Đề nghị miễn thuế thu nhập dưới 9 triệu/tháng

14/06/2012 11:18
Theo VnMedia.vn
Nhiều đại biểu đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ở bậc 1, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để kích cầu. Một số ý kiến cho rằng Chính phủ nên kiểm điểm về việc chưa linh hoạt trong điều hành kinh tế.

Ngày 13/6, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại hội trường về nội dung nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DN mà Chính phủ đã đề xuất. Đa số ý kiến đồng tình về việc ban hành Nghị quyết và ủng hộ những nội dung đề xuất.

Miễn thuế TNCN ở bậc 1

Cụ thể, hầu như tất cả ĐB đồng ý với việc giảm, miễn 30% thuế TNDN. Tuy nhiên có một số ý kiến đề nghị xem xét lại cách xếp hạng các DN vừa và nhỏ để có thể mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng chính sách, tạo sự công bằng cho các DN. Đối với những DN làm ăn không tốt, không có lợi nhuận, các ĐB đề nghị xem xét cơ cấu lại nợ tránh cho DN phải phá sản.

ĐB Trần Du Lịch nói: "Một số DN nói với tôi rằng không có lợi nhuận mà giảm thuế chẳng khác gì anh mù được cho đôi kính, chẳng lợi ích gì. Cái anh ta cần là cây gậy dò đường. Cây gậy ở đây với các DN chính là giảm VAT đối với hàng tồn kho, sản phẩm nông sản, vật tư… để kích thích thị trường”.

Đối với việc miễn, giảm thuế khoán đối với thuế GTGT, thuế TNCN và miễn thuế TNDN năm 2012 đối với các cá nhân hộ theo tờ trình, hầu hết ý kiến đồng tình vì đối tượng thụ hưởng là những người lao động hưởng lương thấp, những người nghèo và động viên nhiều hộ cá nhân đang kinh doanh nhỏ lẻ, cung cấp dịch vụ giá rẻ cho công nhân lao động.

Ý kiến ĐB cho rằng mặc dù số tiền giảm không đáng kể nhưng ngược lại có ý nghĩa lớn về mặt an sinh xã hội, tạo niềm tin đối với chủ trương của Đảng, Chính phủ. Ngược lại, Ủy ban Tài chính ngân sách trước đó có báo cáo không tán thành nội dung này với lý do việc miễn, giảm thuế trên thiếu tính khả thi và không hiệu quả, sau khi đã áp dụng trong năm 2011. 

Một nội dung Chính phủ không đề nghị nhưng Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị được sự đồng tình của rất nhiều ĐB, đó là miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 và giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng trên một số lĩnh vực.

Ngoài ra các ĐB cũng quan tâm đến các vấn đề liên quan tới chi phí DN phải chịu do cách tính thuế TNDN hay do việc thực hiện quy định phải nộp kinh phí công đoàn. Một số ĐB cho rằng mặc dù mức thuế TNDN 25% của VN hiện nay dù được cho là không cao so với các nước trong khu vực, nhưng trên thực tế thuế thu nhập mà DN phải đóng hiện nay cao hơn 30% do những yếu tố phi chính thức.

Điều hành kinh tế còn chậm

Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng Chính phủ cần xem xét lại trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo, điều hành nền kinh tế trong thời gian qua. ĐB Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng cho rằng ưu điểm của Chính phủ là đã ra được gói giải pháp để giúp đỡ DN và hỗ trợ thị trường. Nhưng khuyết điểm của Chính phủ là gói cứu trợ chậm. Trong một số vấn đề, nếu gặp khó khăn mà có gói cứu trợ sớm thì nền kinh tế sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, lúc này chậm vẫn còn hơn không.

Đặc biệt ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc được nhắc lại rằng Chính phủ phải biết lắng nghe, nếu không lắng nghe thì mọi ý muốn của Quốc hội chỉ làm “chuyển động không khí thôi”. Chính vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ phải nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này để sớm điều chỉnh nền kinh tế.

ĐB Phùng Văn Hùng - Cao Bằng cũng cho rằng điều hành của Chính phủ vẫn chưa linh hoạt kịp thời. Nếu điều hành của Chính phủ linh hoạt kịp thời, chắc chắn sẽ giúp cho DN rất nhiều. Nghị quyết 11 của Chính phủ thắt chặt tiền tệ đã giảm được lạm phát đáng kể nhưng rất nhiều DN không tiếp cận được vốn. Nếu Chính phủ điều hành linh hoạt, kịp thời hạ lãi suất thì chỉ số lạm phát giảm từ tháng 07/2011 thay vì để đến tháng 03/2012 mới đưa các giải pháp về tiền tệ là quá muộn. Các DN không tiếp cận được vốn, sức đã yếu lại càng yếu, dẫn đến tình hình như hiện nay. Nếu gói hỗ trợ này ban hành sớm thì chắc chắn đã hỗ trợ được các DN rất nhiều. Đây là bài học kinh nghiệm hết sức đáng quý để Chính phủ cần xem xét để làm sao có những biện pháp kịp thời, tạo điều kiện cho nền kinh tế vượt qua được những khó khăn.

ĐB Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang phát biểu, có một tín hiệu lạc quan là trong phạm vi ngân sách từ nay đến cuối năm có thể giải ngân được 21.000 tỷ đồng một tháng và nếu tăng trưởng tín dụng 2012 là 12% thì 7 tháng còn lại có thể mỗi tháng bơm ra thị trường 50.000 tỷ. Như vậy cộng cả ngân sách và tín dụng thì mỗi tháng có hơn 70.000 tỷ đồng bơm ra ngoài thị trường. Vấn đề quan trọng phải có biện pháp để nền kinh tế hấp thụ được đồng vốn và tạo sản phẩm ra xã hội.

Điểm nóng

Giải cứu cô gái bị cha cưỡng hiếp, bắt làm “người rừng”

Bè cá có người Trung Quốc ở Cam Ranh sẽ bị phạt 4 triệu đồng

Lời kể của chiến sỹ trẻ thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng

Theo VnMedia.vn