Đạo đức nhà báo và đạo đức người thầy thuốc

16/08/2014 10:02
Thiên Ngọc
(GDVN) - Trong khi ngành y chữa những căn bệnh về mặt thể xác thì người làm báo chữa trị những căn bệnh tâm hồn.

Nghề nào cũng cần phải có đạo đức, nhưng có hai nghề thiên cốt đòi hỏi luôn đối diện với sự nghiệt ngã, đó là báo chí và ngành y. Một nghề chữa bệnh về mặt thể xác. Một nghề chữa bệnh về tâm hồn.

Bởi thế mà đạo đức của một nhà báo và đạo đức của một bác sĩ nhìn ở góc độ nào đó có rất nhiều điểm giống nhau. Họ đều có thể mang tin vui đến cho một số phận. Một gia đình. Một dòng họ. Nhưng đôi khi vì sự tắc trách, vì quyền lợi cá nhân đặt cao hơn đạo đức nghề nghiệp, họ có thể hủy hoại mọi thứ, gây ra những đau khổ khủng khiếp cho nhiều con người.

Nhiều tờ báo liên tục đăng tải chuyện đời tư của nghệ sĩ để câu độc giả. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Nhiều tờ báo liên tục đăng tải chuyện đời tư của nghệ sĩ để câu độc giả. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Nhưng nếu một người bác sĩ vì chuyên môn kém hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, họ chỉ có thể gây ra “tai nạn” với một bệnh nhân. Còn với người làm báo, sự yếu kém trong đạo đức nghề nghiệp không chỉ hủy hoại số phận của một con người, mà còn gián tiếp hủy hoại cả một gia đình, gây ra nỗi oan trái cho nhiều người.

Thì đã có vô khối những thông tin thất thiệt trên báo chí khiến bà con nông dân cơ cực đấy thôi, ấy là chuyện “ăn vải viêm màng não” – ngay lập tức người trồng vải ở Bắc Giang năm ấy bị thiệt hại nặng nề, cho không cũng vẫn ế; ấy là chuyện “ngô ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trồng và luộc bằng hóa chất” khiến nông dân vùng này phải ăn ngô trừ bữa; ấy là chuyện ăn bưởi bị ung thư hay tin đồn cá diêu hồng có chứa chất cấm...

Ngay cả nhà thơ Trần Đăng Khoa vốn là người rất điềm đạm cũng phải thốt lên rằng rất sợ khi tiếp xúc với một số phóng viên trẻ, bởi họ nhiệt huyết nhưng lại rất thiếu kinh nghiệm, và nhiều khi muốn áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình cho người khác. Có lần nhà thơ bị một phóng viên gán cho câu “Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói Hoa hậu không có lưỡi”. Và kể từ đó, ông thấy sợ phóng viên trẻ.

Phải nhắc lại những câu chuyện chẳng vui vẻ gì như vậy để thấy thật có lý khi nói rằng vai trò dòng thông tin chủ lưu, thông tin chính thống đang bị lu mờ, trong khi dòng thông tin có tính chất tiêu cực, mang tính chất bôi đen xã hội quá nhiều, lấn át những điều tốt đẹp. Quá nhiều trang mạng bung ra, khai thác triệt để thông tin đời tư của nghệ sĩ và các diễn đàn theo lối giật gân, câu khách một cách dung tục và trơ trẽn. Sự việc Báo Điện tử Tri thức trẻ bị phạt 207 triệu đồng và đình bản 3 tháng vì đăng tải bài viết "Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ" cho thấy Bộ Thông tin và truyền thông đang siết chặt quy trình quản lý, một trong những nỗ lực cần thiết làm hồi sinh những dòng thông tin lành mạnh trên báo chí.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Người căn dặn: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. 

Trong một hội thảo tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, bên cạnh những nhà báo, cơ quan báo chí làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp, cũng có không ít cơ quan báo chí nhìn nhận, xử lý thông tin thiếu trách nhiệm, dẫn tới việc xuất hiện một số nguồn tin sai lệch, không thỏa đáng do tay nghề non, nhãn quan chính trị và đạo đức nghề nghiệp còn yếu kém. Một số phóng viên và tờ báo coi nhẹ việc kiểm chứng và xác thực các nguồn tin, dẫn tới hậu quả thông tin đưa lên mặt báo sai sự thật và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của báo chí đối với nhân dân.

Thiên Ngọc