Giật mình: Ở Hà Nội vẫn có nơi người dân không có nước 'bẩn' để dùng?

19/04/2012 07:39
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết: Hầu hết các nhà đều trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhà nào trong xã đào được giếng có ít nước 'bẩn' giống như là vớ được vàng...?
Thiếu nước trầm trọng
Từ nhiều năm trở lại đây người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội phải sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cả xã Chàng Sơn hiện nay có hơn 9000 nhân khẩu (nếu tính cả những người tại địa phương khác đến làm ăn là hơn 10.000 người) trong đó 2/3 số nhân khẩu này không được đáp ứng đủ nước sạch. 

Ông Nguyễn Kim Toàn, PCT xã Chàng Sơn trao đổi với phóng viên
Ông Nguyễn Kim Toàn, PCT xã Chàng Sơn trao đổi với phóng viên

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Kim Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết, nguồn nước ngầm của xã bắt đầu cạn kiệt cách đây khoảng 10 năm. Những năm trước đây, do không có nước sinh hoạt nên người dân đổ xô đi đào giếng để lấy nước.
Tuy nhiên nhiều gia đình bỏ ra hàng chục triệu đồng, khoan sâu tới cả trăm mét nhưng vẫn không có một giọt nước nào. Cả xã Chàng Sơn hiện nay có hơn 1000 cái giếng nhưng số những giếng có nước chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên những chiếc giếng có nước đếm trên đầu ngón tay này cũng không phải quanh năm có nước mà chỉ có trong một thời gian mùa mưa nhất định. Hàng ngày người dân xã Chàng Sơn phải xếp hàng mua nước từ các xe tải của một số người dân nơi khác mang nước đến bán.

Mỗi chiếc xe nước 4 khối được bán với giá 220.000đ. Tuy nhiên những chiếc xe nước này không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số gia đình có được những chiếc giếng có nước không sử dụng hết lại bán cho các hộ dân xung quanh với giá 100.000đ/m3.

Những chiếc xe đẩy nước là hình ảnh thường thấy tại mỗi gia đình ở Chàng Sơn
Những chiếc xe đẩy nước là hình ảnh thường thấy tại mỗi gia đình ở Chàng Sơn

“Mỗi hộ gia đình chỉ cần có từ 4 đến 5 người mỗi tháng phải bỏ ra từ 500 đến 600 nghìn đồng tiền mua nước để sinh hoạt. Trong khi đó rất nhiều người làm nghề thủ công thu nhập chỉ vài chục nghìn đồng/ngày. Để tiết kiệm tiền, người dân ở đây phải sử dụng nước một cách hết sức tiết kiệm. Mỗi thùng nước sau khi đã sử dụng vào việc này sẽ được giữ lại để sử dụng vào việc khác. Chính vì vậy nhiều người dân ở đây đã mắc một số bệnh liên quan đến thiếu nước”, ông Toàn nói.

Đào được giếng có nước 'bẩn' như vớ được vàng?

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bà Bùi Thị Thơm, trú tại thôn 1 xã Chàng Sơn cho biết, hàng ngày gia đình bà phải mua nước giếng khoan từ gia đình bên cạnh, sau đó đầu tư bộ lọc nước với giá hơn 3 triệu đồng để lọc lại rồi bán cho người dân.

Một khối nước giếng chưa lọc được bà mua với giá khoảng 70 nghìn đồng, sau đó bán lại 100.000đ khi đã thông qua hệ thống lọc. “Nước giếng của những gia đình ở đây khi bơm lên có mùi tanh, để một lúc thì lắng cạn và có màu đỏ. Những đồ dùng bằng kim loại dùng loại nước này chỉ một thời gian ngắn là hỏng”, bà Thơm nói.

Nước giếng khoan sau khi được lọc qua hệ thống thô sơ này được bán với giá 100 nghìn đồng/m3
Nước giếng khoan sau khi được lọc qua hệ thống thô sơ này được bán với giá 100 nghìn đồng/m3

Ông Phí Đức Thụ cũng trú tại thôn 1 cho biết: “Mới đây nhất có gia đình trong xã bỏ ra tới hơn 20 triệu đồng khoan giếng sâu tới 70 mét mà vẫn không có nước để dùng. Nhiều người dân chỉ mong muốn đào được một cái giếng có ít nước 'bẩn' cũng được. Vì dù sao có được ít nước bẩn thì người dân có thể mua các thiết bị để lọc lại rồi dùng, nhưng khổ nỗi đến nước bẩn mà cũng chẳng có để mà dùng”.
Ông Thụ cũng cho biết thêm, một số gia đình ở gần đồng ruộng, không biết làm cách nào có nước để dùng liền mang máy bơm, bơm nước từ ngoài đồng vào bể nước của mình rồi lọc để sinh hoạt. 
Tuy nhiên có một thực tế hiện nay tại xã Chàng Sơn là do người dân thiếu nước đến mức, những người mang nước đến bán chỉ cần thấy nước trong không sủi tăm là người dân đã chen chúc nhau mua. Nguồn nước được bán cho người dân không được ai kiểm định xem có đảm bảo vệ sinh hay không. Kể cả những nguồn nước người dân lấy từ giếng trong xã cũng không được đánh giá chất lượng như thế nào.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn thừa nhận “Xã không thể kiểm định được chất lượng các loại nước của những người từ nơi khác đem đến bán cho người dân. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan cấp trên về tình trạng người dân ở đây thiếu nước nhưng đến nay vẫn không có kết quả gì. Đã có một số đoàn của các đơn vị đến đây khảo sát, đo đạc nhưng đến giờ vẫn không thấy gi”.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước tại đây, ông Toàn cho biết có thể là do Chàng Sơn là một xã cổ, mật độ dân số tính trên diện tích đất bình quân thấp nên những năm qua đã sử dụng nguồn nước ngầm một cách cạn kiệt. Hơn nữa toàn bộ địa bàn xã đã bị bên tông hóa nên khi có nước mưa, rất khó để ngấm xuống mạch nước ngầm.
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có những giải pháp thì người dân Chàng Sơn hàng ngày vẫn phải bỏ một số tiền không nhỏ cho việc có nước để sinh hoạt. Thế nhưng tiền thì bỏ ra mà không biết liệu nước mình dùng có đảm bảo vệ sinh hay không?

Điểm nóng
Hà Nội: Những con đường đầy bao cao su
Góc ảnh độc giả
Những kiểu ăn mặc lố lăng, phản cảm
Hình ảnh Chướng mắt ở cửa Phật
Những đám cưới khủng, đình đám
Bấm xem ảnh đẹp
Hình ảnh "cái bang" chỉ có ở VN
Bấm xem clip hot

Nguyễn Tiến