Độc giả đưa ra 4 bước giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông

14/04/2012 06:00
Trần Quang Bình
(GDVN) - Vấn nạn ùn tắc giao thông ở hai thành phố Hà Nội và TP HCM do quá tải phương tiện giao thông cá nhân không chỉ gây tác động đối với việc di chuyển, mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiệm trọng. 
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên. 

Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải một bài viết của độc giả Trần Quang Bình với nội dung hiến kế cho Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc chống lại vấn nạn ùn tắc cho Hà Nội và TP HCM. Mời bạn đọc cùng theo dõi:


Do tính nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng của vấn đề ùn tắc giao thông là rất lớn nên khi tìm biện pháp giải quyết không thể tìm kiếm chỉ một vài biện pháp đơn lẻ rời rạc. Do vậy người viết cố gắng đề xuất phương án tổng hợp chống ùn tắc, giảm phương tiện cơ giới cá nhân tại hai thành phố nói trên. Phương án này chỉ là một sự gợi ý, hy vọng được dư luận, đặc biệt là các cơ quan chức năng quan tâm.

Cảnh tắc đường tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh/ Tiền Phong.
Cảnh tắc đường tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh/ Tiền Phong.

Các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân phải dựa trên cơ sở đầu tư trước thu phí sau, tạo điều kiện chuyển đổi phương pháp mà không hạn chế việc di chuyển của người dân; tôn trọng quyền sở hữu tài sản đối với phương tiện.

Về cơ bản có hai giai đoạn triển khai đầu tư chính: Giai đoạn 1 – Giải quyết tình thế, thời gian đầu tư nhanh, biện pháp cấp thời, vốn nhỏ. Giai đoạn 2 – Đầu tư cơ bản, thời gian đầu tư dài, vốn lớn. Cụ thể:

Giai đoạn 1:

- Thời gian thực hiện đầu tư: Ngay từ bây giờ kéo dài đến 2015, thời gian áp dụng đến 2025.

- Biện pháp đầu tư chính: Sắp xếp, tận dụng cơ sở vật chất hiện tại, năng cấp cải tạo, đầu tư bổ sung các hạng mục quy mô vốn và công nghệ vừa phải, phù hợp năng lực hiện tại của Nhà nước và xã hội.

Giai đoạn 2:

- Thời gian thực hiện đầu tư: Từ nay và kéo dài đến 2025, thời gian áp dụng lâu dài.
- Biện pháp đầu tư chính: Thực hiện nghiêm túc và ráo riết quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, đẩy nhanh việc chuyển các cơ sở công cộng lớn ra khỏi nội đô (bệnh viện, cơ quan các Bộ, các trường Đại học…); Đầu tư các hạng mục giao thông lớn tạo ra bước nhảy cơ bản về giao thông nội đô bao gồm: tàu điện ngầm, tàu trên cao, đường cầu cạn, mở đường bổ sung, bãi đỗ xe…
Bài viết này sẽ chỉ đề xuất một số biện pháp cho giai đoạn 1, các biện pháp này mang tính đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau và chia thành nhiều bước; Tùy đặc điểm, các bước có thể thực hiện đồng thời hoặc so le.

Bước 1: Chọn lựa và thiết lập tuyến giao thông công cộng chính – gọi tắt là tuyến A.

Đây là các tuyến giao thông huyết mạch, lưu lượng hành khách nhiều nhất, địa bàn xuyên tuyến lớn (ví dụ tại Hà Nội: Tuyến Quang Trung – Hà Đông, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh). 

Chia làm hai loại hướng tuyến chính: Các tuyến vòng xuyến tương tự các đường vành đai và các tuyến xuyên tâm. Căn cứ vào quy mô Hà Nội sau khi mở rộng như hiện nay, đặc điểm phân bố dân cư… đề xuất số lượng các tuyến A như sau:

- Tuyến A xuyên tâm: 4 tuyến.

- Tuyến A vòng xuyến: 2 tuyến.

