"Em Bùi Kiều Nhi không sai khi không ghi án tích của bố trong lý lịch"

17/09/2015 12:34
XUÂN QUANG
(GDVN) - Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, thí sinh Bùi Kiều Nhi đã không làm sai khi không ghi án tích của bố trong lý lịch. Việc này, Bộ Tư pháp cần lên tiếng.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thông tin thí sinh Bùi Kiều Nhi (SN 1997, trú tại thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), thi được 27,5 điểm nhưng trượt Đại học vì không biết bố từng có tiền án.

Dù đạt được số điểm gần tuyệt đối, em Bùi Kiều Nhi vẫn bị trượt Đại học ( Ảnh: Hoàng Hà)
Dù đạt được số điểm gần tuyệt đối, em Bùi Kiều Nhi vẫn bị trượt Đại học ( Ảnh: Hoàng Hà)

Hôm 16/9, Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Trần Vũ Hải - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội cho biết, thí sinh Bùi Kiều Nhi đã không làm sai khi không ghi án tích của bố trong lý lịch. Việc này, Bộ Tư pháp cần lên tiếng.

"Theo Công an Huyện Tuyên Hoá, bố em Nhi bị án tù treo vào năm 1992 về tội chống người thi hành công vụ. Ông đã mất năm 2013. Còn mẹ em khẳng định không biết bố có án tù treo, đương nhiên em Nhi cũng không biết án tích này của bố.

Như vậy, em Nhi không thể bị quy khai không trung thực (cố ý khai sai). Mặt khác theo Bộ luật hình sự 1985 (sửa đổi 1989, 1991), áp dụng vào thời điểm 1992, có các quy định tại điều 52, 53 về xóa án tích.

Theo đó, người được xóa án coi như chưa can án (coi như chưa phạm vào tội và bị kết án - PV) và trường hợp đương nhiên được xóa án là “người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách”

Như vậy sau khi hết thời gian thử thách (có khả năng vào 1994 nếu thử thách 2 năm), bố em Nhi đương nhiên được xoá án, coi như chưa can án (nếu không phạm tội khác trong thời gian này, trường hợp này bị loại trừ).

Theo luật như vậy, em Nhi không được phép ghi án tích trong lý lịch. Nếu em ghi (mà không được bố em đồng ý) án tích mới là trái Bộ luật hình sự 1985 (cũng như Bộ luật hình sự 1999 sau này).

Vì vậy không có lý do gì ngành công an lại không nhận em vào trường đại học của ngành", luật sư Trần Vũ Hải phân tích. 

Cũng theo luật sư Trần Vũ Hải: "Để khách quan, theo tôi Bộ Công an cần tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp trong vấn đề này. Cả trong trường hợp không được mời tham khảo, Bộ Tư pháp vẫn cần lên tiếng".

XUÂN QUANG