Dân chủ công khai, bình đẳng trong vận động bầu cử

20/04/2021 15:21
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm nguyên tắc cơ bản là dân chủ công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Theo quy định Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hoạt động vận động bầu cử bắt đầu sau khi công bố danh sách chính thức các ứng cử viên. Công việc này kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.

Cụm pano 3 mặt tuyên truyền, cổ động bầu cử tại ngã 4 ô Đông Mác. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Cụm pano 3 mặt tuyên truyền, cổ động bầu cử tại ngã 4 ô Đông Mác. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Dân chủ công khai, bình đẳng trong vận động bầu cử

Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu họ được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân, đồng thời trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm, tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc và hiểu rõ hơn người ứng cử để cân nhắc bầu chọn những người đủ tiêu chuẩn.

Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm 3 nguyên tắc cơ bản được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đó là việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Vận động bầu cử đúng quy định của pháp luật

Hiện nay pháp luật quy định việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng hai hình thức cơ bản.

Thứ nhất là gặp gỡ tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thứ hai, thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo quy định tại Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội thông qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày dự kiến chương trình hành động của mình thông qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử ở địa phương.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

5 hành vi bị cấm trong vận động bầu cử

Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử.

Theo đó, Luật cấm lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Luật cũng quy định Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử.

Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.

Tận dụng thế mạnh bản thân để vận động tranh cử

Tại Hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử đại biểu Quốc hội lần đầu thuộc khối các cơ quan Quốc hội, diễn ra ngày 15/4, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ với mỗi ứng cử viên ở các vị trí công tác, độ tuổi, chuyên môn, địa bàn ứng cử... khác nhau, cùng với đó không khí dân chủ, dân trí của cử tri, người dân ngày càng được nâng lên, những gửi gắm mong muốn của lãnh đạo địa phương và cử tri ngày càng cụ thể, kỳ vọng cao hơn nên yêu cầu đặt ra đối với mỗi ứng cử viên là rất lớn.

Người dân khu 9, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, xem danh sách cử tri niêm yết tại nhà văn hóa khu. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Người dân khu 9, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, xem danh sách cử tri niêm yết tại nhà văn hóa khu. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Chia sẻ với những áp lực mà các ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải đối mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn, các ứng cử viên dựa trên thế mạnh của bản thân, cố gắng tìm hiểu tình hình tại địa phương, lường trước các tình huống thực tế đặt ra để trao đổi với cử tri một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, các ứng cử viên nên trình bày chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, chuẩn bị tập luyện từ phong cách, thần thái đến nội dung chương trình hành động, kỹ năng vận động quần chúng sao cho tự tin, chân thành, hấp dẫn, phát huy kinh nghiệm và kiến thức có được trong môi trường công tác để cử tri tin tưởng bỏ phiếu.

Theo TTXVN