Giữ hàng có dấu hiệu lạm quyền, CA Đông Anh đổ lỗi do doanh nghiệp

13/05/2014 13:37
Ngọc Quang
(GDVN)- Đại diện Công an huyện Đông Anh đổ lỗi cho doanh nghiệp không phối hợp nên không thể kết luận được, và dẫn tới thiệt hại.
LTS: Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Hoàng Phương (Công ty Hoàng Phương) phản ánh Công an huyện Đông Anh tạm giữ hàng quá thời hạn quy định, gây thiệt hại hàng trăm triệu cho doanh nghiệp, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thế Thắng – Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã (Công an huyện Đông Anh, Hà Nội), cán bộ trực tiếp thực hiện kiểm tra tại Công ty Hoàng Phương. Ông Thắng cho rằng, thiệt hại là do doanh nghiệp không chịu phối hợp (?).
Đổ lỗi cho doanh nghiệp, né tránh trách nhiệm?
Ngày 17/01/2014, Đội công an phụ trách xã - Công an huyện Đông Anh kiểm tra hành chính đối với Công ty Hoàng Phương. Vậy nội dung của quyết định kiểm tra là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Thế Thắng: Công an huyện Đông Anh lập tổ công tác để kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường tại Công ty Hoàng Phương. Tổ công tác gồm có Đội công an phụ trách xã là đơn vị đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và Công an kinh tế do tôi là tổ trưởng. Quyết định kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường do đồng chí Lê Thanh Hùng – Phó trưởng Công an huyện ký theo ủy quyền của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Công an huyện Đông Anh.

Quá trình kiểm tra, chúng tôi phát hiện Công ty Hoàng Phương  sản xuất 4 loại nước giải khát nhưng không có cam kết bảo vệ môi trường. Công ty sử dụng cam kết bảo vệ môi trường được lập cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Phương từ năm 2008. Từ tháng 8/2010, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Phương chuyển thành Công ty TNHH, theo quy định thì phải lập lại cam kết bảo vệ môi trường và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Ông Đỗ Thế Thắng cho rằng sản phẩm bị tạm giữ được bảo quản tốt, dù bị ném xuống đất như thế này và để chung cùng các loại máy móc xăng dầu cũ?
Ông Đỗ Thế Thắng cho rằng sản phẩm bị tạm giữ được bảo quản tốt, dù bị ném xuống đất như thế này và để chung cùng các loại máy móc xăng dầu cũ?
Nội dung quyết định là kiểm tra việc thực hiện pháp luật về môi trường, vậy căn cứ vào đâu mà Công an Đông Anh lại thu giữ hàng hóa của Công ty Hoàng Phương? Công ty Hoàng Phương phản ánh, sau khi thu giữ hàng hóa xong không giao cho công ty: Quyết định kiểm tra, biên bản làm việc, biên bản xử lý vi phạm hành chính, quyết định thu giữ, biên bản thu giữ hàng hóa. Có việc này hay không, thưa ông?
Ông Đỗ Thế Thắng: Quá trình kiểm tra ngoài phát hiện vi phạm cam kết bảo vệ môi trường thì chúng tôi phát hiện vi phạm nhãn hàng hóa, theo quy định tại Nghị định 89 về nhãn hàng hóa, và bị xử phạt tại Nghị định 80 năm 2013, quy định xử phạt hành chính về nhãn hàng hóa và chất lượng hàng hóa.
Về thủ tục tạm giữ hàng hóa, khi phát hiện vi phạm thì chúng tôi lập biên bản vi

Ông Lê Cao Tân – Giám đốc Công ty Hoàng Phương:

Thứ nhất, Công an huyện Đông Anh cho rằng chúng tôi phải lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường là không đúng. Theo Nghị định 29/2011 của Chính phủ và Thông tư 26/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định, chúng tôi không phải lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường. Thực chất việc lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường không khó khăn gì với công ty, nhưng pháp luật quy định chúng tôi không cần phải làm lại, đó là ưu điểm trong giảm tải thủ tục hành chính.

Thứ hai, doanh nghiệp luôn chủ động nghiêm túc trong vấn đề bảo môi trường, 6 tháng doanh nghiệp lại thực hiện lấy mẫu giám định quan trắc môi trường một lần. Vào tháng 4 vừa qua, Trung tâm công nghệ môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học đã tiến hành lấy mẫu quan trắc môi trường, các chỉ tiêu của công ty đều đánp ứng đầy đủ.

