Điểm danh doanh nghiệp, đơn vị hưởng lợi lớn từ ký túc xá Mỹ Đình

23/12/2019 09:20
Vũ Phương
(GDVN) - Với giá thuê ưu đãi 87.000 đồng/m2, các đơn vị, doanh nghiệp được Sở Xây dựng Hà Nội chọn mặt gửi vàng quản lý, vận hành "ăn đậm" từ việc cho thuê lại tầng 1.

Những hình ảnh nhếch nhác, khó tin, xuống cấp trầm trọng tại ký túc xá Mỹ Đình khiến không ít người giật mình, sinh viên ngán ngẩm đã được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh.

Ký túc xá kiểu mẫu Mỹ Đình (Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) có tổng mức đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng mới đi vào khai thác được hơn 4 năm đã xuống cấp trầm trọng do công tác quản lý, vận hành yếu kém, bị buông lỏng.

Được quảng cáo là ký túc xá hiện đại, kiểu mẫu bậc nhất Thủ Đô, nhưng khi được hỏi về nơi này không ít sinh viên đang thuê trọ tại đây lắc đầu ngao ngán, còn có sinh viên đến tìm hiểu để thuê trọ phải thốt lên rằng không thể ở trọ dù giá rẻ.

Ký túc xá Mỹ Đình bị xẻ thịt, nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng
Ký túc xá Mỹ Đình bị xẻ thịt, nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng

Lý giải về sự nhếch nhác, “cha chung không ai khóc” tại khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Mỹ Đình đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Sở Xây dựng Hà Nội. Có nhiều đơn vị vận hành, quản lý, nhưng gần như chẳng đơn vị nào quản lý, vận hành vì cái chung mà chỉ nhăm nhăm vào việc cho thuê tầng 1 để ăn chênh lệch.

Thực tế tình trạng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” đang xảy ra ở ký túc xá kiểu mẫu này của Hà Nội. Đáng chú ý, khu vực “béo bở” nhất của ký túc xá Mỹ Đình chính là khu vực tầng 1 dịch vụ. Tình trạng bát nháo, mất an ninh trật tự xảy ra tại ký túc xá Mỹ Đình hiện nay xuất phát từ tầng dịch vụ này.

Được biết, ký túc xá Mỹ Đình có 3 cụm công trình cao 21 tầng (không kể tầng hầm và tầng kỹ thuật). 3 cụm này gồm có 5 đơn nguyên đưa vào sử dụng từ tháng 2/2015, đáp ứng chỗ ở cho 7.368 sinh viên.

Tổng mức đầu tư của dự án là 979 tỷ đồng, được lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn đầu tư trang thiết bị lấy từ ngân sách thành phố. Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở, đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng được giao quản lý, vận hành khu ký túc xá Mỹ Đình.

Cụ thể, đơn nguyên 1, đơn nguyên 2 được giao cho Đại học Quốc gia quản lý, vận hành.

Đơn nguyên 3 do Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị MHDI3 và Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 quản lý, vận hành.

Đơn nguyên 4 do Xí nghiệp dịch vụ và kinh doanh nhà – Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội ((HACINCO) quản lý, vận hành.

Còn Đơn nguyên 5 do liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) và Công ty tư vấn đầu tư và kiểm định xây dựng Hà Nội DTB quản lý, vận hành.

Đơn nguyên 5 cũng được giao cho Đại học Tài nguyên và Môi trường quản lý 9 tầng ký túc xá cho sinh viên ở trọ.

Cửa hàng photocopy này có diện tích chỉ vài m2 có giá thuê mỗi tháng 5 triệu đồng tại đơn nguyên 5 Ký túc xá Mỹ Đình. Trong khi giá Hà Nội cho đơn vị quản lý chỉ 87 ngàn đồng mỗi m2. Ảnh: Vũ Phương.
Cửa hàng photocopy này có diện tích chỉ vài m2 có giá thuê mỗi tháng 5 triệu đồng tại đơn nguyên 5 Ký túc xá Mỹ Đình. Trong khi giá Hà Nội cho đơn vị quản lý chỉ 87 ngàn đồng mỗi m2. Ảnh: Vũ Phương. 

Đáng chú ý, tầng 1 dịch vụ được Thành phố Hà Nội ưu đãi cho thuê để phục vụ học sinh, sinh viên, nhưng các đơn vị quản lý ký túc xá các đơn nguyên lại cho thuê lại hưởng giá chênh gấp nhiều lần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các đơn vị trên được Sở Xây dựng cho quản lý vận hành với lý do thiếu kinh phí đầu tư thiết bị nên có chủ trương kêu gọi xã hội hoá, lựa chọn nhà đầu tư cung cấp thiết bị nội thất phòng ở cho sinh viên thuê.

Đổi lại các đơn vị này được quyền quản lý, vận hành và được quyền khai thác tầng 1 theo giá ưu đãi của thành phố là 87.000 đồng/1 m2. Chính vì vậy từ khi đi vào vận hành, các đơn vị trên ra sức cho người ngoài vào thuê tầng 1 với giá thị trường ăn chênh lệch gấp nhiều lần.

