GS Nguyễn Minh Thuyết: "Vụ nhà hàng Cát Vàng, tôi thấy bị xúc phạm"

07/03/2013 07:15
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Hành động của chủ nhà hàng Cát Vàng là hành động phân biệt chủng tộc của một người thiếu văn hóa. Ở nhiều nước, phân biệt chủng tộc là một tội nặng. Một cửa hàng hay một điểm giao dịch mà có hành động phân biệt chủng tộc thì chỉ có thể tồn tại ở những xã hội dã man, mông muội, chứ không được phép tồn tại ở xã hội văn minh".

Liên quan đến vụ việc chủ nhà hàng Cát Vàng (Golden Sand) số 81 Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến nằm trong thiên đường du lịch Mũi Né, Bình Thuận tự đưa ra tiêu chí, quy định không bán hàng cho người Việt Nam. Bên cạnh đó theo phản ánh của nhiều khách du lịch khi đến tham quan nhà hàng này nếu có ý chụp ảnh, quay phim liền bị lực lượng bảo vệ nhà hàng ra hăm dọa và tịch thu máy ảnh. Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết , nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh sự việc này.

Không được phép xúc phạm dân tộc

- Thưa Giáo sư, vụ việc chủ nhà hàng Cát Vàng ở khu du lịch Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) thẳng thừng tuyên bố không phục vụ người Việt đang khiến cho dư luận xã hội vô cùng tức giận. Từng là Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông đánh giá thế nào về văn hóa kinh doanh của ông chủ nhà hàng Cát Vàng?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Hành động của chủ nhà hàng Cát Vàng là hành động phân biệt chủng tộc của một người thiếu văn hóa. Ở nhiều nước, phân biệt chủng tộc là một tội nặng. Một cửa hàng hay một điểm giao dịch mà có hành động phân biệt chủng tộc thì chỉ có thể tồn tại ở những xã hội dã man, mông muội, chứ không được phép tồn tại ở xã hội văn minh.

Đằng này, nhà hàng Cát Vàng lại kỳ thị chính đồng bào mình ngay trên đất nước mình nữa thì thật không thể chịu nổi. Vì thế, tôi cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu, nếu đúng như vậy thì có thể dẹp cửa hàng ấy luôn, không để ảnh hưởng đến hình ảnh của khu du lịch Mũi Né, hình ảnh Bình Thuận là đúng.

Ông chủ nhà hàng dám tuyên bố không phục vụ du khách người Việt với lý do “người Việt xấu tính” thì đó là một lối nói năng hàm hồ, một sự xúc phạm đối với dân tộc. Bản thân tôi cũng cảm thấy mình bị xúc phạm. Thiết tưởng đến thời Pháp thuộc cũng chỉ có những kẻ vong bản mới trắng trợn kết tội đồng bào mình như thế.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng, việc từ chối phục vụ người Việt khiến ông cảm thấy mình cũng bị xúc phạm.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng, việc từ chối phục vụ người Việt khiến ông cảm thấy mình cũng bị xúc phạm.

- Giáo sư có cho rằng, sau sự việc này thì nhà hàng Cát Vàng sẽ phải chịu một “hình phạt” rất nặng nề, đó là bị khách du lịch tẩy chay?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong trường hợp nhà hàng Cát Vàng còn được mở cửa thì nguy cơ bị du khách người Việt tẩy chay là rất cao. Khách nước ngoài có thể không biết sự việc này, chứ nếu họ biết thì chắc hẳn họ cũng không vào cái nhà hàng ấy đâu. Không phải chỉ vì họ nghĩ: “Đến đồng bào của mình, chủ cái nhà hàng này còn đối xử như vậy thì ông ta đón người người ngoại quốc vào chỉ để dễ bề làm giá thôi”, mà còn vì người các nước văn minh bây giờ rất dị ứng với những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật như bóc lột nhân công giá rẻ, phân biệt chủng tộc, phá hoại môi trường v.v… Nhiều nước từ chối mua hàng giá rẻ của một nước láng giềng với ta chỉ vì họ nghi đó là những sản phẩm do tù nhân bị cưỡng bức làm ra. Cũng không ít nước từ chối mua các lô hàng gỗ vì đó là gỗ không có nguồn gốc hợp pháp.