Thứ ba, về việc lấy mẫu giám định sản phẩm, chúng tôi đề nghị dừng vì Công an huyện Đông Anh làm sai quy trình. Họ gọi đại diện công ty cử người đến cùng lấy mẫu trong kho tạm giữ để đưa đi giám định, trong khi theo quy định thì trước khi lấy mẫu phải có biên bản được lập.

Theo quy định, mẫu được chia làm 3: Một mẫu để tại công ty, một mẫu giao cho cơ quan Công an Đông Anh, một mẫu mang đi giám định. Tất cả các mẫu phải được niêm phong. Người đại diện lấy mẫu phải có chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền cấp, đúng theo Thông tư 14/2011 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, cách làm việc của Công an huyện Đông Anh quá tắc trách, chỉ lấy một mẫu duy nhất, nên công ty đã phản đối và yêu cầu dừng lấy mẫu. Còn nếu họ tự lấy mẫu đi giám định thì đó là việc riêng của họ, chúng tôi kiên quyết không chấp nhận, vì làm như vậy thì chính họ đã không tôn trọng pháp luật.

phạm hành chính báo cáo Phó trưởng Công an huyện ký quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính, lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm hành chính, kiểm đếm số lượng cụ thể, giao cho doanh nghiệp ký và giữ một bản, chúng tôi giữ một bản, sau đó mới vận chuyển hàng về kho tạm giữ.
Về ý kiến của doanh nghiệp không nhận được quyết định, trên biên bản đã thể hiện việc lập biên bản và giao cho những ai thì đã rất cụ thể. Vì lý do nào đó, doanh nghiệp làm thất lạc thì có văn bản đề nghị, chúng tôi sẽ cung cấp bản sao.
Về vi phạm nhãn hàng hóa, theo quy định tại Nghị định 89 các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa phải thể hiện trong đó có nội dung tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa theo đúng tên và địa chỉ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Nhãn theo đăng ký kinh doanh là Công ty TNHH Công Nghệ thực phẩm Hoàng Phương, địa chỉ “Thôn Đường Yên, Xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội”, còn trên 7 loại sản phẩm chúng tôi tạm giữ thì ghi tên “Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm HP Tech – địa chỉ KCN Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội”.
Quyết định là kiểm tra môi trường, nhưng ngay lập tức lại chuyển sang kiểm tra về nhãn hàng hóa sản phẩm và tạm giữ sản phẩm. Công ty Hoàng Phương khiếu nại, tổ công tác đã vượt quá phạm vi, đối tượng, nội dung của quyết định kiểm tra hành chính, vi phạm Thông tư số 56/2012 của Bộ Công An. Ông lý giải thế nào về điều này?
Ông Đỗ Thế Thắng: Theo quy định tại Nghị định 80 của Chính phủ ngày 19/7/2013, công chức, viên chức đang thi hành công vụ nếu phát hiện hành vi vi phạm nhãn hàng hóa thì phải lập biên bản hành chính và có thẩm quyền tạm giữ tang vật.
Vậy quyết định tạm giữ hàng hóa ngay trong đêm với Công ty Hoàng Phương do ai ký? Được ký và đóng dấu khi nào?
Ông Đỗ Thế Thắng: Quyết định tạm giữ do đồng chí Lê Thanh Hùng – Phó Trưởng Công an huyện Đông Anh ký ngày 17/01/2014, tại thời điểm kiểm tra.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC): Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử lý hành chính tối đa không quá 60 ngày. Sự việc Công an huyện Đông Anh tạm giữ hàng hóa của Công ty Hoàng Phương đến nay đã quá 90 ngày mà chưa đưa ra biện pháp xử lý gì. Công an Đông Anh làm như vậy có trái quy định của luật XLVPHC không?
Ông Đỗ Thế Thắng: Chúng tôi kiểm tra tạm giữ vào ngày 17/01/2014, trong biên bản cũng đã thông báo ngày 20/01/2014 lấy mẫu để gửi giám định. Kết quả giám định hiện nay chưa có, vì giám định rất nhiều tiêu chí, trong đó: Có vi sinh vật gây hại không? Có độc chất không? Có đảm bảo chất lượng theo công bố không?
Xin ông trả lời cụ thể vào câu hỏi, việc Công an huyện Đông Anh tạm giữ hàng hóa đã quá 90 ngày có vi phạm quy định XLVPHC?
Ông Đỗ Thế Thắng: Thứ nhất là doanh nghiệp đề nghị lùi thời hạn giám định. Thứ hai là doanh nghiệp không hợp tác, không cung cấp bản công bố chất lượng thì chúng tôi không thể kết luận.
Giữ hàng của doanh nghiệp trong kho của cây xăng
Khối lượng hàng hóa của Công ty Hoàng Phương bị tạm giữ rất lớn, liệu Công an Đông Anh có đảm bảo việc quản lý, bảo quản hàng hóa đó đúng quy định của nhà sản xuất?
Ông Đỗ Thế Thắng: Chúng tôi phải thuê một kho riêng của một doanh nghiệp bảo quản hàng hóa của Công ty Hoàng Phương theo đúng khuyến cáo trên bao bì sản phẩm: bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Mẫu đưa đi giám định chất lượng sẽ lấy trực tiếp tại công ty hay tại kho tạm giữ, thưa ông?
Ông Đỗ Thế Thắng: Mẫu lấy tại kho tạm giữ.
Tổ công tác tạm giữ sản phẩm tại kho của cây xăng Huyền Vinh trên quốc lộ 3 có đúng không, thưa ông?

