Khi học sinh không chọn học, thi Lịch sử:

Giáo dục của Việt Nam và tâm sự đáng suy ngẫm của một người mẹ

08/03/2014 09:25
Hương Hồi
(GDVN) - Chúng ta cứ vào mạng đánh 2 từ “vụ án” nhấp chuột hoặc enter là thấy hàng loạt những vụ án giết người, cướp của…vv.

Câu chuyện thứ nhất của thực tế

Trong chúng ta ai cũng có con hoặc cháu đi học. Vậy đã có bao nhiều bà mẹ, ông bố hỏi con mình: “tại sao con không thích học lịch sử?; hay “con học lịch sử có khó khăn ở chỗ nào?; hay…” những câu đại loại như vậy. Tôi cũng có 2 con đi học. Con lớn đã vào đại học và con nhỏ đang học lớp 9. Một hôm cháu học lớp 9 nói: con kiểm tra lịch sử được 9 mẹ ạ. Con chỉ viết có hơn trang thôi mà điểm cao nhiều bạn viết dài lắm mà điểm thấp hơn con. Tôi hỏi: Thế con làm thế nào? Con học thuộc những ý chính, mốc thời gian, rồi từ đó đọc hiểu câu chuyện và diễn giải ra thôi.

Có lẽ câu chuyện vậy thì không có gì đáng nói: Mấy ngày sau, nghe - xem thời sự trên VTV và VOV về thông tin có trường không học sinh nào đăng ký thi môn lịch sử. Con tôi hỏi: Tại sao lại thế nhỉ,  lịch sử cũng giống các môn học khác mà. Môn nào cũng phải học mới thi được chứ. Nghe con nói, tôi mừng thầm trong bụng, thì ra con mình cũng ý thức được việc học.
 
Tôi hỏi con tiếp: Thế, trường con bắt buộc học 2 môn là toán và văn; vậy môn tự chọn cũng là toán, văn đúng không? Vâng. Sao hả mẹ? Theo mẹ đấy là một sự lệch lạc trong giáo dục. Ngành giáo dục mới chỉ chú trọng đến việc “giáo”, tức là mới chỉ cung cấp cho con người ta “cái chữ” để mai sau có tấm bằng cầm đi xin việc làm, mà chưa chú trọng đến “dục”, tức là dưỡng dục tâm hồn đứa trẻ biết yêu quê hương  đất nước và yêu ngay chính những gì xung quanh chúng ta. Chính vì lẽ đó mà các em không đăng ký thi lịch sử đấy.

Câu chuyện thứ 2 đến câu chuyện thứ … n từ thực tế

Những năm gần đây báo mạng, trang tin ở Việt Nam luôn tràn ngập các thông tin về án mạng, tình, tiền... (ảnh minh hoạ)
Những năm gần đây báo mạng, trang tin ở Việt Nam luôn tràn ngập các thông tin về án mạng, tình, tiền... (ảnh minh hoạ)

Chúng ta cứ vào mạng đánh 2 từ “vụ án” nhấp chuột hoặc enter là thấy hàng loạt những vụ án giết người, cướp của…vv. Có vụ án “một cháu bé có 15 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam giết bà nội chỉ vì 20.000 đồng” rồi con giết cha, chồng giết vợ; vụ án thầy giáo ép học sinh mua điểm bằng tình; trò không tôn trọng thầy … vv. Ngày nào cũng là hàng loạt vụ án ở khắp nơi từ trong nước và nước ngoài được đăng tải trên báo mạng, báo giấy.

Tiếng rao báo chỉ thấy “vụ án này diễn biến thế nào …., vụ án kia diễn biến ra sao…” để câu khách. Báo chí cũng là một kênh thông tin phản ánh trực diện, khách quan thực tế, những chúng ta đang chỉ nhìn thấy những mặt trái của xã hội mà chúng ta chưa phản ánh nhiều mặt tích cực của xã hội, để rồi khích lệ, động viên phong trào thi đua của mọi tầng lớp nhân dân, ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
 
Trở lại câu chuyện của những vụ án đăng tải trên báo. Tính chất vụ án ngày càng nghiêm trọng, thể hiện sự xuống cấp không nhỏ về đạo đức trong xã hội. Đạo đức xuống cấp bắt đầu từ đâu? Theo tôi: Bắt đầu từ cách giáo dục của gia đình, của nhà trường và của xã hội.
 
Mọi đứa trẻ mới sinh ra đều như nhau, trong sáng như tờ giấy, Chúng ta vẽ vào chúng cái gì thì chúng tiếp nhận cái đó. Những đứa trẻ từ 5 tuổi trở xuống luôn nghe lời bố mẹ, ông bà. Nhưng kể từ 6 tuổi trở đi thì các con được học kiến thức, ở trường nhiều hơn ở nhà.

Và khi bố mẹ nói về một vấn đề nào đó trùng với cô, thầy ở trường nhưng cách làm khác thì các con sẽ nói: Cô con bảo làm thế này cơ, thầy con bảo làm thế kia cơ…vv. Tôi đã tâm sự với rất nhiều cha mẹ và cha mẹ nào cũng nói rằng, con mình đi học là nó không nghe lời bố mẹ mà chỉ nghe lời thầy, cô thôi.

Như vậy, thầy, cô đã trở thành người cha, người mẹ thứ 2 của các con. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vậy dạy cái gì để các con trở thành những con ngoan, trò giỏi, là nhân tài của đất nước? Thực tế xã hội đang là đáp án trả bài cho nền giáo dục của nước ta đó.