- Thưa Giáo sư, ông chủ cửa hàng này đã nói tưng tửng là cửa hàng của ông ta từ chối tiếp đón người Việt hai ba năm nay rồi, chứ không phải bây giờ mới vậy. Có lẽ, trong quá khứ cũng đã có nhiều du khách người Việt bị xua đuổi rồi, và thật lạ là cơ quan quản lý ở địa phương không hay biết?

GS Nguyễn Minh Thuyết:  Có thể là trong quá khứ cũng đã có một số người Việt Nam bị cửa hàng này từ chối phục vụ, nhưng họ không nghĩ tới chuyện phải đưa vụ việc ra trước công luận, mà chọn cách im lặng, với suy nghĩ “trăm kẻ bán, vạn kẻ mua”, thôi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới mình. Nhưng một du khách có ý thức vì cộng đồng đã ngay lập tức đưa vụ này tới báo chí, và tôi cho rằng đấy là việc làm rất đáng hoan nghênh, vì đã góp phần điều chỉnh hành vi xã hội cho phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Tôi nghĩ rằng, chính quyền địa phương không biết cách kinh doanh quái gở của chủ nhà hàng này. Nếu biết thì chính quyền sẽ không để yên như vậy, bởi vì Mũi Né là một địa danh du lịch có tiếng, không đời nào chịu tiếng xấu và chịu mất khách du lịch vì chuyện đó.

Qua vụ việc này, chúng ta không chỉ thấy trình độ nhận thức và văn hóa ứng xử rất thấp của chủ nhà hàng Cát Vàng mà thái độ của người Việt với người nước ngoài cũng là một khía cạnh cần phải xem xét. Lâu nay, nhiều địa phương dành toàn bộ ven biển cho các khu nghỉ dưỡng, mở các nhà hàng với cái đích chính là du khách nước ngoài, thành thử tạo ra tâm lý coi thường khách du lịch trong nước.

Bên cạnh đó, một số người bán hàng thường cho rằng người nước ngoài giàu có, lại không biết giá nên dễ mua hàng với giá cao. Nghĩ như vậy là rất nhầm, vì du khách nước ngoài trước khi tới Việt Nam đã tìm hiểu rất kỹ phong tục tập quán, hàng hóa và giá cả; thậm chí họ đem theo cả những cuốn cẩm nang ghi rất rõ tên các cửa hàng, các quán ăn ngon ở mỗi thành phố với giá sản phẩm cụ thể. Tôi cũng từng dẫn nhiều khách nước ngoài đi tham quan, mua sắm, thì thấy rằng họ rất biết tiêu tiền chứ không hề “vung vẩy” dễ dàng, thậm chí hầu hết du khách đều biết cách mặc cả để mua sát giá.

Hành vi coi thường người Việt của nhà hàng này khiến dư luận phản ứng dữ dội.
Hành vi coi thường người Việt của nhà hàng này khiến dư luận phản ứng dữ dội.

Văn hóa ứng xử vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết

- Nói tới văn hóa ứng xử của người Việt, tôi xin kể với Giáo sư một câu chuyện: Chỉ cách đây vài ngày thôi, tôi chở con gái (5 tuổi) đi trên phố Hàng Bạc, đến giữa phố thì cháu bất ngờ bị trớ. Một bà chủ cửa hàng mặc đồ rất đẹp (chắc cũng thuộc hàng giàu có), đẩy cửa kính tiến gần đến và ném về phía bố con tôi một cái nhìn hằn học, khó chịu, rồi quay vào.

