Để cái chữ đến với vùng cao: Cần sự quan tâm của cộng đồng

23/06/2014 07:11
Tùng Minh
(GDVN) - Nguồn kinh phí từ Nhà nước đầu tư cho giáo dục không đáp ứng đủ nhu cầu thì việc huy động các nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân... là cần thiết.

Cha mẹ học sinh cần đồng hành với nhà trường

Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được đánh giá là thành công trong thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) của Bộ GDĐT.

Kết quả khảo sát cho thấy, cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng đối với hiệu quả thu được từ FDS. Họ sẵn sàng đóng góp cho nhà trường khi thấy con cái của họ nhận được lợi ích từ sự đóng góp này.

Mỗi năm học, nhà trường huy động được khoảng 200 triệu đồng từ cha mẹ và các tổ chức cộng đồng. Hội cha mẹ học sinh giúp nhà trường trong việc huy động tiền và các đóng góp vật chất từ cha mẹ, từ các tổ chức kinh doanh và các tổ chức xã hội khác nhau, chủ động trong yêu cầu nhà trường thực hiện các hoạt động cải tiến, cùng với nhà trường cải tạo cảnh quan trường lớp cho sạch đẹp, khang trang hơn.

Thành công của FDS nhờ sự góp sức của cha mẹ học sinh cũng đúng với trường hợp của trường tiểu học Lê Lợi, trường tiểu học Phan Chu Trinh và các trường ở tỉnh Long An.

Ngược lại, ở Trường tiểu học San Sả Hồ II tỉnh Lào Cai, Trưởng tiểu học N’Trang Long Huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Lăk và Trường tiểu học Thạnh Phước B tỉnh Long An, cha mẹ và cộng đồng đều khó khăn hơn về kinh tế, nhận thức về giáo dục hạn chế hơn so với các trường Lê Lợi và Lê Thị Hống Gấm tỉnh Đắk Nông … nên chất lượng giáo dục trong SEQAP chưa được như mong muốn.

Thực tế này chứng minh, công tác giáo dục muốn đạt hiệu quả thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, giữa giáo viên và cha mẹ học sinh. Cha mẹ học sinh không thể phó mặc trách nhiệm giáo dục cho nhà trường.

Việc dạy học cả ngày ở vùng đông dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn rất cần sự quan tâm của cộng đồng.
Việc dạy học cả ngày ở vùng đông dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn rất cần sự quan tâm của cộng đồng.

Nhận thức được cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng trong thực hiện FDS, ở các trường SEQAP, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức (về lợi ích và việc nên cho con đi học cả ngày, sự cần thiết phải hỗ trợ nhà trường kinh phí và các nguồn lực để thực hiện FDS) được các trường chú ý và sử dụng một phần kinh phí nhỏ (từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng) từ quĩ giáo dục để làm công tác tuyên truyền. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua các buổi họp phụ huynh, các hoạt động lễ hội, cho cha mẹ tham quan sự thay đổi của nhà trường hay chứng kiến các hoạt động của con cái.    

Và sự giúp sức của toàn xã hội

Giống như bất cứ một chương trình nào khác, muốn hiệu quả, FDS cần có kế hoạch, chương trình, thực hiện và kiểm tra, giám sát. Sở GDĐT, Phòng GDĐT là cơ quan quản lí chuyên môn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện dạy học cả ngày, thông qua việc cung cấp các tài liệu về FDS, tổ chức các lớp tập huấn cho các trường, tư vấn, giám sát và các hoạt động đánh giá.

Qua khảo sát ở các trường tiểu học ở Châu Thành tỉnh Long An, ở Đăk Mil tỉnh Đăk Nông cho thấy, Sở GDĐT và Phòng GDĐT đã bám sát việc thực hiện FDS ở các trường, thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện thời khóa biểu, kĩ thuật dạy học tiếng Việt và môn Toán, hướng dẫn triển khai các kĩ thuật dạy học mới do SEQAP tổ chức.

Một nhân tố quan trọng khác góp phần làm nên thành công của FDS chính là năng lực của hiệu trưởng nhà trường - “người cầm lái” con thuyền giáo dục của mỗi địa phương. Năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng giúp nhà trường có được niềm tin của cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội, các cá nhân khác cùng chung tay góp sức vào sự nghiệp giáo dục. Thành công trong FDS của trường tiểu học Lao Chải tỉnh Lào Cai, tiểu học Hiệp Thành B tỉnh Long An cũng có được nhờ sự kiên trì, nhẫn nại và quyết liệt của hiệu trưởng.

Tương lai của đất nước đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào nền giáo dục của nước nhà. Mỗi học sinh được có thêm kiến thức lại mở ra cho các em tương lai tươi sáng, từ đó góp phần xây dựng đất nước. Các vùng khó khăn, vùng đông dân tộc thiểu số đang rất cần sự quan tâm của cả cộng đồng, để con chữ đến được với nhiều trẻ em hơn, tương lai tươi sáng cũng đến gần với các em hơn.

Tùng Minh