'EVN cần xem lại chi phí lương khi tăng giá điện'

21/12/2011 15:50
Hoàng Lan/VNE
Nhiều bạn đọc cho rằng, việc tăng giá điện bất ngờ, áp dụng khẩn cấp vào những ngày cuối năm có biểu hiện không minh bạch.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng không đồng tình việc EVN luôn kêu lỗ nhưng lương cán bộ lại ở mức rất cao.

Bạn đọc Kiều Hưng tỏ ra ngạc nhiên khi EVN bất ngờ tuyên bố tăng giá điện vào cuối năm, thời điểm Chính phủ đang cố gắng kiềm chế lạm phát. Hưng cho rằng, tăng giá, dù chỉ 5% ở thời điểm giáp Tết sẽ làm không ít mặt hàng tiêu dùng như xăng dầu, gas, và nhiều mặt hàng thực phẩm "tát nước theo mưa" và thị trường sẽ thêm bất ổn. "Sắp Tết, đại bộ phận người dân đang chật vật chống lạm phát. Vì sao Bộ Công Thương lại đồng ý để cho EVN tăng giá?", Kiều Hưng đặt câu hỏi.

Nhiều độc giả khác cho rằng, trước khi đưa ra quyết định ảnh hưởng đến cả đất nước, nhà đèn cần đăng công báo hoặc phát biểu rộng rãi trước 3 tháng để người dân chuẩn bị tâm lý. Việc bất ngờ tăng giá rồi áp dụng khẩn cấp là không minh bạch. "Vì sao EVN không tăng giá điện từ đầu năm 2012. Mốc 20/12 rất lửng lơ và nhà đèn dựa vào đâu để xác định lượng điện dùng trước đó", một bạn đọc thắc mắc.

Ảnh: Hoàng Hà
Lương công ty mẹ EVN năm 2010 lên tới hơn 13 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Hà

Phần đông bạn đọc đều không hài lòng trước quyết định đường đột tăng giá của EVN. Theo bạn đọc Trần Nguyên, việc tăng giá điện sẽ tác động mạnh lên những người phải sống trọ, nhất là học sinh, sinh viên, những người làm thuê, vốn có cuộc sống rất khó khăn. "Dù là điện hay giá nước tăng, cuối cùng cũng chỉ là sinh viên, những người làm thuê lương èo uột khổ nhất", bạn đọc Trần Nguyên than.

Độc giả có nickname newbie còn nhẩm tính, với dân số 80 triệu người, chỉ cần tăng 62 đồng thì chỉ cần một người sử dụng 1kWh điện, giá tiền nhà đèn thu được sẽ lên tới gần 5 tỷ đồng.

Theo quyết định 24 của Thủ tướng, thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng. Từ 1/6, nếu chi phí đầu vào tăng 5%, EVN được điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng, sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Nếu chi phí tăng trên 5%, EVN cần báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định. Một số độc giả cho rằng EVN đã rất "khôn ngoan" khi chỉ đưa ra mức tăng 5% để tránh sự can thiệp của nhiều bộ ngành, bởi chỉ cần thông báo các đơn vị chức năng chứ không phải trình Chính phủ duyệt. Bạn đọc Anh Tuấn tính toán, 3 tháng được tăng giá điện một lần tương đương với việc mỗi năm, EVN được tăng 4 lần, và với mỗi lần tăng 5% mỗi lần, thì con số tăng sẽ lên tới 20%.

Ngoài chuyện tăng giá điện, nhiều bạn đọc còn bức xúc vì EVN dù kêu lỗ nặng nhưng lại đầu tư ra ngoài ngành tràn lan. Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Còn lại là vào các công ty liên doanh, liên kết và một số khoản đầu tư dài hạn khác. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về khoảng 540 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ hơn 1%. "EVN phải xem lại hiệu quả kinh doanh", bạn đọc Xuân Thu khẳng định.

Sau tuyên bố gây sốc của EVN về mức lương 7,3 triệu đồng vào thời điểm năm 2009, nhiều bạn đọc lại choáng váng khi biết con số này ở công ty mẹ EVN vào một năm sau đã lên tới 13,7 triệu đồng, riêng cán bộ văn phòng có thể lên tới gần 30 triệu một tháng. Bạn đọc Đào Vũ Long đặt nghi vấn: "EVN lúc nào cũng kêu lỗ trong khi lương trả cho nhân viên lại quá cao? Rốt cuộc ai là người phải gánh nếu không phải là người dân".

Cũng có một số bạn đọc thông cảm với ngành điện trước việc tăng giá, đầu tư ngoài ngành. Dù vậy, số đông cho rằng, EVN cần công khai minh bạch cách tính các khoản lỗ cũng như hoạt động kinh doanh ngành điện cho toàn dân. "Vấn đề không phải là ở chỗ tăng giá điện hay không, nhà đèn cần tính toán chi phí sản xuất điện như thế nào. Tại sao ngành điện cứ kêu lỗ, mà lương trả cho cán bộ ngành điện lại cao ngất ngưởng", bạn đọc Vũ Thanh Tùng nhấn mạnh.

"Nguyện vọng của dân là rõ ràng minh bạch, không thể chấp nhận bản thân EVN đầu tư dàn trải kém hiệu quả rồi lại đòi tăng giá", bạn đọc Tuấn Anh bức xúc.

Bạn đọc Lê Văn Khuê đề nghị liên Bộ Tài chính, Công thương và Lao đông thương binh xã hội cần xem lại lương của EVN. Bạn đọc này phân tích, việc tăng giá điện để bù đắp một phần bù giá từ Ngân sách Nhà nước, từng bước thị trường hóa giá điện theo cơ chế thị trường là việc làm đúng. Tuy nhiên, cần xem lại những vấn đề về tiền lương gần 30 triệu đồng một tháng trong khi tập đoàn này lỗ gần chục nghìn tỷ đồng.

Theo bạn đọc Lê Văn Khuê, trong các khoản chi phí hình thành nên giá điện có khoản chi phí tiền lương quá cao như trên là bất hợp lý. "Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động thương binh xã hội và các Bộ ngành liên quan cần thiết xem xét lại cơ chế tiền lương của ngành điện. Làm sao đó để có sự hài hòa giữa thu nhập của cán bộ nhân viên ngành điện và khách hàng là những người sử dụng điện", bạn đọc này chia sẻ.

Trước phản hồi của độc giả, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Đinh Quang Tri cho biết, ông luôn lắng nghe ý kiến của độc giả và sẵn sàng chất vấn, đối thoại với người dân. Ông Tri cho biết, thực tế, khi tăng giá điện 5%, EVN chỉ thu được khoảng 6.000 tỷ đồng, và chưa đủ bù lỗ. "Tất cả các ý kiến thắc mắc của độc giả, chúng tôi sẵn sàng trả lời trong buổi trực tuyến vào chiều ngày 22/12 tới", ông Tri thẳng thắn.

Hoàng Lan/VNE