Đại sứ Việt Nam và Phó Tổng thống Philippines thảo luận về vòi rồng TQ

08/03/2014 07:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Đại sứ Việt Nam đã bày tỏ mối quan ngại rằng điều này có thể xảy ra với bất kỳ tàu cá nào của các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, ông Dương nói với Rappler
Phó Tổng thống Philippines (trái) và Đại sứ Việt Nam.
Phó Tổng thống Philippines (trái) và Đại sứ Việt Nam.
Tờ Rappler ngày 8/3 đưa tin, những hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông đã thúc đẩy những lo ngại chung giữa Philippines và Việt Nam, trong đó Manila đang kêu gọi Việt Nam tham gia kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, không phù hợp quy định của Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển (UNCLOS).

Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương đã thảo luận với Phó Tổng thống Philippines Jejomar Binay hôm Thứ Ba 4/3 về sự cố pháo nước trên Biển Đông, tức việc Trung Quốc dùng vòi rồng bắn vào ngư dân Philippines hôm 27/1.

Rappler cho hay, trong một bức e-mail trả lời tờ báo này, Đại sứ Dương cho biết hai ông đã nói về "sự cố pháo nước" trong vùng biển Scarborough. Đại sứ Việt Nam đã bày tỏ mối quan ngại rằng điều này có thể xảy ra với bất kỳ tàu cá nào của các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, ông Dương nói với Rappler hôm qua  7/3.

Tờ báo nhận xét, bằng cách nói này Đại sứ Việt Nam đã khẳng định một phần tuyên bố trước đó của Phó Tổng thống Binay. Đại sứ Dương cho biết thêm, Philippines và Việt Nam cũng đang tham vấn về vai trò của Malaysia trong quá trình giải quyết xung đột ở Biển Đông có liên quan đến yêu sách từ các nước ASEAN.

Trước đó, luật sư Francis Jardeleza được chính phủ Philippines ủy thác theo đuổi vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS đã kêu gọi Việt Nam và Malaysia tham gia vụ kiện này hoặc khởi kiện độc lập.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez vẫn chưa xác nhận liệu Bộ Ngoại giao nước này đã đưa ra lời đề nghị trên với Việt Nam và Malaysia hay chưa.

Ông giải thích với Rappler: "Các quốc gia khác sẽ tự đưa ra quyết định của mình về vấn đề này dựa trên lợi ích quốc gia riêng của họ, và chúng tôi sẽ tôn trọng bất cứ quyết định nào họ đưa ra."

Hồng Thủy