nữa của Quốc hội khóa XIV thì bản lĩnh của các đại biểu sẽ tiếp tục được nâng lên”, ông Bộ bày tỏ.

Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát vụ sửa điểm tại trường Nguyễn Công Trứ
Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát vụ sửa điểm tại trường Nguyễn Công Trứ

Cũng đánh giá về kỳ họp, đại biểu Dương Trung Quốc – đoàn Quốc hội Đồng Nai cho biết, ông là người đã trải qua rất nhiều kỳ họp Quốc hội và nhận thấy được sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

“Với tất cả những chức năng của Quốc hội, cùng với đó là có sự hỗ trợ của giới truyền thông tạo nên những hiệu ứng xã hội, nhưng hình như vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân.

Họ vẫn cảm thấy một điều gì đó nó chưa đáp ứng được mong muốn đó. Nhất là các lĩnh vực gắn liền, liên quan đến trực tiếp như: Giáo dục, Giao Thông, An toàn thực phẩm..”, ông Quốc chia sẻ.

Còn theo đại biểu Trần Văn Lâm – đoàn Bắc Giang, kỳ họp lần này bàn rất nhiều vấn đề được dư luận xã hội, nhân dân quan tâm, chính vì vậy đặt lên vai các vị đại biểu trách nhiệm làm sao phải truyền tải các vấn đề thực tiễn tới nghị trường.

Trong hoạt động nghị trường, các đại biểu thảo luận, tranh luận rất sôi nổi, trách nhiệm. Những vấn đề nóng hổi, thực tiễn, không thể “đút chân gầm bàn” mà có thể nêu ra thảo luận được.

Các đại biểu phải lăn lộn với thực tiễn, đưa những ý kiến mà những vấn đề đó cũng trăn trở cử tri và nhân dân.

“Trước kỳ họp, chúng tôi tiếp xúc với cử tri, bà con kiến nghị về các lĩnh vực về lĩnh vực đời sống xã hội cũng như nhiều ý kiến đóng góp vào các dự án Luật.

Chính những vấn đề đó được chúng tôi mang đến hội trường thảo luận. Sau kỳ họp, chúng tôi sẽ mang chính các vấn đề này để tiếp xúc cử tri, báo cáo lại cho cử tri rõ.

Trước kỳ họp, cử tri ý kiến như thế thì tiếp thu những cái gì, những vấn đề gì Quốc hội quyết như thế nào, quyết như thế thì hợp lý, đúng đắn ra sao sẽ được chúng tôi truyền tải đến với cử tri. Cử tri, nhân dân hiểu những vấn đề Quốc hội đã quyết để đồng thuận thống nhất thực hiện để đưa Luật vào cuộc sống”, ông Lâm nói.

Đỗ Thơm