Đơn cử, như một quán photocopy ở tầng 1 đơn nguyên 5 có diện tích chưa đến 10m2 có giá thuê mỗi tháng 5 triệu đồng.

Mặt trong đơn nguyên 3 một vài cửa hàng cho thuê cơi nới rất nhếch nhác, còn cửa hàng đóng cửa do đang tranh chấp. Ảnh: Vũ Phương.
Mặt trong đơn nguyên 3 một vài cửa hàng cho thuê cơi nới rất nhếch nhác, còn cửa hàng đóng cửa do đang tranh chấp. Ảnh: Vũ Phương. 
Một cửa hàng game tại đơn nguyên 3 đóng cửa vì tranh chấp kiện cáo. Ảnh: Vũ Phương.
Một cửa hàng game tại đơn nguyên 3 đóng cửa vì tranh chấp kiện cáo. Ảnh: Vũ Phương. 

Còn tại đơn nguyên 3, khu vực tầng 1 xảy ra kiện cáo, gây mất an ninh trật tự do tình trạng “mua bán” khoảng 300m2 giữa Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 (đơn vị quản lý, vận hành) và một người ngoài đã xảy ra tranh chấp, kiện cáo.

Theo nguồn tin của phóng viên cũng như đăng tải trên Báo Pháp Luật Việt Nam bài “Nhóm lợi ích “xẻ nát” khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình 2 ngày 10/3/2019”. Lý do xảy ra tranh chấp, kiện cáo trên được cho rằng Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 cho người dân thuê với giá trên 4 tỷ đồng trong thời gian 15 năm.

Bên được thuê sau đó mở cả dịch vụ như cầm đồ, tín dụng khiến dư luận bức xúc, điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 và người thuê vì hai bên đã có thỏa thuận mới xuống tiền ký hợp đồng.

Hiện vụ việc mua bán tầng 1 đơn nguyên 3 vẫn đang tranh chấp, kiện tụng. Còn tìm hiểu thực tế của phóng viên, tại tầng 1 đơn nguyên 3 có nhiều cửa hàng vẫn hoạt động bình thường, nhưng có vài cửa hàng cửa được khóa chặt, không có dấu hiệu của việc kinh doanh.

Có thể nói bằng mọi giá, các đơn vị được Sở Xây dựng Hà Nội  cho quản lý, vận hành đã không hề quan tâm đến vấn đề an ninh đối với học sinh, sinh viên thuê trọ, để cho thuê lại tầng 1 với giá cao, các cánh cổng ký túc xá luôn được mở toang, người lạ ra vào như chỗ không người.

Trong khi đó mục đích của tầng 1 theo quy định của Thành phố Hà Nội chỉ cho các đơn vị thuê làm dịch vụ phục vụ học sinh, sinh viên đến ở trọ trong ký túc xá.

Hơn nữa để tạo điều kiện cho các đơn vị đến thuê lại, ban quản lý ký túc xá Mỹ Đình ngó lơ để họ tự cải tạo công năng của tòa nhà, thay đổi thiết kế của tầng 1 để phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Phòng học chung của sinh viên tại các tầng của ký túc xá cửa bị khóa chặt, bụi phủ kín nền và bàn ghế vô cùng lãng phí. Ảnh: Vũ Phương.
Phòng học chung của sinh viên tại các tầng của ký túc xá cửa bị khóa chặt, bụi phủ kín nền và bàn ghế vô cùng lãng phí. Ảnh: Vũ Phương. 

Ký túc xá Mỹ Đình vốn được đầu tư đồng bộ đẹp gồm cảnh quan, cây cảnh, đài phun nước, các phòng học cho sinh viên, khu vui chơi…hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhưng đến nay sau vài năm đi vào khai tác đã xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác lãng phí vô cùng.

Cùng một khuôn viên ký túc xá, nhưng mỗi đơn vị quản lý, vận hành một tòa nhà nên dẫn đến các khu vực công cộng, công trình xuống cấp không được dọn dẹp, vệ sinh, sửa chữa, bảo trì.

Để làm rõ có hay không nhóm lợi ích tại ký túc xá Mỹ Đình cũng như trách nhiệm của Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) và trách nhiệm của người đứng đầu ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 19/12 phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ và đặt giới thiệu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Sự lãng phí và nghèo nàn của một số thư viện chuẩn quốc gia
Sự lãng phí và nghèo nàn của một số thư viện chuẩn quốc gia

Ngày 19/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có gọi điện và nhắn tin nhưng ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội không phản hồi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội được giao phụ trách ký túc xá Mỹ Đình nói đang nghỉ phép đề nghị phóng viên liên hệ ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở. Tuy nhiên, ông Phương lại đề nghị phóng viên liên hệ ông Mạc Đình Minh, Giám đốc Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Mạc Đình Minh cho biết, theo quy chế pháp ngôn đề nghị phóng viên liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội.

Vũ Phương