Giáo sư Nguyễn Anh Trí lý giải về những kẻ đạo đức kém vẫn “chui sâu, leo cao”

03/01/2021 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Quy trình tuyển mộ cán bộ phải bình đẳng để thực sự chọn được người tài, có tâm, có đức", Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (25/1-2/2/2021), điều mà nhân dân đang mong chờ là lựa chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài, có khả năng lãnh đạo đất nước phát triển; đồng thời Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, làm trong sạch hệ thống chính trị, phát huy thành quả của Đại hội XII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Kế thừa, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, tạo nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt.

Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.

Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố, tăng cường”.

Có thể thấy rằng, song song với công tác cán bộ, Đảng luôn chú trọng tới nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương tới địa phương, và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Quy trình tuyển mộ cán bộ phải bình đẳng để thực sự chọn được người tài, có tâm, có đức. Ảnh: GDVN.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Quy trình tuyển mộ cán bộ phải bình đẳng để thực sự chọn được người tài, có tâm, có đức. Ảnh: GDVN.

Giáo sư có đánh giá gì về công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Chúng ta thấy rất rõ 10 năm trở lại đây nhưng đặc biệt trong 5 năm vừa qua, công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta đạt được những thành tựu rất to lớn. Thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, công tác phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, phòng chống tham nhũng không chỉ “từ vai trở xuống, mà từ đầu”, mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh.

Thứ hai, công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, có lý, có tình, rất đúng mực, có cơ sở pháp lý và có trách nhiệm của Đảng viên, nhất là những điều được quy định trong Điều lệ Đảng.

Thứ ba, công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta trong 5 năm vừa qua làm liên tục, bài bản, chứ không phải là vài ba vụ việc đơn lẻ. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự, trong số này có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang, các vi phạm phần lớn là thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Việc xử lý đối với những vi phạm rất nghiêm khắc, do đó nhân dân rất tin tưởng đường lối của Đảng, tạo tiền đề cho những thành công tiếp theo lớn hơn, bền vừng hơn.

Tôi có thể lấy một dẫn chứng rõ ràng nhất là phòng chống dịch Covid 19 vừa qua, chúng ta là một trong những quốc gia thành công nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Nguyên nhân rất cơ bản là sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào Đảng. Chúng ta đoàn kết được, thống nhất được thì mới có thành công.

Tôi cho đó là lý do hàng đầu, lý do Đảng nói, dân tin. Người dân tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối, làm theo những mệnh lệnh, yêu cầu, chỉ thị của Chính phủ.

Công tác tuyển chọn, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ đã có đầy đủ quy trình, vậy theo Giáo sư thì tại sao vẫn để lọt lưới một số cán bộ ở cấp cao mắc sai phạm suốt một thời gian dài mới phát hiện ra?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Đó là một thực tế rất đau lòng mặc dù chúng ta biết công tác tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện cán bộ được thực hiện theo các quy trình rất chặt chẽ.

Quy trình thì chặt chẽ nhưng tại sao vẫn để để lọt lưới nhiều cán bộ Đảng viên mắc sai phạm từ cấp địa phương tới Trung ương, thậm chí trong số đó có cả tướng lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, cá biệt có cả những người đã là Ủy viên Bộ Chính trị… mắc sai phạm tới mức phải kỷ luật? Điều này chứng tỏ đã có khâu nào đó trong quy trình diễn ra chưa ổn và như thế là nghiêm trọng.

Quy trình đưa ra rất chặt chẽ thế nhưng tỉ lệ cán bộ sai phạm quá lớn về vi phạm tham nhũng. Điều này chứng tỏ các khâu trong quy trình kiểm soát quyền lực chưa thật sự ổn, như thế nhân dân, cử tri sẽ có ý kiến, cần phải xem lại quy trình tuyển chọn cán bộ của chúng ta.

Đây là một thực tế rất đau lòng nhưng đó cũng là câu hỏi lớn của nhân dân, của cử tri đặt ra câu hỏi cho Đảng rất cần thiết và xem lại để ngăn chặn những nguy cơ khác.