Các tuyến A là tuyến ưu tiên số một cho phương tiện vận chuyển hành khách đông người. Các quyền ưu tiên thể hiện dưới các hình thức sau:

- Dành riêng làn đường tốt nhất cho phương tiện vận tải hành khách công cộng, đảm bảo lưu thông hai chiều.

- Nếu đường đủ rộng các làn đường còn lại sẽ cho tiếp các đối tượng theo thứ tự ưu tiên sau lưu thông. 1: Xe máy có chở trẻ em, người già, người bệnh… 2: Ô tô con chở tối thiểu đạt 75% chỗ ngồi. 3: Xe tải nhỏ được phép lưu thông trong thành phố theo giờ quy định. Các loại phương tiện khác hoặc không đạt 3 tiêu chí trên không cho lưu thông trên đường tuyến A.

- Cấm mọi phương tiện đỗ xe dưới lòng và trên hè đường. Tùy mật độ và điều kiện mặt đường có thể tăng dày các cự ly cấm dừng xe ô tô. Duy nhất chỉ xe AA và AB được dừng đỗ đón trả khách theo quy định.

Phương tiện công cộng tuyến A chia làm 2 loại: Loại AA là loại chạy nhanh, ít điểm dừng và toàn tuyến (tương tự buýt nhanh) và loại AB chạy chậm, nhiều điểm dừng và không chạy hết tuyến (tương tự buýt chậm).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Căn cứ vào đặc điểm phân loại trên, cần chọn lựa loại phương tiện cho thích hợp. Loại phương tiện AA xử dụng xe điện bánh hơi nhiều toa là loại có nhiều ưu điểm nhất, lựa chọn thứ hai là xe buýt chạy dầu có toa phụ.  Loại phương tiện AA và AB là loại sàn thấp, cửa rộng và có cửa ở bên trái và bên phải xe (để tùy điều kiện phân làn, vị trí điểm dừng, có thể cho phép lên xuống phía bên trái hoặc phải) tương tự xe đưa khách ra máy bay ở các cảng hàng không.
Địa điểm đầu tuyến A cần bố trí mặt bằng đủ rộng cho các mục đích sau: Đỗ dừng, quay đầu, tập kết ngoài giờ phương tiện loại AA, nơi tập kết ngoài giờ hoạt động loại AB. Trông giữ phương tiện cá nhân bao gồm cả ô tô, xe máy của dân cư ngoại tỉnh vào thành phố và dân cư nội đô (liên quan đến bước 2).

Bước 2: Thiết lập các tuyến giao thông công cộng nhánh - Tuyến B.

Đặc điểm các tuyến B là ngắn, len lỏi, dựa trên khung các tuyến A để tạo ra các tuyến nhánh lan tỏa đến mọi địa bàn. 

Tuyến B có những đặc điểm cơ bản sau:

- Xe vận tải hành khách công công gọi là loại BB.

- Lưu thông chung cho nhiều loại phương tiện. Trường hợp bề rộng mặt đường đủ rộng sẽ tổ chức phân làn, có làn riêng cho xe BB.

- Các phương tiện được phép lưu thông gồm: các loại xe cơ giới như hiện nay.

- Cấm mọi phương tiện đỗ xe dưới lòng và trên hè đường. Tùy mật độ và điều kiện mặt đường có thể tăng dày các cự ly cấm dừng xe ô tô. Duy nhất chỉ xe BB được dừng đỗ đón trả khách theo quy định.

Đặc điểm tuyến B và xe BB:

- Xe nhỏ tùy số lượng vân chuyển và điều kiện vận hành, nhưng không lớn hơn 60 chỗ.

- Cự ly vận chuyển ngắn, dừng nhiều điểm, mật độ xe qua điểm đón trả khách cao.

- Cố gắng lập tuyến vòng xuyến khép kín trong phạm vi nhỏ để tránh quay đầu xe.

- Sàn xe bố trí rất ít ghế ngồi dành riêng cho người tàn tật, người già, trẻ nhỏ. Sàn xe thấp, cửa rộng và có cửa ở bên trái và bên phải xe.

- Tuyến B là đường một chiều.