Hãy bắt đầu hoạch định chính sách giáo dục từ thực tế
      

Giáo dục trẻ ở Hàn Quốc
Giáo dục trẻ ở Hàn Quốc

Trả lời câu hỏi này, tôi xin mạo muội nói ra ý nghĩ của mình với những nhà hoạch định chính sách giáo dục của nước nhà như sau: “Hãy bắt đầu từ thực tế”. Hãy xâu chuỗi những câu chuyện mà tôi kể rời rạc trên kia thành một câu chuyện lớn, đó là: “Chúng ta đang giáo dục con em chúng ta mất cân đối giữa việc chỉ chăm chú học lấy một tấm bằng, chứ chưa chú trọng con em phải có cả trí tuệ và nhân cách.”  

Nhìn sang đất nước Hàn Quốc, là một quốc gia có nền giáo dục khá phát triển. Họ vẫn quan tâm chú trọng cho các em học lịch sử, nhưng phương pháp được đổi mới. Họ cho con em họ đi du học, hay phát triển nền âm nhạc, phim ảnh theo hướng hiện đại mà không mất đi bản sắc văn hóa của đất nước thậm chí họ còn đưa được văn hóa, lịch sử của nước họ đến với các nước khác.

Các kênh truyền hình của họ không ngừng sản xuất các phim truyện nói về những nhân vật gặp khó khăn, những cảnh đời éo le được sự giúp đỡ, đùm bọc của nhiều người để trở thành nhân tài cho đất nước.

Trở lại câu chuyện của chúng ta: Các em từ chối thi môn lịch sử đồng nghĩa với việc các em đang thiếu kiến thức về lịch sử. Và cũng có thể nói rằng các em đang không yêu quê hương, đất nước với hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Từ thực tế cuộc sống tôi mạo muội đề xuất rằng: Ngành giáo dục của chúng ta hãy lấy 2 môn Lịch sử và giáo dục công dân là 2 môn học bắt buộc và thi bắt buộc ngay từ khi các em bước vào học ở THCS và lên THPT.

Còn lại những môn học tự chọn, theo tôi để các em có năng khiếu học về tự nhiên hay xã hội các em tự chọn 3 môn để học suốt cả từ THCS đến THPT và thi hết. Môn tự chọn, chính là để sau này các em thi vào đại học.

Các em học theo sở trường của mình thì sẽ phát huy được năng lực đi làm. Và chúng ta không bắt buộc các em học toán, văn thì các em vẫn luôn xác định đó là môn chính học để thi.

Như vậy theo tôi, kỳ  thi nào cũng thi tốt nghiệp 4 môn. Toán, văn, lịch sử, giáo dục công dân. Còn các em thi vào đại học môn nào nữa các em tự nguyện học và thậm chí còn học tốt hơn chúng ta nghĩ. Vậy thì sao chúng ta lại cho môn bắt buộc và môn tự chọn trùng nhau? Và mỗi năm lại một thay đổi môn thi để các em phải nặng nề, lo lắng.

Có ngoại ngữ (tiếng Anh) sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập và việc làm, điều này là hiển nhiên, không cần tranh cãi.
Có ngoại ngữ (tiếng Anh) sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập và việc làm, điều này là hiển nhiên, không cần tranh cãi.

Nói về môn tiếng Anh (ngoại ngữ) chúng ta cũng không nên bàn cãi nhiều về chuyện, thi hay không. Bởi vì tất cả các con em chúng ta đang học đều có ít nhất 1 ngoại ngữ. Chúng ta không cho thi cũng chẳng sao, vì: Trong điều kiện nước nhà hội nhập với thế giới cả chiều sâu và bề rộng, cho dù các cháu có thi hay không thì khi vào đại học các cháu cũng như cha mẹ các cháu vẫn phải  động viên con em mình cố tìm học để có chứng chỉ đi xin việc.
 
Phương pháp để các em tiếp cận môn học chúng ta nên đổi mới. Điều này nhường lại cho những nhà hoạch định giáo dục. Không chỉ có nhà trường mà ngay cả trên các phương tiện truyền thông tôi nghĩ cần thay đổi cách truyền thông sao cho đưa được những điển hình, những phương pháp giảng dạy, học tập mới, xây dựng thành phong trào để mọi người noi theo, thay đổi hành vi giảng dạy, học tập có chất lượng; nâng cao đạo đức lối sống của từ giáo viên đến học sinh, đến mọi người trong xã hội. Chính là xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, tiếp nhận những văn minh của nhân loại, nhưng vẫn đề cao được cốt lõi nhân cách con người và cội nguồn dân tộc./.

Kính gửi quý báo: Tôi là một độc giả thường xuyên đọc báo Giáo dục và cũng nhiều tờ báo khác. Mấy ngày nay, xem trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy: Khi đăng ký môn thi tốt nghiệp hầu hết các em học sinh không đăng ký thi môn lịch sử. Tôi thực sự rất buồn. Cái buồn không thể diễn tả bằng lời, không thể hét lên rằng: Sao lại thế?! Chính vì điều này mà tôi viết bài gửi cho báo. Có lẽ nói ra vơi đi nỗi buồn trong lòng. Tôi chia sẻ suy nghĩ này vì thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội. - Độc giả Hương Hồi chia sẻ.

Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của độc giả. Mời các bạn thảo luận ở box bình luận phía dưới.

Hương Hồi