Theo quan điểm của Giáo sư, tại Đại hội XIII cần làm gì để cải thiện được tình hình này?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Để tìm được những cán bộ, Đảng viên có đạo đức, có tài năng, có tầm nhìn để đứng ở các cương vị lãnh đạo ở cấp bộ Đảng chính quyền khác nhau thì rõ ràng cần phải có nhiều giải pháp.

Quy trình hiện nay của chúng ta đã đầy đủ và cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc và ngày càng đổi mới để loại bỏ thiếu sót, tùy thuộc vào từng giai đoạn như tuyển chọn, bồi dưỡng, huấn luyện, thăm dò… nhưng theo quan điểm của tôi cần chú ý mấy điểm sau:

Thứ nhất, quy trình tuyển mộ cán bộ phải bình đẳng để thực sự chọn được người tài, thực sự người có tâm, có đức, không kể con ai, cháu ai, không kể xuất thân giai cấp nào. Nhân tài có thể từ nông dân, công nhân, cũng có thể từ hoạt động thương nhân đi lên và đều phải được tôn trọng như nhau.

Đặc biệt, những trường hợp “con ông cháu cha” thường bị mọi người thường xoi mói, nhưng như thế theo tôi như vậy cũng không đúng vì có rất nhiều trường hợp có năng lực. Họ sinh ra và trưởng thành trong gia đình có nền tảng tốt, thụ hưởng đức tính tốt và trở thành những lãnh đạo tốt là điều dễ hiểu.

Vì vậy, tôi mới nhấn mạnh rằng công bằng thể hiện ở quá trình tuyển mộ phải bình đẳng, chứ không phải xuất thân từ đâu.

Thứ hai, quá trình tuyển chọn phải minh bạch, nhất là đối với những cán bộ được lựa chọn để đưa vào những vị trí lãnh đạo cấp cao thì càng phải minh bạch.

Nhân dân chính là gương phản ánh rõ nhất trong quá trình phấn đấu của một cán bộ. Chỉ có nhân dân mới nhìn được chân tơ, kẽ tóc của cán bộ.

Ngay trong một cơ quan, lãnh đạo là người như thế nào cấp dưới đều biết hết. Thế nhưng quá trình tuyển mộ không rõ ràng, những người có ý kiến thẳng thắn, không khôn khéo còn có thể bị trù dập. Đó là nguyên do, dù biết lãnh đạo không tốt nhưng vẫn “im lặng” để “leo cao, chui sâu” vào các vị trí chủ chốt.

Chỉ có nhân dân, tập thể mới tiếp xúc trực tiếp, nhìn nhận thấu đáo đức tính một con người và sau này chính người đó rồi có thể trở thành lãnh đạo của đơn vị đó, thậm chí lãnh đạo mức cao hơn như cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trung ương.

Tập thể có thể biết ông cán bộ đó có bao nhiêu nhà, bao nhiêu xe, bao nhiêu của cải, có tình cách, đức độ như thế nào, nhưng sự minh bạch chưa đạt đến độ cho người dân thẳng thắn đưa ra vấn đề đó.

Chúng ta đã thực sự minh bạch, dựa vào dân để tìm ra cán bộ tốt, cán bộ chủ chốt chưa? Hay chúng ta hầu như dựa vào lý lịch, dựa vào quá trình đào tạo, huấn luyện nhiều quá mà quên mất dựa vào nhân dân để tìm ra cán bộ?

Quy hoạch thì tốt nhưng không nên quá cứng nhắc. Thực tế, có những người chưa được quy hoạch nhưng sau đó người đó lại rất tốt, rất xứng đáng, có nhiều cống hiến cho đất nước. Nếu chỉ bó chặt vào số được quy hoạch thì liệu có thể bỏ lọt người tài đức không? Do đó, quy hoạch cần phải nghiêm, chuẩn, nhưng cũng phải linh hoạt, phải tích cực tìm ra người tài giỏi và có năng lực.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Cao Kim Anh