Dự kiến thông qua 13 luật tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

20/05/2017 07:14
Trinh Phúc
(GDVN) - Tại kỳ họp đầu năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật và bên cạnh đó tập trung xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV được công bố tại cuộc họp báo vào 19/5 do ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/5/2017 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày (không kể ngày nghỉ) và Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21/6/2017.

Theo thông lệ, tại kỳ họp đầu năm Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (người ở giữa) chủ trì cuộc họp báo (ảnh nguồn quochoi.vn).
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (người ở giữa) chủ trì cuộc họp báo (ảnh nguồn quochoi.vn).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi);

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi);

Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự;

Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018;

Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào;

Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Dự kiến thông qua 13 luật tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV ảnh 2Báo chí viết phản ánh cát tặc mười bài mà Chủ tịch tỉnh không nói gì!

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi);

Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Tại kỳ họp lần này, nhằm góp phần thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác về các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức và vận hành Trung tâm Báo chí Kỳ họp (tầng B1, Nhà Quốc hội) và bố trí Phòng phỏng vấn (tầng 3, Nhà Quốc hội).

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội sẽ bố trí 12 phiên họp toàn thể tại hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Kênh thời sự (VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội và Hệ thời sự - Chính trị- Tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Dự kiến thông qua 13 luật tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV ảnh 3Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bất ngờ khi ông Vũ Tiến Lộc "có ý kiến ngược"

Theo dự kiến nội dung kỳ họp được công bố tại cuộc họp báo lần này cho thấy, có các điểm mới của các dự thảo luật lần này trình Quốc hội như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là Luật được thiết kế theo luật khung, đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, bỏ các quy định liên quan có thể dẫn tới mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác.

Vì vậy, dự thảo Luật trình trình Quốc hội thông qua lần này đã rút gọn chỉ còn 4 chương, 36 điều (giảm 3 chương và 9 điều so với dự thảo đã được cho ý kiến.

Về Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 136 điều.

Nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ, đầy đủ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bổ sung nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội;

Hay như Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gồm 9 chương, 79 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án;

Thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường;

Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm: về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, gồm phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính;

Về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước; về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; về lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường;

Về bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Trinh Phúc