Đài Loan tổ chức trái phép hoạt động “kỳ nghỉ hè Trường Sa”

13/06/2012 10:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Cục giáo dục thuộc Tổng cục Chính trị - tác chiến “Bộ Quốc phòng” Đài Loan cho biết kế hoạch ra Trường Sa (trái phép, xâm hại chủ quyền của Việt Nam) sẽ được tổ chức định kỳ, hiện tại đang lên danh sách những ai sẽ tham gia, tuy nhiên năm nay sẽ tập trung ưu tiên cho những đối tượng là nghiên cứu sinh tiến sĩ đi trước.
“Bộ Quốc phòng” Đài Loan ngày hôm qua 12/6 cho biết năm nay sẽ tổ chức hoạt động gọi là “kỳ nghỉ hè Trường Sa” với việc đưa một phái đoàn nghiên cứu sinh ra đảo Ba Bình trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

"Bộ Quốc phòng" Đài Loan họp báo công bố chương trình Kỳ nghỉ hè quân đội năm 2012
"Bộ Quốc phòng" Đài Loan họp báo công bố chương trình Kỳ nghỉ hè quân đội năm 2012

Cơ quan này đã lựa chọn ra 2910 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh may mắn trong tổng số 7341 người đăng ký tham gia chương trình Kỳ nghỉ hè trong quân đội. Trong đó đội đi ra quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) dự kiến sẽ khởi hành vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới.

2910 người được chọn sẽ được chia vào 4 nhóm, gồm Tiểu đoàn chiến đấu Kim Môn, Tiểu đoàn đặc nhiệm huấn luyện dù, Tiểu đoàn chiến đầu Bành Hồ và một tiểu đoàn ra Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), trong đó 3 tiểu đoàn đầu tiên có số đăng ký nhiều nhất.

Học sinh, sinh viên Đài Loan tham gia chương trình "Kỳ nghỉ hè trong quân đội" không chỉ được rèn luyện thể lực mà còn được làm quen với các loại vũ khí, hoạt động huấn luyện của đơn vị sở tại
Học sinh, sinh viên Đài Loan tham gia chương trình "Kỳ nghỉ hè trong quân đội" không chỉ được rèn luyện thể lực mà còn được làm quen với các loại vũ khí, hoạt động huấn luyện của đơn vị sở tại

Kế hoạch “Kỳ nghỉ hè Trường Sa” không phải một ý tưởng mới mà nó đã xuất hiện từ vài năm về trước, tuy nhiên do lo ngại vấp phải sự phản đối của các bên liên quan và có thể gây phức tạp tình hình trên biển Đông nên “Bộ Quốc phòng Đài Loan” vẫn trì hoãn.

Năm nay, nhiều trường học đề nghị đưa giáo viên, học sinh ra đảo Ba Bình – Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). "Bộ Quốc phòng" Đài Loan dự kiến sẽ triển khai nhưng thành nhiều đợt, mỗi đợt đưa khoảng 14 người tham gia chương trình “Kỳ nghỉ hè Trường Sa” (trái phép, xâm hại chủ quyền của Việt Nam) ra đảo Ba Bình.

Đoàn giảng viên, sinh viên đại học Hải dương Đài Loan theo tàu hải quân ra đảo Ba Bình (trái phép) hồi tháng 7 năm ngoái
Đoàn  giảng viên, sinh viên đại học Hải dương Đài Loan theo tàu hải quân ra đảo Ba Bình (trái phép) hồi tháng 7 năm ngoái

Trì Ngọc Lan, Cục trưởng Cục giáo dục thuộc Tổng cục Chính trị - tác chiến “Bộ Quốc phòng” Đài Loan cho biết kế hoạch ra Trường Sa sẽ được tổ chức định kỳ, hiện tại đang lên danh sách những ai sẽ tham gia, tuy nhiên năm nay sẽ tập trung ưu tiên cho những đối tượng là nghiên cứu sinh tiến sĩ đi trước.

Hoạt động “Kỳ nghỉ hè Trường Sa” (trái phép, xâm hại chủ quyền của Việt Nam) sẽ được phối hợp với hoạt động của lực lượng hải quân và giúp cho những nghiên cứu sinh này hiểu kỷ hơn về chính sách biển Đông của Đài Loan.

Trong một động thái khác có liên quan, tờ Asia Time xuất bản tại Đài Loan ngày hôm nay 13/6 cho hay, phía Trung Quốc đang đề nghị Đài Loan cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển Đông. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra ý tưởng này, nhưng thực tế nó không khả thi trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách đối với biển Đông của Đài Loan dưới thời ông Mã Anh Cửu cầm quyền được cho là mềm mỏng hơn người tiền nhiệm Trần Thủy Biển và so với Bắc Kinh
Chính sách đối với biển Đông của Đài Loan dưới thời ông Mã Anh Cửu cầm quyền được cho là mềm mỏng hơn người tiền nhiệm Trần Thủy Biển và so với Bắc Kinh

Đài Loan mong muốn được tham gia các sự vụ quốc tế nói chung và biển Đông nói riêng với tư cách là một thực thể độc lập chứ không phải là một phần của Trung Quốc đại lục, và càng không phải là kẻ thừa hành mệnh lệnh từ Bắc Kinh.

Trong khi đó Bắc Kinh ra sức cô lập Đài Loan khiến Đài Loan không được công nhận tại bất cứ tổ chức thành viên nào của Liên Hợp Quốc cũng như các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực. Ngay cả ASEAN cũng không thể coi Đài Loan như một thực thể độc lập để đàm phán về vấn đề biển Đông.

Đài Loan cũng đã và đang ấp ủ những ý đồ riêng về việc tổ chức thăm dò, khai thác dầu khí trên biển Đông gần khu vực bãi Bàn Than, đảo ba Bình đều nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên chính quyền của ông Mã Anh Cửu luôn tỏ ra thận trọng hơn người tiền nhiệm.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Trần Thủy Biển đã bay ra thị sát đảo Ba Bình năm 2008, một động thái leo thang chưa từng có tiền lệ làm phức tạp tình hình tranh chấp chủ quyền biển Đông - Trường Sa
Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Trần Thủy Biển đã bay ra thị sát đảo Ba Bình năm 2008, một động thái leo thang chưa từng có tiền lệ làm phức tạp tình hình tranh chấp chủ quyền biển Đông - Trường Sa

Mặc dù quan hệ hai bờ eo biển đang có dấu hiệu ấm lên, Bắc Kinh nhiều lần phát đi thông điệp mong muốn hợp tác nhưng những quan chức cấp cao nhất ở Đài Loan hoặc những người có ảnh hưởng đến chính sách biển đảo Đài Loan đều cho rằng hợp tác hai bờ về biển Đông không thể triển khai trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách biển đảo của Đài Loan dưới thời cầm quyền của ông Mã Anh Cửu tỏ ra mềm mỏng và thiên về hướng duy trì hiện trạng, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu thủy văn nhiều hơn là một tham vọng quân sự hay lấn chiếm như những gì Bắc Kinh đang làm.

Hơn nữa, đối với Đài Loan Mỹ có một sức ảnh hưởng rất lớn thông qua việc cung cấp vũ khí hiện đại để làm đối trọng với mối uy hiếp quân sự từ Trung Quốc đại lục. Mỹ đặc biệt quan tâm đến thái độ của Đài Loan về biển Đông và Washington không muốn Đài Bắc “đi đêm” với Bắc Kinh về vấn đề này.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy