Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Dù Trung Quốc có gây hấn, hiếu chiến, Việt Nam vẫn phải tỏ thiện chí"

16/08/2012 07:03
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Nếu Trung Quốc bị cô lập thì Mỹ sẽ độc quyền tại khu vực. Trong khi đó các nước Đông Nam Á không tán thành cách hành xử của Trung Quốc nhưng cũng rất ngại tình trạng Mỹ độc quyền tại khu vực này”.
Tiếp tục cuộc trao đổi đầy lý thú, ông Phạm Nguyên Long - nguyên là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đưa ra nhiều kiến giải về sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ tại Đông Nam, Á, thế cờ Trung - Mỹ tại khu vực.

Trung Quốc đang bị Mỹ phong tỏa
Trung Quốc đang bị Mỹ phong tỏa

Trung Quốc đang bị Mỹ cô lập

PV: Thưa ông, tình hình hiện nay tại khu vực Biển Đông sau những gây hấn của Trung Quốc và tuyên bố “quay trở lại” của Mỹ có những sự thay đổi cơ bản như thế nào so với trước đây?

Ông Phạm Nguyên Long: Với tình thế như hiện nay, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng đã có sự hiện diện các nước lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ. Tất cả các nước này đều có bất đồng, mâu thuẫn và lợi ích đan xen nhau. Vì thế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không thể chỉ còn có một “cường quốc” duy nhất độc chiếm mà sẽ đi tới một sự cân bằng về lực lượng. 

PV: Trong tình hình đó, cách ứng xử khôn ngoan của Việt Nam là gì, thưa ông?

Ông Phạm Nguyên Long: Dù Trung Quốc bị thế giới lên án, thậm chí như học giả Lý Lệnh Hoa (Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc) đã viết: “Trung Quốc có nguy cơ trở thành kẻ thù chung của thế giới”, tỏ ra hiếu chiến và có những hành động gây hấn gây ra căng thẳng leo thang trên Biển Đông thì chúng ta vẫn thể hiện thiện chí với Trung Quốc vì chúng ta muốn hòa bình, hợp tác để cùng phát triển. Chúng ta không muốn Trung Quốc bị cô lập vì nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam luôn là bạn bè thân tình.

Nếu Trung Quốc bị cô lập thì Mỹ sẽ độc quyền tại khu vực
Nếu Trung Quốc bị cô lập thì Mỹ sẽ độc quyền tại khu vực

Nếu Trung Quốc bị cô lập thì Mỹ sẽ độc quyền tại khu vực. Trong khi đó các nước Đông Nam Á không tán thành cách hành xử của Trung Quốc nhưng cũng rất ngại tình trạng Mỹ độc quyền tại khu vực này. Điều này xuất phát từ tình thế hiện nay, Đông Nam Á đang có rất nhiều lợi thế do vị trí địa chính trị của mình mà các nước lớn đều muốn hợp tác về nhiều mặt, bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa và cả an ninh. 

Đây là thời cơ rất thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức cho Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung trên đường phát triển của mình. Vì các quốc gia Đông Nam Á phải có đối sách tổng thể với các nước lớn, cũng như thông minh, tỉnh táo để đoàn kết khu vực nhằm “giữ gìn” cho được sự cân bằng lợi ích của các nước lớn tại đây. 

Sự chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ thực chất là gì?
PV: Xin ông có thể nói rõ hơn về “sự quay lại và ở lại” của Mỹ tại khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung?

Ông Phạm Nguyên Long: Trong vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ có nói: “Chúng tôi sẽ quay lại và ở lại”. Thực tế, không phải là Mỹ quay trở lại như Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton nói. Mỹ có vùng lãnh thổ trải dài từ Alaska cho đến Hawai và Guam tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các đối tác chiến lược, đồng minh của Mỹ vẫn còn đó thì sao lại bảo là Mỹ đã đi khỏi khu vực và bây giờ quay trở lại.

Mỹ quay trở lại khu vực Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng chẳng qua là một cách nói rất khôn ngoan đầy ẩn ý của ngoại trưởng Mỹ - một người rất am hiểu về lịch sử.

Từ sau chiến tranh lạnh, một loạt các tổ chức liên minh quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã giải thể. Giờ đây với Tổng thống Obama, ông thực hiện phương châm đa số, đa phương và linh hoạt.

Mỹ không phải “bao cấp” cho các nước ở khu vực như trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Do đó các nước ở khu vực phải tự “trang bị” cho mình để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của mình. Mỹ chỉ giữ vai trò hỗ trợ và tìm phương sách “cân bằng” lực lượng tại Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

PV: Mỹ đã tỏ ra khôn ngoan như thế nào trong tình thế Trung Quốc bị các nước trên thế giới e ngại và dè chừng?

Ông Phạm Nguyên Long: Như trên đã nói, Mỹ không chịu trách nhiệm “bao cấp” như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các nước một khi thấy rõ sự “uy hiếp” của Trung Quốc, họ phải chạy đua vũ trang để phòng vệ. 

Và vì vậy, trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc phải chạy đua vũ trang với cả chục nước trong khu vực và trên thế giới. Mỹ không chủ động gây căng thẳng, không hề muốn gây căng thẳng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

Mỹ chỉ lên án sự gây hấn của Trung Quốc và tới một lúc nào đó sự gây hấn này ngày càng diễn ra với nhiều nước ở khu vực thì cũng là lúc Trung Quốc bị căng ra trên nhiều mặt trận. Đây cũng chính là lúc Trung Quốc bị xa lánh và mặt khác Trung Quốc có thể hy sinh phát triển kinh tế cho chạy đua vũ trang và gây hấn với nhiều nước không? Và điều đó là vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Đó là một chiến lược rất khôn ngoan của Mỹ: mất ít tiền mà vẫn đạt hiệu quả, vẫn có uy.

PV: Thưa ông, hướng đi nào tới cho khu vực Biển Đông và những tranh chấp về chủ quyền tại khu vực này khi Mỹ tuyên bố “quay trở lại”?

Ông Phạm Nguyên Long: Trong thời gian tới, tình hình tại Biển Đông vẫn sẽ ở trong tình trạng lúc dịu, lúc căng thẳng. Và có nghĩa là chúng ta cũng chưa thể đòi lại quần đảo Hoàng Sa và một số đảo tại Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm đóng ngay được trong tình hình hiện nay.

Ngay cả khi COC có hiệu lực thì chỉ ngăn chặn được những hành động ngang ngược của Trung Quốc mà không thể giải quyết vấn đề chủ quyền tại 2 quần đảo này. Mỹ đã tuyên bố sẽ không tham gia vào vấn đề chủ quyền và tranh chấp lãnh hải. Mỹ dung dưỡng những tranh chấp này để duy trì ảnh hưởng tại đây. Mỹ chỉ lên án về vấn đề tự do hàng hải và tính pháp lý không đúng tại khu vực Biển Đông. 

Giải quyết vấn đề bản đồ giả từ Trung Quốc như thế nào?
PV: Những ngày vừa qua, sau khi Việt Nam công bố về những tấm bản đồ Trung Quốc không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và dù đang có xu hướng bị Mỹ phong tỏa nhưng Trung Quốc vẫn cho sản xuất bản đồ giả, sai sự thật. Rồi những bản đồ này được tuồn vào Việt Nam. Điều đó nói lên rằng Trung Quốc vẫn nhất quyết độc chiếm Biển Đông dù uy tín quốc gia đang bị hạ thấp. Việt Nam nên xử lý như thế nào?

Ông Phạm Nguyên Long: Chúng ta tuyên bố là không những phải tuyên truyền cho nhân dân Việt Nam biết những bản đồ về sự thật lãnh thổ Trung Quốc trong lịch sử mà còn phải cho nhân dân Trung Quốc biết điều này. Để đáp lại hành động này của Việt Nam, Trung Quốc cũng đưa ra những bản đồ sai sự thật và tuồn sang Việt Nam trước cả khi Việt Nam cho người dân Trung Quốc biết.

Đó là những thủ đoạn đầy tính mưu lược của Trung Quốc. Nhưng điều đó chẳng là cái gì cả. Tuy nhiên, chúng ta có điểm chưa “tinh” vì chúng ta nhẽ ra phải phổ biến tới nhân dân ta bản đồ của Trung Quốc (năm 1904) không có Hoàng Sa và Trường Sa từ đó có rất nhiều cách hành xử để cho nhân dân Trung Quốc biết.  

Vì vậy trước hết chúng ta phải cho in ra nhiều bản để phổ biến trong nhân dân trước hết là tới các bản làng biên giới. Khi làm như vậy, tất nhiên những chiếc bản đồ đó sẽ đến với người Trung Quốc. Hiện này có rất nhiều Hoa kiều đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Hoặc là ta in bản đồ Trung Quốc (năm 1904) vào những ấn phẩm được lưu hành trong các buổi hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm cho các học giả thế giới và học giả Trung Quốc biết được tấm bản đồ này… Tóm lại, chúng ta có rất nhiều cách để tuyên truyền những bản đồ đó đến với người dân Trung Quốc…
Xin chân thành cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!


Mỹ cảnh báo Trung Quốc “chia rẽ và chế ngự” về Biển Đông

Ngày 14/8, theo bà Victoria Nuland - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ đang hối thúc các nước ASEAN và Trung Quốc tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Bà ủng hộ các nỗ lực ngoại giao song phương giúp tiến tới một thỏa thuận đa phương, song theo bà, "nỗ lực nhằm chia rẽ và chế ngự rồi kết thúc trong một tình thế còn cạnh tranh giữa các nước cùng đòi chủ quyền sẽ không giúp giải quyết vấn đề."
 
Trung Quốc từ lâu muốn giải quyết song phương, thay vì đa phương, các bất đồng với các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, mặc dù trong chặng dừng chân ở Indonesia trước khi tới thăm Malaysia và Brunei, ông Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng làm việc "trên cơ sở đồng thuận" hướng tới COC.

(Theo TTXVN)

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang