Đề nghị xem lại kết quả điều tra vụ nhà báo bị đốt

29/11/2011 07:36
Người lao động
Liên quan đến vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên báo NLĐ) bị phóng hỏa sát hại, BBT báo này đã có văn bản đề nghị xem xét lại kết quả điều tra.

Ngày 28/11, ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã ký công văn gửi đến ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao và ông Lê Văn Lợi, Chánh án TAND tỉnh Long An, đề nghị xem xét, chỉ đạo điều tra lại một cách toàn diện, khách quan vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) bị sát hại đêm 18 rạng sáng 19-1-2010 tại nhà riêng ở phường 6, TP Tân An – Long An.

Báo Người Lao Động cho rằng kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An và cáo trạng của VKSND tỉnh Long An truy tố một mình bà Trần Thúy Liễu là có dấu hiệu lọt người, lọt tội, chưa xác định đúng sự thật khách quan của vụ án. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất, qua nhiều nguồn tin, Báo Người Lao Động được biết các cơ quan tố tụng tỉnh Long An đã không đưa lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng vào hồ sơ vụ án. Việc để lời sinh cung của nạn nhân ra ngoài hồ sơ là một sai lầm nghiêm trọng của cơ quan tố tụng khi giải quyết vụ án.

Thứ hai, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như hoạt động nghiệp vụ báo chí, Báo Người Lao Độngxác định trước và sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, điều trị tại bệnh viện, ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT tỉnh Long An) đã nhiều lần đến nhà gặp gỡ bà Liễu để động viên, hướng dẫn bà Liễu cách khai nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Đề nghị xem lại kết quả điều tra vụ nhà báo bị đốt ảnh 1
Ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đọc điếu văn đưa tiễn nhà báo Hoàng Hùng

Đặc biệt, ông Tâm còn rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin vào số điện thoại của bà Liễu. Trong báo cáo của giám đốc Công an tỉnh Long An gửi Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Long An đã xác định ông Tâm có dấu hiệu che giấu tội phạm.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm rõ nội dung của những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn này xem có liên quan đến vụ án hay không và vì sao có sự liên lạc một cách bất thường giữa bà Liễu và ông Tâm? Đáng nói hơn, trong cả kết luận điều tra và bản cáo trạng cũng không nhắc gì đến việc này.

Thứ ba, việc tiến hành thực nghiệm điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An là chưa phù hợp với quy định của pháp luật; chưa phù hợp với hiện trường vụ án. 

Thứ tư, lời khai của nhân chứng, người liên quan, bị can còn rất nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được các cơ quan tố tụng tỉnh Long An tiến hành đối chất, xác minh làm rõ.

Thứ năm, động cơ, mục đích phạm tội của bà Trần Thúy Liễu chưa được rõ ràng và không phù hợp với diễn biến của vụ án.

Từ những vấn đề nêu trên, Báo Người Lao Động đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an xem xét, nghiên cứu và có hướng chỉ đạo điều tra lại vụ án một cách toàn diện, khách quan, tránh bỏ lọt tội phạm.

Người lao động