Các tuyến đường còn lại gọi chung là tuyến C: Là các tuyến không có hoạt động của phương tiện vận tải hành khách nhiều người. Tùy đặc điểm riêng có thể bổ sung các quy định cho từng nhóm trong các tuyến C.

Bước 3: Hạn chế xe ô tô lưu thông trong nội đô.

Sau khi thiết lập các tuyến A, B sẽ tiến hành hạn chế phương tiện giao thông cá nhân lưu hành nội đô, những đặc điểm chính của biện pháp này như sau:

- Khuyến khích mọi cư dân ngoại tỉnh và nội tỉnh có phương tiện cá nhân dừng và gửi xe (ô tô và xe máy) tại các điểm đầu tuyến A, sau đó sử dụng phương tiện loại AA và AB để vào thành phố, kết hợp loại BB, CC và đi bộ.

- Tăng giá vé gửi xe và trông giữ xe tháng nội thành lên mức rất cao, không áp dụng giá vé đồng hạng toàn thành phố cho mỗi loại phương tiện; Căn cứ nhu cầu hạn chế phương tiện cá nhân của mỗi khu vực để định giá vé.

- Tiến tới áp dụng thu phí lưu hành phương tiện nội thành bằng biện pháp kỹ thuật cao (thẻ tính giờ) đối với ô tô, theo định hướng khuyến khích đã ra thì chậm vào, đã vào thì nhanh ra.

- Thiết lập các khu vực đi bộ rộng dần và nhiều dần, chỉ cho phép xe loại BB được hoạt động với tốc độ và ký hiệu riêng đủ sức cảnh báo cho người đi bộ. Khi khu vực đi bộ đủ rộng có thể tổ chức thêm xe điện bánh hơi chạy theo tuyến trong lòng khu vực đi bộ phục vụ cư dân và du khách – Loại CC. Chỉ cho phép xe đạp hoặc xe đạp điện loại nhỏ lưu thông.

- Toàn bộ mọi tuyến loại B, C (lớn hơn ngõ) có đủ điều kiện đều lưu thông xe cơ giới một chiều.

- Mọi loại xe phục vụ các hoạt động kinh doanh sản xuất đều phải lưu thông vào ban đêm (từ 20 giờ hoặc muộn hơn tùy đối với loại xe, đến 6 giờ sáng hôm sau).

- Di chuyển các bến xe khách liên tỉnh ra xa (bến Giáp Bát, bến Nước Ngầm, bến Phạm Hùng, bến Lương Yên…), nghiêm cấm xe khách liên tỉnh vào hoặc chạy cắt ngang nội đô. 

- Xe buýt chở khách du lịch chỉ được di chuyển ngoài giờ cao điểm.

Bước 4: Hạn chế và tiến tới cấm dần xe máy trong nội đô.

Khuyến khích nhân dân lưu thông chính bằng đi bộ, xe đạp, dùng phương tiện công cộng AA, AB, BB. Các biện pháp triển khai dần như sau: Nếu áp dụng tốt các biện pháp 1 và 2 thực tế đã đưa đẩy đến việc tự nguyện hạn chế sử dụng xe cá nhân, tuy nhiên cần bổ sung các biện pháp sau:

- Hạn chế xử dụng xe máy lưu thông liên quận, mỗi quận biển số xe có một màu riêng, xe máy chỉ được lưu thông trong quận nơi cư trú (đăng ký xe máy) và sang quận tiếp giáp. Không cho phép sang quận cách một quận khác.

- Xe máy phục vụ kinh doanh như đưa hàng, xe ôm…phải đăng ký và có ký hiệu riêng để nhận biết. Xe máy đưa hàng vào nội đô đều phải thực hiện vào ban đêm.

- Cấm các cơ sở buôn bán, sửa chữa xe máy trong nội thành.

- Bố trí các địa điểm trông xe ở khu vực thoáng ít ảnh hưởng đến giao thông chung. Cấm dựng đỗ xe máy trên đường, vỉa hè, khu vực công cộng (không có ngoại lệ).
Mọi ý kiến đóng góp của độc giả xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.
Trần Quang Bình