Điểm lại các quyết định 'cấm' đối với cán bộ, công chức

03/11/2011 06:51
Thành Chung (Tổng hợp)
(GDVN) - Thời gian qua, nhiều quyết định ''cấm' liên quan đến cán bộ, công chức đã được ban hành đang thu hút sự quan tâm, ủng hộ của dư luận.

Cấm cán bộ, công chức "ăn nhậu", chơi game, kể cả giờ nghỉ buổi trưa
"Cán bộ, công chức không sử dụng thời gian công sở vào việc riêng và phải đi làm đúng giờ. Không được phép chơi games trong giờ làm việc, không uống rượu bia trước và trong giờ làm, kể cả trong bữa ăn giữa hai ca và trong ngày trực...". Đây là nội dung chỉ thị mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành ngày 31/1/2008 về việc quản lý và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc tại công sở.
Rượu, bia quá chén sẽ làm mất phẩm chất, tư cách người công chức, cán bộ. (Ảnh minh họa).
Rượu, bia quá chén sẽ làm mất phẩm chất, tư cách người công chức, cán bộ. (Ảnh minh họa).
Nhưng ngay từ trước đó, theo tìm hiểu của chúng tôi thì từ tháng 6 năm 1996, Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ đã hai lần ban hành chỉ thị cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc. Còn nhớ ngay từ khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, bà Hà Thị Khiết (hiện đang là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương) đã có chỉ thị yêu cầu cấm tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh không được "ăn nhậu" trong giờ làm việc, thậm chí cả trong giờ nghỉ buổi trưa trong các ngày làm việc. Nếu cán bộ, công chức nào bị phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt thích đáng. Rồi đến lãnh đạo các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Bến Tre, Đồng Nai trong năm 2007 và gần đây là các tỉnh Hà Tĩnh, Long An... cũng đều ban hành chỉ thị, quyết định cấm cán bộ, công chức trên địa bàn không được uống rượu bia trong giờ làm việc và kể cả ở buổi trưa ngày làm việc, các buổi tiếp khách ngoài tỉnh... Thậm chí vào năm 2007, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã quy định cấm cán bộ, chiến sĩ uống rượu, bia vào buổi trưa; cán bộ từ cấp tiểu đoàn không được uống rượu, bia mọi lúc, mọi nơi.Hà Nội: Cấm công chức đi lễ chùa trong giờ làm việc Trước tình trạng nhiều cán bộ, công chức "ăn cắp" giờ để đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới, từ tháng 2 - 2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân tập thể sử dụng xe công đi lễ hội và lễ chùa trong giờ làm việc.

Không biết có bao nhiêu công chức đi lễ chùa trong số những người này (Ảnh minh họa)
Không biết có bao nhiêu công chức đi lễ chùa trong số những người này (Ảnh minh họa)
Lãnh đạo thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, Chủ tịch quận, huyện thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, đảm bảo giao dịch hành chính, dân sự của nhân dân tại cơ quan công quyền hoạt động bình thường. Ngoài ra, lãnh đạo các cơ quan phải thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, đảm bảo giờ giấc làm việc, nghiêm cấm cá nhân, tập thể sử dụng xe công đi lễ hội và lễ chùa trong giờ làm việc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch thành phố về kỷ cương hành chính tại cơ quan, đơn vị mình. Bạc Liêu: Cấm công chức dự tiệc cưới trong giờ làm việc Nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, với qui định các đối tượng là công chức, viên chức không dự tiệc cưới trong giờ làm việc, hình thức tổ chức đám cưới nên giản dị, tiết kiệm đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành từ ngày 25/11/2005, bắt đầu từ tháng 12 - 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng có quyết định yêu cầu cán bộ, công chức , viên chức... trong toàn tỉnh, không được mời , không được dự tiệc cưới trong giờ làm việc, tiệc cưới chỉ được kéo dài không quá 24 giờ đồng hồ. Cùng với đó, trong quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng khuyến khích cán bộ, công chức báo hỷ thay cho tổ chức đám cưới.Đồng Tháp: Cấm công chức gợi ý để được mời đi nước ngoài Để chấn chỉnh công tác cho phép cán bộ đi nước ngoài, từ tháng 7 - 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chỉ đạo trong đó cấm công chức gợi ý để được mời đi nước ngoài. Theo đó khi cử CB lãnh đạo, công chức, viên chức đi công tác, tham quan du lịch nước ngoài cần cân nhắc kỹ:  phải đúng thành phần, nội dung công việc và mục đích rõ ràng, tránh mang tính tham quan du lịch, tiết kiệm chi phí, kết thúc chuyến đi phải có báo cáo kết quả cho cấp thẩm quyền, không nên bố trí cùng một lúc hai CB lãnh đạo chủ chốt của đơn vị đi nước ngoài, thời gian tham quan du lịch tự túc nước ngoài không vượt quá thời gian nghỉ phép năm. Đặc biệt nghiêm cấm công chức tự liên hệ hoặc gợi ý để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý mời tham quan, du lịch, nghiên cứu khảo sát ở nước ngoài và đài thọ chi phí hoặc tổ chức tham quan, du lịch nước ngoài...
Quảng Trị: Công chức vi phạm sẽ bị đưa lên tivi
Những hình ảnh như bỏ công sở ra quán uống nước, đi làm, đi họp muộn, về sớm, chơi game trong giờ làm việc, uống rượu bia trước và trong giờ làm việc... sẽ được ghi hình và phát sóng. Đó là chỉ đạo vào tháng 4 - 2008 của ông Lê Hữu Phúc khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ông Phúc đã giao cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sử dụng các biện pháp nghiệp vụ ghi hình phát sóng hình ảnh cán bộ, công chức vi phạm thời giờ làm việc. Theo ông Phúc, quy định trên nhằm chấn chỉnh tình trạng cán bộ công chức thời gian qua chưa đề cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và uy tín cơ quan. Cơ quan, đơn vị nào để cán bộ của mình “lên hình” sẽ không được xem xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với tập thể, lãnh đạo đơn vị đó.Đều là các quyết định "vì nước, vì dân" So sánh các chỉ thị, quyết định đã được thực hiện với câu chuyện về quyết định cấm lãnh đạo, cán bộ ngành giao thông vận tải chơi golf, kể cả trong ngày nghỉ của Bộ trưởng Đinh La Thăng đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau thì tôi nhận thấy, giữa chúng không hề điểm khác nhau. Tất cả đều được ban hành với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong lúc nạn ách tắc giao thông đang trầm trọng, nhiều công trường, nhà máy đang sản xuất khó khăn  thì lẽ ra người lãnh đạo phải lăn vào cơ sở, xắn tay áo vào xử lý công việc.  những chuyện như “ăn nhậu”, chơi game, chơi golf hay những thú vui bình thường khác xin hãy gác sang một bên. Đó mới là đạo lý người cán bộ. Đó cũng mới là "vì nước, vì dân".
Thành Chung (Tổng hợp)