Đàm phán hòa bình tại Minsk có cứu được nền kinh tế Nga?

12/02/2015 07:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chính của Nga mới là chìa khóa cho sức khỏe nền kinh tế của đất nước. "Dầu vẫn còn quan trọng hơn nhiều so với Ukraine".
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tại Minsk, thủ đô Belarus.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tại Minsk, thủ đô Belarus.

Reuters ngày 12/2 đưa tin, các nhà lãnh đạo hàng đầu Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã tổ chức đàm phán tím kiếm giải pháp hòa bình cho miền Đông Ukraine tại thủ đô của Belarus ngày hôm qua, trong khi lực lượng ly khai miền Đông Ukaine ủng hộ Nga tiếp tục thắt chặt áp lực tấn công quân chính phủ Kiev. Quân đội Ukraine tuyên bố, 19 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của phe ly khai gần thị trấn Debaltseve.

Giao tranh ở miền Đông đã giết chết hơn 5000 người và Washington đang công khai nói tới khả năng vũ trang cho Ukraine để nước này tự bảo vệ mình, làm gia tăng nguy cơ của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở trung tâm châu Âu giữa những kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh. 24h trước khi đàm phán bắt đầu đã xảy ra một cuộc tấn công tên lửa giết chết 17 người tại khu vực do quân chính phủ Kiev kiểm soát. Động thái này có thể có chủ ý buộc Kiev chấp nhận một thỏa thuận công nhận phe ly khai.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại nước láng giềng Belarus theo đề nghị của Pháp và Đức để cố gắng ngăn chặn bạo lực. Các nhà lãnh đạo 4 nước đã lập kế hoạch để ký một tuyên bố chung ủng hộ toàn vẹ lãnh thổ và chủ quyền của Ukaine, một nguồn tin từ phái đoàn Kiev tiết lộ. Trong khi một tài liệu riêng biệt sẽ được chuẩn bị bởi một nhóm liên lạc của Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh hợp tác châu Âu cam kết một kế hoạch ngừng bắn có chữ ký của lãnh đạo phe ly khai.

Theo Reuters, hiện vẫn còn quá sớm để nói về những thỏa hiệp nếu có giữa Ukraine và Nga. Putin, Poroshenko, Hollande và bà Merkel đã họp kín một mình từ khoảng 17 giờ 15 phút giờ GMT, và sau đó mới bước vào hội nghị thượng đỉnh toàn đoàn. Hy vọng có một bước đột phá khá mong manh, tuy nhiên Moscow lại bày tỏ sự lạc quan. Một nguồn tin ngoại giao Nga cho biết 70% khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận, bởi Tổng thống Putin không đi Minsk mà không có lý do.

Tờ The Moscow Times ngày 11/2 bình luận, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, chính vai trò của Điện Kremlin trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy nền kinh tế Nga vào thế khó khăn hiện nay. Vậy nếu một thỏa thuận hòa bình được ký kết tại Belarus sau đàm phán 4 bên có thể cứu được nền kinh tế Nga hay không?

Rõ ràng là các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow vì vai trò của Nga trong khủng hoảng Ukraine đã tấn công triển vọng của nền kinh tế Nga, làm suy yếu đồng rúp và thị trường chứng khoán.

Nhưng các nhà phân tích và chuyên gia cảnh báo rằng, không có công thức kỳ diệu nào cho nền kinh tế Nga hiện nay, sự thất bại của thỏa thuận ngừng bắn Minsk hồi tháng 9 năm ngoái là "điềm gở" cho cuộc đàm phán lần này. Mikhail Khazin, một nhà kinh tế và Giám đốc công ty tư vấn Neokon nói với The Moscow Times: Nền kinh tế Nga không có bất kỳ liên hệ nào với các cuộc đàm phán ở Minsk.

Còn theo Oleg Kouzmin, một nhà phân tích kinh tế tại Renaissance Capital ở Moscow thì cho biết, nếu một thỏa thuận tại Minsk dẫn đến ngừng bắn ở miền Đông, xoa dịu căng thẳng quốc tế có thể đóng góp cho sự phục hồi nền kinh tế Nga.

"Nó có thể giảm bớt áp lực nên nền kinh tế Nga trong năm nay và năm tới", Kouzmin bình luận. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng, giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chính của Nga mới là chìa khóa cho sức khỏe nền kinh tế của đất nước. "Dầu vẫn còn quan trọng hơn nhiều so với Ukraine", ông nhấn mạnh.

Hồng Thủy