Đại sứ quán Pháp tại Campuchia sẽ can thiệp vụ bắt giữ Hong Sokhour

14/08/2015 06:54
Hồng Thủy
(GDVN) - Tiến sĩ Sok Touch từ Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia nhận định, hành vi làm giả tài liệu pháp lý của Hong Sokhour là phạm tội nghiêm trọng.
Hong Sokhour, ảnh: RFI.
Hong Sokhour, ảnh: RFI.

Khmer Times ngày 13/8 đưa tin, đại sứ quán Pháp tại Phnom Penh sẽ xem xét trường hợp Thủ tướng Hun Sen ra lệnh bắt khẩn cấp Thượng nghị sĩ đối lập Hong Sokhour vì ông ta mang 2 quốc tịch, Campuchia và Pháp, người phát ngôn đại sứ quán Nicolas Baudoin nói.

Ông nói với Khmer Times rằng, Hong Sokhour hiện không có mặt ở đại sứ quán Pháp, nhưng cơ quan này sẽ xem xét vụ việc và hành động theo tất cả các thủ tục tố tụng của tòa án. Tuyên bố được đưa ra sau khi Thủ tướng Hun Sen kêu gọi đại sứ quán các nước tại Phnom Penh không can thiệp vụ này, vì nó là vấn đề nội bộ của Campuchia.

"Chúng ta không thể chịu đựng được điều này. Chúng ta phải hành động ngay hôm nay. Cảnh sát và lực lượng vũ trang phải tìm ông Hong Sokhour và bắt giữ ông ta ngay hôm nay. Đừng để ông ta chạy vào một đại sứ quán", ông Hun Sen nói trong bài phát biểu tại một lễ tốt nghiệp ở Phnom Penh.

Thủ tướng Campuchia cũng ra lệnh các cửa khẩu biên giới, sân bay, hải cảng ngăn chặn Hong Sokhour trốn khỏi đất nước, kêu gọi các đại sứ quán tránh gặp phải rắc rối trong vụ việc này. Lệnh bắt được đưa ra khoảng 1 giờ sau khi Hong Sokhour tải lên trang Facebook cá nhân một đoạn vi deo ngụy tạo tài liệu vu cáo chính phủ Campuchia "nhượng đất cho Việt Nam".

Hong Sokhour đã xuyên tạc điều 4 của một hiệp định biên giới giữa Campuchia và Việt Nam năm 1979. Nội dung điều khoản này kêu gọi 2 nước duy trì biên giới hiện tại và thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc để sớm hoàn thành một đường biên giới hòa bình, Hong Sokhour xuyên tạc thành "xóa bỏ đường biên giới hiện tại để lập ra đường biên giới mới".

Thủ tướng Hun Sen khẳng định, hiệp định 1979 được ký giữa Campuchia và Việt Nam là một văn bản đánh máy chữ, trong khi Hong Sokhour đưa ra tài liệu ngụy tạo đánh máy tính và thêm vào nội dung "xóa bỏ biên giới hiện tại giữa hai nước". Ông Hun Sen khẳng định rằng Hong Sokhour đã làm giả giấy tờ văn bản pháp luật của nhà nước.

Vì những luận điệu và thủ đoạn xuyên tạc bóp méo này, đảng CNRP và một số người đã vin vào xuyên tạc, vu cáo chính phủ Campuchia "nhượng đất cho Việt Nam" trong quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc. Điều này hoàn toàn sai sự thật, ông Hun Sen khẳng định.

Thủ tướng Campuchia cũng tỏ ra thất vọng với Facebook khi để cho các thông tin sai lệch, nguy hiểm xuất hiện, gây mất ổn định xã hội Campuchia. Tiến sĩ Sok Touch từ Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia nhận định, hành vi làm giả tài liệu pháp lý của Hong Sokhour là phạm tội nghiêm trọng, có thể bị bắt.

Hiện tại vẫn có những thông tin mâu thuẫn nhau về việc Hong Sokhour bị bắt hay chưa. Mâu thuẫn từ nguồn tin này xuất phát từ chính nội bộ CNRP, hiện tại các cơ quan chức năng Campuchia chưa đưa ra thông báo chính thức về vụ việc.

Trong một động thái có liên quan, Tân Hoa Xã ngày 13/8 đưa tin, Thủ tướng Hun Sen cho biết hôm Thứ Năm rằng bản đồ Liên Hợp Quốc cho Campuchia mượn sẽ đến Phnom Penh vào Thứ Ba tuần tới, 18/8 và lễ bàn giao diễn ra công khai, chính thức ngày 20/8.

"Chúng tôi sẽ xác minh bản đồ tại buổi lễ để thể hiện tính minh bạch của chính phủ", ông Hun Sen nói. Đại diện của đảng CPP cầm quyền, đảng CNRP đối lập, đảng bảo hoàng Funcinpec, Thượng viện, Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán tối cao, Hội đồng Hiến pháp và Viện Hàn lâm Hoàng gia đều được mời cử đại biểu tham dự xác minh bản đồ.

"Chúng ta phải xoa tất cả những nghi ngờ", Thủ tướng Hun Sen khẳng định. Ông đã yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho mượn bản đồ gốc Campuchia nộp lưu chiểu tại tổ chức này để so sánh đối chiếu với bản đồ chính phủ đang giữ về biên giới với Việt Nam, Tân Hoa Xã lưu ý.

Trong khi đó theo The Cambodia Daily, hôm nay 14/8 nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia do Tiến sĩ Sok Touch dẫn đầu sẽ công bố lần 2 kết quả xác minh độc lập của ông và cộng sự về bản đồ biên giới từ 4 nguồn giống nhau: CPP, CNRP, Thư viện Quốc hội Mỹ, thư viện Pháp, chỉ bản đồ từ Liên Hợp Quốc là khác.

Hồng Thủy