Đoàn Văn Vươn: 19 năm công tội

16/02/2012 11:40
T.L
(GDVN) - Công và tội của ông Đoàn Văn Vươn sẽ được cân nhắc như thế nào trong vụ án giết người?
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan tới vụ cưỡng chế Tiên Lãng vào 10/2/ 2012 vừa qua đã đưa vụ việc Đoàn Văn Vươn bước vào một giai đoạn mới. Điều mà dư luận băn khoăn hiện nay là công lao và tội trạng của ông Vươn sẽ được cân nhắc như thế nào trong vụ án hình sự này.

Đoàn Văn Vươn- người đánh bạc với trời

Cách đây gần 20 năm, Đoàn Văn Vươn cùng đại gia đình của mình đã có một quyết định “to gan lớn mật”, đó là đắp đê lấn biển làm kinh tế. Nói về mảnh đầm hiện tại nhà ông Vươn trước khi được cải tạo, ông Lê Đức Đọ, xóm Chùa Trên, xã Vinh Quang, Tiên Lãng nói rằng:

Nhìn biển Quang Vinh từ đê quốc gia chỉ là một mặt nước mênh mông, nước phù sa đục ngầu. Từng đợt sóng biển “quất” vào bờ khiến những tảng đá kè chân đê phải trôi ra ngoài. Mỗi mùa bão lũ về, những ngư dân ở đây “khiếp vía”, đàn ông phải lo tìm nơi neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, đàn bà lo dắt trẻ con, người già, gánh gồng lương thực vào sâu bên trong tránh bão.
Khu vực đầm nuôi trồng thủy sản nhà ông Vươn trước khi được cải tạo (ảnh Ngọc Khánh)
Khu vực đầm nuôi trồng thủy sản nhà ông Vươn trước khi được cải tạo (ảnh Ngọc Khánh)
Theo lời kể của bà Thương, vợ ông Vươn, để có được khu dầm nuôi trồng thủy sản như hiện tại, gia đình bà đã phải kiêm trì bám trụ với “thủy tặc” trong suốt 5 năm liền. Nguyên tắc của việc lấn biển là đắp đê chắn sóng, bởi vì khi không bị nước biển xâm nhập hàng ngày thì những lớp bùn non ven biển sẽ dần được bồi đắp. Hiểu được điều này, mỗi ngày, ông đã phải thuê hàng chục nhân công chỉ chuyên đắp đê chắn sóng.

Nếu sóng yên bể lặng thì mỗi ngày đắp được 1 khối đê, nhưng 1 khối ấy có giữ được không phải chờ qua đêm. Đêm nào triều thấp, thì còn lại 7/10, triều dữ chỉ được 3 phần. Đó là còn chưa kể tới những lúc nhà ông Vươn đã phải bán đất đai, nhà cửa, vay mượn anh em, họ hàng để có tiền mua đá từ Thanh Hóa kè đê.

Cũng chính từ việc xây dựng đầm phá này mà ông Vươn đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nông dân ở những vùng lân cận trọng lúc nông nhàn.
Khu vực đầm nuôi trồng thủy sản nhà ông Vươn hiện nay (ảnh Ngọc Khánh)
Khu vực đầm nuôi trồng thủy sản nhà ông Vươn hiện nay (ảnh Ngọc Khánh)
Nói về những khó khăn của việc lấn biển của những nông dân Tiên Lãng, Nguyên Bí thư Đoàn Huy Thành khẳng định, lấn biển là cực kỳ khó khăn, khi đó cái sống cái chết dễ như trở bàn tay. Sóng vỗ kinh khủng lắm, một trận sóng vỗ là không còn gì hết. Cho nên, lấn biển là một việc đáng khen, đáng nể phục.


Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương bùi ngùi nhớ lại: "Cách đây khoảng 15 năm, tôi đã có mặt tại đầm do gia đình Đoàn Văn Vươn khai phá. Tôi thực sự ấn tượng bởi sức người đã thực sự khuất phục được thiên nhiên. Tôi còn nhớ, người dân địa phương ca ngợi với tôi rằng: gia tộc nhà Đoàn Văn Vươn mất khoảng 5 năm mới làm được công trình này. Và từng khoanh đất thấm đẫm mồ hô và cả máu. Con gái của Vươn mất mạng trên chính mảnh đất này".

Ông Vũ Ngọc Nham, Đảng viên, từng là trợ lý tham mưu tại Sư đoàn 320 nói với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam: "Tôi đã từng nói với chủ tịch xã Vinh Quang rằng, giá như khi Vươn quai đê lấn biển mà các anh có mặt đông như thế này để giúp đỡ người ta, cũng là giúp đỡ nhân dân trên chính mảnh đất này thì tốt biết bao".

Ông Vũ Ngọc Nham
Ông Vũ Ngọc Nham


“Công tội phân minh”

Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trong cuộc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng vào 5/1/2012, ông Đoàn Văn Quý cùng một số đối tượng đã dùng súng hoa cải bắn làm bị thương 6 cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội thuộc đoàn cưỡng chế. Thông tin từ cơ quan điều tra, ông Đoàn Văn Vươn và các đối tượng trên đã có sự bàn bạc và cài mìn tự chế xung quanh căn nhà nhằm ngăn cản lực lượng chức năng.
hình ảnh Đoàn Văn Vươn trong trại giam
hình ảnh Đoàn Văn Vươn trong trại giam
Vì thế, theo ý kiến rất nhiều luật sư, không thể phủ nhận công lao trong việc khai hoang, lấn biển của ông Đoàn Văn Vươn, nhưng rất khó thay đổi tội danh của ông này trong bản án giết người. Luật sư Phạm Thanh Bình nhận định, vào thời điểm xảy ra sự việc chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức cưỡng chế là sai. Lực lượng cưỡng chế cũng không biết mình đang thực hiện một quyết định sai trái, họ chỉ thừa hành nhiệm vụ được giao.

Các bị can khi thực hiện hành vi chống trả lực lượng cưỡng chế cũng không ý thức được hành vi mà mình thực hiện là chống lại hành vi sai luật của lực lượng cưỡng chế mà chỉ đơn thuần là phản kháng vì uất ức. Mặt khác, việc dùng súng hoa cải bắn trả lực lượng cưỡng chế... là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là hành vi khách quan của tội giết người nên hành vi đó vẫn bị coi là phạm tội và sẽ được xem xét cùng với tình tiết giảm nhẹ.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Luật sư Phạm Thanh Bình

Theo thông tin từ chính quyền địa phương, trong quá trình tiến hành vây đắp bờ và khai thác đầm, Đoàn Văn Vươn nhiều lần chặt phá rừng phòng hộ và bị Ban quản lý dự án Vinh Quang 2 nhiều lần lập biên bản, ra thông báo yêu cầu dừng chặt, phá rừng. Đến ngày 28-11-2001, ông Đoàn Văn Vươn chặt phá tổng cộng 27 ha. Phòng Nông nghiệp huyện Tiên Lãng thống nhất vớiUBND xã Vinh Quang mời Chi cục Kiểm lâm thành phố về kiểm tra lại toàn bộ số cây Đoàn Văn Vươn đã chặt phá; đồng thời, đề nghị UBND huyện Tiên Lãng thu hồi và quản lý phương tiện đắp đầm nếu vẫn tiếp tục vi phạm.

Trong văn bản Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, “…cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”. Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng”.

   
T.L