Nhật Kí Pả Vi:

Đi xa để thu hoạch được nhiều

30/12/2011 10:19
Tường Vi

(GDVN) - Dù chuyến chỉ hai ngày, ba đêm với chặng hành trình hơn 1000 km đường rừng núi nhưng đã để lại thật nhiều cảm xúc trong lòng các thành viên của đoàn.

Đã có lần hai, sẽ có lần 3 và nhiều hơn nữa

Mình là Lê Mai, tham gia cùng đoàn từ thiện của Báo Giáo dục Việt Nam trong chuyến đi Hà Giang vừa rồi. Đây là lần thứ hai mình đi cùng đoàn để đi phát quà và giao lưu với các em nhỏ vùng cao.

Lê Mai (Ngoài cùng bên phải hàng trên) sẽ có nhiều lần sau nữa đi từ thiện
Lê Mai (Ngoài cùng bên phải hàng trên) sẽ có nhiều lần sau nữa đi từ thiện

So với lần đi Nậm Mười lần trước, chuyến đi này dài ngày và xa xôi hơn. Đoàn lại đi đúng vào đợt gió mùa nên cảm nhận về cái lạnh của vùng cao và sự thiếu thốn của trẻ em nơi đây càng sâu sắc.

Có lẽ dấu ấn đặt biệt của chuyến đi này với mình là cảm xúc khi được tận tay trao quà cho các em nhỏ. Dù chỉ là những món quà nho nhỏ nhưng mình vẫn cảm nhận được sự háo hức của các bé.

Đặc biệt mình có được các cô giáo dạy cho vài câu hỏi bằng tiếng Mông để có thể nói chuyện trực tiếp với các em, thấy vui lắm.

Suy nghĩ chung của mọi người sau mỗi chuyến đi có lẽ là những gì mình mang tới thật nhỏ bé và không bao giờ đủ. Tuy nhiên những đóng góp không bao giờ đủ đó cũng khiến ta có thêm những niềm vui nho nhỏ và cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa.

Chắc chắn mình sẽ còn đồng hành cùng với đoàn từ thiện Báo Giáo dục Việt Nam lần 3, lần 4 và nhiều hơn nữa.

Hãy chia sẻ gánh nặng trên lưng những em bé ở Pả Vi

Mặc dù đi theo chuyến công tác từ thiện của báo Giáo dục Việt Nam đã hơn 1 tuần, nhưng trong tôi cảm giác vẫn còn nguyên vẹn. Là người cầm bút, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều đối tượng, hoàn cảnh… song hễ nhắc đến các em nhỏ vùng cao, trong tôi lại trào lên bao cảm xúc khó tả.

Phóng viên Lại Thìn: Hãy chia sẻ gánh nặng trên vai các em học sinh
Phóng viên Lại Thìn: Hãy chia sẻ gánh nặng trên vai các em học sinh

Được tận mắt chứng kiến hình ảnh các em nhỏ dưới chân Mã Pì Lèng lem nhem với đôi chân trần, mỗi người chúng ta không khỏi xúc động. Song, đó mới chính là các em – những cây hoa rừng hồn nhiên, đang vươn lên giữa bàn ngàn núi đá.

Tôi không thể quên được những ánh mắt ngây thơ, trong trẻo của các em đùa nghịch giữa sân trường đầy gió rét, cũng như bị ám ảnh bởi hình ảnh người chị nhỏ bé bị thương tích ở cánh tay trái đang cõng đứa em nhóc oe oe vì đói và rét. Đứa em nhỏ lên lưng chị bé bỏng. Người chị cõng em cũng là “cõng” trách nhiệm nặng nề của những em nhỏ nơi đây – từ bé đã phải lo chăm sóc gia đình với cơm áo gạo tiền. Khi lớn lên, chúng lại theo vòng luẩn quẩn mà cha mẹ đã “đi theo dớp” của ông bà chúng: lấy vợ, chồng sớm, sinh nhiều con, thất học, đói rét…

Cái gánh nặng trên lưng mỗi đứa trẻ ấy có thể được chia sẻ cho mỗi chúng ta trong xã hội không? Tôi nghĩ tôi, và mỗi người chúng ta đều làm được – nếu chúng ta có lòng quyết tâm và xuất phát từ những trái tim nhân ái.

Thông qua báo Giáo dục Việt Nam, tôi và những thành viên của Báo – những người cầm bút, hãy làm nhiều hơn nữa để những tấm lòng nhân ái sẽ đến được các em nhỏ đang chịu thiếu thốn trên khắp mọi miền Tổ quốc – nhất là khi Tết đang đến rất gần.

Những dòng tâm sự đầy cảm xúc của nhà báo Lại Thìn – VOV, chắc hẳn đã phần nào nói lên được tâm tư, nguyện vọng của đoàn thiện nguyện. Hãy cùng chung tay chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn cho học trò nơi đây và cả những vùng còn nghèo, còn xa hơn thế nữa.

Đi xa để thu được nhiều

Lần đi thứ hai đi từ thiện cùng báo, bạn Đặng Anh Huy lại có cảm nhận rất khác so với lần đi trước. Chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ cảm xúc của bạn Anh Huy.

Em nhận ra rằng mình càng đi xa thì càng trải nghiệm và thu về được thật nhiều thứ. Em cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn khi được nhìn thấy cuộc sống của những người khác.

Anh Huy: Lần đi này xa hơn và học được nhiều thứ hơn
Anh Huy: Lần đi này xa hơn và học được nhiều thứ hơn

Ở những nơi miền cao, xa xôi của Tổ quốc còn biết bao đồng bào mình phải sống khổ sở, thiếu thốn đủ đường. Đến một manh áo ấm mùa đông cũng không có, đến đôi dép tổ ong cũng đâu phải ai cũng được đi.

Lần trước khi lên Nậm Mười em đã thấy cuộc sống của đồng bào mình khổ rồi. Lần này được đi xa hơn, được ở với đồng bào lâu hơn em lại càng thấm cái giá rét nơi vùng cao biên giới, và hiểu sự khắc nghiệt của cuộc sống nơi đây.

Nhìn những  học trò nhỏ Pả Vi hồn nhiên nô đùa trong cái giá lạnh thấu xương thịt, cống hiến hết mình cho đêm giao lưu với đoàn, em càng thấy quý và thương các em nhiều hơn. Song cũng thật là khâm phục các em, các em nhỏ bé mà sống rất hiên ngang, kiên cường giữa thiên nhiên đầy khắc nghiệt này.

Trường của các em đẹp nhưng cuộc sống thì khổ quá. Nhà các em không có cửa mà tránh gió, quần áo thì mong manh và rách tả tơi nữa chứ.

Những chuyến đi từ thiện như thế này càng giúp cho em thêm hiểu biết về cuộc sống thực sự của đồng bào mình trên vùng cao. Nghèo khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt nhưng cũng thật kiên cường, đáng khâm phục.

Hãy cùng lắng nghe tâm sự của các thành viên trong đoàn từ thiện Pả Vi để hiểu hơn về những con người nơi địa đầu Tổ quốc. Thấy được cuộc sống của người dân miền núi để hiểu và cảm thông cho họ hơn nữa. Hãy làm một việc thiện, dù nhỏ thôi nhưng có thể lại đem đến thật nhiều hơn ấm cho những người kém may mắn, ở những vùng đất xa xôi của Tổ Quốc.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

 
Tường Vi