Có lẽ vì cháu bé trớ ngay gần trước cửa hàng của bà ta (?). Rồi hai bố con tôi đi tiếp, gần tới Hồ Gươm thì cháu lại trớ. Bất ngờ có hai người phụ nữ (coi xe trên vỉa hè) tiến đến hỏi han, lấy giấy, tự tay lau cho con gái tôi. Vừa lau, họ vừa trấn an cháu: “Không sao, không sao, con đừng sợ, khỏi ngay ấy mà”. Họ bảo con gái tôi trúng gió, dặn dò tôi đủ điều… Vậy đấy, thưa Giáo sư, dù ở ngay một đoạn phố và cách nhau có 100m, nhưng đã thấy rõ hai cách ứng xử khác nhau một trời một vực: Một phía là bà chủ cửa hàng giàu có, còn một phía là những người phụ nữ coi xe trông lam lũ, khó nhọc… nhưng đã ứng xử rất có văn hóa, có tình người…

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo lô gích thì người có học vấn cao phải có cách ứng xử văn hóa cao, và người giàu có thì phải rộng rãi hơn người nghèo. Thế nhưng đời sống lại không theo lô gích đơn giản đó. Hai người lao động mà bạn gặp chắn hẳn được sinh trưởng trong những gia đình giàu lòng nhân ái, nhờ thế mà từ tấm bé đã thấm nhuần đạo đức “thương người như thể thương thân”, cho nên khi thấy một cháu bé yếu mệt thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là giúp đỡ, chia sẻ. Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, tất cả những người có văn hóa trên thế giới đều làm như hai người phụ nữ coi xe ấy. Lòng tốt thường có chung biểu hiện, còn cái xấu thì mỗi người một vẻ mà.

- Thưa Giáo sư, có một điều khá thú vị là có rất nhiều người nghèo, nhưng phông văn hóa của họ rất tốt, ngược lại có nhiều người giàu thì trịch thượng, tự cho mình ở đẳng cấp cao hơn và đi kèm đó là những cư xử lố bịch. Và điều đó cũng lý giải vì sao có những gia đình nghèo khó mà bố mẹ vẫn dạy con nên người, nhưng có những gia đình tiền tiêu không bao giờ hết thì con cái hư hỏng...

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Hồi còn học ở Nga, có lần tôi đang đi trên đường thì thấy phía trước có hai thanh niên vừa đi vừa văng tục. Lúc ấy, một bà cụ từ phía sau tôi đi vượt lên rất nhanh. Tôi cứ nghĩ bà cụ vội nên đi nhanh, nhưng không ngờ khi bắt kịp hai cậu thanh niên kia, bà mắng cho họ một trận. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ những lời bà cụ nói: “Các cậu nghĩ cái thứ tiếng các cậu đang nói là tiếng Nga à? Tiếng Nga mà bẩn thỉu như thế à? Các cậu nói như thế mà không biết xấu hổ với người nước ngoài à? Họ sẽ nghĩ về văn hóa của nước mình như thế nào?” Hai cậu thanh niên im thin thít, tỏ ra rất xấu hổ.

Một lần khác, tôi vào nhà bếp ở ký túc xá thì thấy một bà phục vụ đang rất tức giận. Bà chỉ vào mấy miếng bánh mì trong sọt rác và nói một thôi một hồi, dĩ nhiên lúc ấy chỉ có tôi chịu trận: “Đây là những miếng bánh mì mấy cô cậu Việt Nam các anh vứt vào. Việt Nam là một nước khó khăn, thế mà sang đây ăn bánh mì lại vứt đi. Thế là thế nào? Người Nga chúng tôi không bao giờ được phép vứt bánh mì đi như vậy.

Anh có biết là trong 900 ngày đêm Leningrad bị phát xít Đức bao vây thì mỗi người dân chúng tôi chỉ được phát có 200gram bánh mì mỗi ngày, mà đó là bánh mì trộn mùn cưa để ăn cho qua cơn đói thôi. Chúng tôi nhờ nó mà sống, mà giữ được thành phố, nên chúng tôi không bao giờ vứt bánh mì vào sọt rác.” Tôi biết các bà phục vụ ở đây rất quý sinh viên Việt Nam, bà ấy phải nói như vậy có nghĩa là đang giận lắm.

Tôi kể hai câu chuyện ấy để thấy rằng, ở khắp nơi trên trái đất này, những người lớn có hiểu biết bao giờ cũng có ý thức giữ gìn và hướng dẫn cho thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống văn hóa từ những chuyện nhỏ nhất. Nhờ thế mà văn hóa không đứt đoạn và đời sống mỗi ngày một đáng sống hơn. Đây là điều mà các bậc cha mẹ ở nước ta cần quan tâm.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của Giáo sư!

Ngọc Quang (Thực hiện)