Ông Đỗ Thế Thắng: Vâng!

Theo ông việc đưa hàng hóa là sản phẩm đồ uống vào kho cạnh cây xăng có bảo quản được chất lượng sản phẩm không?

Ông Đỗ Thế Thắng: Kết quả giám định chất lượng sẽ trả lời điều đó. Doanh nghiệp có lỗi vi phạm hành chính, theo quy định thì phải giải trình để chúng tôi làm căn cứ xem xét giải quyết. Còn nếu doanh nghiệp không cung cấp tài liệu, không giải trình thì không thể giải quyết được.

Tổ kiểm tra Công an huyện Đông Anh đưa sản phẩm nước giải khát của Công ty Hoàng Phương vào kho tại cây xăng (dấu X) đã gần 4 tháng, nhưng chưa giải quyết khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn, do nhiều sản phẩm bị hết hạn sử dụng. Nếu không được giải quyết dứt điểm, sẽ còn nhiều sản phẩm tiếp tục hết hạn trong thời gian tới.
Tổ kiểm tra Công an huyện Đông Anh đưa sản phẩm nước giải khát của Công ty Hoàng Phương vào kho tại cây xăng (dấu X) đã gần 4 tháng, nhưng chưa giải quyết khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn, do nhiều sản phẩm bị hết hạn sử dụng. Nếu không được giải quyết dứt điểm, sẽ còn nhiều sản phẩm tiếp tục hết hạn trong thời gian tới.

Công ty Hoàng Phương cho biết, trước thời điểm kiểm tra thì công ty đã phát hiện các sản phẩm bị dập sai địa chỉ, do đó vẫn để tại xương, đang tìm biện pháp khắc phục rồi mới tiêu thụ (sản phẩm chưa đưa ra lưu thông thì không thể kết luận đã vi phạm). Vậy vì sao Công an huyện Đông Anh vẫn bốc hàng từ xưởng của công ty đưa đi nơi khác?

Ông Đỗ Thế Thắng: Chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất bao bì cho Công ty Hoàng Phương, số lượng sản xuất bao bì từ năm 2010, hàng hóa với tem nhãn thế này đã được đưa ra lưu thông, số này là còn đang ở xưởng.

Vậy Công an Đông Anh đã xác định được Công ty Hoàng Phương bán ra thị trường sản phẩm sai nhãn mác chưa?

Ông Đỗ Thế Thắng: Tôi đang đề nghị công ty sản xuất tem nhãn thống kê lại, họ chưa cung cấp cho chúng tôi. Nhưng sản phẩm của Công ty Hoàng Phương sản xuất theo báo cáo thuế thì hàng tháng đều có bán sản phẩm ra thị trường.

Điều đó cũng chưa thể chứng minh sản phẩm của Công ty Hoàng Phương đã bán ra thị trường cũng dập nhãn mác không chính xác so với đăng ký kinh doanh. Vậy ông lý giải thế nào?

Ông Đỗ Thế Thắng: Doanh nghiệp sản xuất bao bì thì trên hợp đồng có khuôn mẫu cụ thể, trước khi sản xuất hàng loạt thì phải có sản xuất mẫu.

Cảm ơn ông!

Liên quan đến vụ việc này, ngày 9/5, Bộ Công an đã có văn bản gửi Báo Giáo dục Việt Nam, tiếp thu sự việc và cho biết đã yêu cầu Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Ngọc Quang