Dân qùy trước cổng ủy ban: “Thành phố ở rất xa, huyện cũng chả gần”

29/03/2014 06:55
VIẾT CƯỜNG - TRẦN KHÁNG
(GDVN) - Đã 5 ngày trôi qua, nhiều người dân Mễ Trì hứng chịu nắng gió bụi bặm, tập trung “bám trụ” gần ủy ban xã để quyết tâm đòi lại con đường lịch sử cho làng

Từ ngày 25/3 cho đến nay, người dân xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội) vẫn tập trung trước cổng ủy ban xã, lập bàn thờ, treo cờ nhằm đòi lại con đường cổ vào miếu Bàn Thổ của làng đã có từ hàng nghìn năm. Lí do vì khu đất này đã bị TP. Hà Nội cho Điện lực Từ Liêm thuê từ năm 2007, thời hạn thuê là 50 năm.

Người dân Mễ Trì đã tập trung nhiều ngày ở gần UB xã, yêu cầu chính quyền trả lại cho dân con đường cổ. (Ảnh GDVN)
Người dân Mễ Trì đã tập trung nhiều ngày ở gần UB xã, yêu cầu chính quyền trả lại cho dân con đường cổ. (Ảnh GDVN)

Sáng ngày 27/3, sau 3 ngày liên tiếp vận động, tuyên truyền người dân giải tán nhưng không có kết quả, chính quyền xã Mễ Trì đã phải tổ chức một cuộc họp với nhân dân, có đầy đủ ban bệ xã và hàng nghìn người dân Mễ Trì.

Tại cuộc họp, ông Đào Tăng Quýnh – Chủ tịch UBND xã đã khẳng định, việc cho Điện lực Từ Liêm thuê đất là quyết định của UBND TP. Hà Nội, xã chỉ đứng ra làm nhiệm vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tiền cho thuê đất thì UBND TP. Hà Nội thu.

Ông Quýnh cũng phát biểu rằng, cấp trên giao cho xã làm nên xã phải thực hiện, không thể làm trái.

Trước việc chính quyền xã đẩy trách nhiệm cho UBND TP. Hà Nội, Bà Nguyễn Thị Oanh, 53 tuổi, ở thôn Mễ Trì Hạ đứng lên phát biểu: “Chúng tôi bầu các anh lên làm đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân thì giờ các anh phát huy trách nhiệm của các anh đi. Chúng tôi đề nghị chính quyền xã, kiến nghị lên TP để trả lại con đường lịch sử cho làng”.

Bà Oanh nói thêm: “Xã nói, mảnh đất đó đã được UBND TP. Hà Nội cho Điện lực Từ Liêm thuê. Vậy, nếu chỉ cho thuê thì chúng ta vẫn có quyền đòi lại được”.

Nhân dân Mễ Trì quyết tâm giữ gìn con đường vào miếu. Với họ, đó không chỉ là con đường dân sinh mà còn là con đường của lịch sử (Ảnh GDVN)
Nhân dân Mễ Trì quyết tâm giữ gìn con đường vào miếu. Với họ, đó không chỉ là con đường dân sinh mà còn là con đường của lịch sử  (Ảnh GDVN)

Sau nhiều ý kiến của người dân yêu cầu chính quyền trả lại con đường cổ, ông Nguyễn Viết Dung – Bí thư Đảng ủy xã Mễ Trì giải thích: “Chỉ có cấp thành phố trở lên mới có quyền “định đoạt” mục đích sử dụng đất của tất cả các loại đất. Như vậy để khẳng định, xã Mễ Trì và huyện Từ Liêm không có quyền quyết định việc thu hồi. Trong khi đó, nguyện vọng của người dân không muốn con đường bị thu hồi. Cho nên, giữa nguyện vọng của dân và quyết định của thành phố trái ngược nhau. Mà sự trái ngược ấy, thành phố thì ở rất xa, thậm chí huyện cũng không gần nên chỉ còn lãnh đạo xã và nhân dân trở thành đối địch”.

Ông Dung nói thêm: “Người dân bây giờ hiểu là xã cho người ta làm thì bây giờ xã phải chịu, như thế là không sâu sắc. Bởi mọi quyền là của UBND TP. Hà Nội”.

Ông Dung ví von: “Người ta không thể cho người khác cái gì mà người ta không có. Do đó, xã chỉ có thể kiến nghị lên trên để từng bước giải quyết”.

Trong khi chờ giải quyết, ông Dung đề nghị người dân không tập trung đông người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực, làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ của địa phương.

“Chúng ta dạy con cháu ra đường phải chấp hành quy định của pháp luật, đi học phải chăm chỉ. Thế nhưng, chính chúng ta lại làm gương bằng cách không tuân thủ quy định của pháp luật” – ông Dung trách khéo người dân vì đã tập trung đông người.

Sau lời phát biểu của ông Bí thư Đảng ủy xã Mễ Trì, người dân có mặt tại cuộc họp bức xúc vì cho rằng “không tự nhiên chúng tôi phải đứng đó dãi nắng, hứng bụi ngoài đường”.

Ông H – một người dân Mễ Trì nêu quan điểm: “Tôi không đồng tình với ý kiến của chính quyền Mễ Trì. Đúng là Nhà nước có quyền lấy bất kỳ đất ở đâu nhưng phải thông qua địa phương, mà địa phương phải lấy ý kiến của nhân dân. Giờ bị mất đường cổ của làng, nhân dân rất bức xúc. Mà một khi đã bức xúc thì các đồng chí nói gì nhân dân cũng không nghe nữa. Sự mất lòng tin là do chính các đồng chí lãnh đạo”.

Kết thúc cuộc họp, ông Đào Tăng Quýnh, Chủ tịch UBND xã Mễ Trì kết luận, việc cho Điện lực Từ Liêm thuê đất, xã đã có thông báo với người dân tại trụ sở ủy ban xã và thôn Mễ Trì Hạ từ khi có quyết định thu hồi đất năm 2007.

Ông Quýnh nói: “Còn băn khoăn của người dân, tiền cho thuê bao nhiêu, vào túi ông nào, xây dự án gì… thì mời nhân dân đến ủy ban xã, chúng tôi sẽ cung cấp bằng văn bản cụ thể”.

Về chuyện con đường vào Miếu mà trước đó người dân đổ bê-tông trong đêm 24/3, huyện Từ Liêm và xã thống nhất để nguyên hiện trạng con đường, không dỡ bỏ. Còn về nguyện vọng điều chỉnh dự án để giữ lại con đường dân sinh, chính quyền xã ghi nhận ý kiến của nhân dân và phản ánh trung thực với cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.  

Con đường vào Miếu Bàn Thổ (trước cổng ủy ban xã Mễ Trì) theo người dân đã có từ nghìn năm trước. Đường vừa là đường dân sinh, vừa là  đường để nhân dân hai thôn Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng rước thánh vào Miếu Bàn Thổ. Để chuẩn bị cho lễ rước thánh vào năm 2015, mới đây người dân hai thôn Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng đã quyên góp tiền tập trung cải tạo con đường. Tuy nhiên, chính quyền xã Mễ Trì ngăn cản, không cho người dân tu sửa. Từ việc đó, nhân dân Mễ Trì mới tá hỏa phát hiện ra, con đường cổ của làng giờ có thể đã không còn là của làng nữa. Sau đó, chính quyền Mễ Trì thông báo, khu đất này đã được UBND TP. Hà Nội cho Điện lực Từ Liêm thuê trong vòng 50 năm. Mẫu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền bắt nguồn từ đây. 

VIẾT CƯỜNG - TRẦN KHÁNG