Sau vụ việc Nhà máy nước sông Đà bơm nước nhiễm dầu thải đến nhà dân, mặc dù Hà Nội đã công bố nước từ nhà máy này hiện đã đạt yêu cầu tiêu chuẩn, nhưng trên thực tế rất nhiều gia đình vẫn lo lắng và chọn giải pháp mua nước đóng bình tiêu chuẩn để ăn uống; lắp thêm hệ thống lọc trong gia đình để loại bỏ bớt tạp chất trong nước đang sử dụng từ Nhà máy nước sông Đà.
Người dân cũng thắc mắc là nếu các chỉ số đạt yêu cầu ăn uống thì đó là những chỉ số nào? Mẫu xét nghiệm lấy ở đâu và bao lâu lại xét nghiệm? Người dân có được tham gia giám sát quá trình lấy mẫu và xét nghiệm không? Kết quả công bố ở đâu? Thông số cụ thể ra sao?
Nhiều trường học đã lắp đặt một hệ thống lọc riêng nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh khỏi những nguy cơ nhiễm bệnh từ nguồn nước sinh hoạt này.
Mặc dù vậy đây chỉ là những giải pháp riêng lẻ mang tính chất xử lý tình huống, vì vậy lãnh đạo Hà Nội cần phải ra lệnh tổng kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt trên toàn địa bàn thành phố. Điều quan trọng là kiểm tra phải công khai, có sự giám sát của người dân và các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội... để những kết quả kiểm tra đó phải hoàn toàn đúng sự thật, không có điều gì mập mờ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn cho rằng: “Muốn phân tích, xét nghiệm nước cần phải phân tích toàn bộ các chỉ tiêu hữu cơ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt số 01 và 02 năm 2009 của Bộ Y tế. Trong đó có cả trăm chỉ tiêu khác nhau. Căn cứ vào các chỉ tiêu đó để phân tích nước sông Đà sẽ thuyết phục. Còn nếu chỉ phân tích 7 chỉ tiêu thông thường thì không có tác dụng, vô nghĩa”.
Đây là việc hết sức quan trọng có liên quan tới sức khỏe của hàng vạn học sinh và nói như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) thì: “Bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân là trách nhiệm lớn nhất của chính quyền. Chúng ta nên giảm bớt họp hành, mít tinh và các công việc bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành những nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân".
Sau vụ việc nước sinh hoạt nhiễm dầu, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra và công bố cho nhân dân biết: Nhà máy áp dụng công nghệ gì mà không phát hiện ra nước có lẫn dầu thải? Ảnh: Tô Thế. |
Trước khi xảy ra vụ nước ăn uống của dân nhiễm dầu thải, vào tháng 6/2019, nhiều hộ dân tại chung cư New Horizon City (87 Lĩnh Nam, Hà Nội) cũng từng lao đao vì nước sinh hoạt đổi màu, có những thời điểm nước xả ra có màu vàng đục như có đất.
Anh M. (sống tại tòa HH01 chung cư New Horizon City) cho biết: “Trước đó, tại căn hộ tôi sinh sống cũng xuất hiện tình trạng nước sinh hoạt bất thường. Nhưng ngày hôm qua (2.6), khi tôi xả tất cả các vòi nước đều thấy đục ngầu, không khác gì nước thải. Sau khi tôi xả đến hơn 1 khối nước thì hiện tượng nước đục, bẩn mới giảm đi được”.
“Cả triệu người dân Thủ đô lao đao khi nguồn cung cấp nước sạch bị ô nhiễm kéo dài cả tuần thì cả xã hội mới giật mình nhận ra cách quản lý tắc trách của các cơ quan quản lý nhà nước đối với một vấn đề sinh tử của dân…”, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai). |
Tình trạng nước sinh hoạt bẩn kéo dài như vậy làm người dân vô cùng lo lắng, bức xúc. Họ đặt câu hỏi sử dụng nước này có thể nấu nướng, ăn uống? Sức khỏe bị ảnh hưởng, ai chịu trách nhiệm? Các thiết bị khác trực tiếp đấu nối với nguồn nước như vậy sẽ gây hư hại như thế nào?
Từ khi về đây sinh sống, nhiều gia đình đã tự trang bị những bình lọc nước để yên tâm hơn khi sử dụng nước.
Anh M. cho biết: “Về đây 2 năm, tôi phải thay 2 máy lọc nước và thay 4 lần các cục lọc rồi”. (1)
Trước đó vào tháng 5/2019, nhiều cư dân tại chung cư HUD3 Tower (địa chỉ 121-123 Tô Hiệu, Hà Đông) cũng bày tỏ nỗi bức xúc vì nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, đục như nước cống. Quá lo lắng cho sức khỏe, nhiều gia đình đã phải mua máy lọc nước phục vụ ăn uống, còn nước sinh hoạt nhà máy cấp vào họ chỉ dám dùng tắm, giặt. (2)
Hà Nội có quyết tâm làm cho ra lẽ vụ nước ăn uống của dân bị nhiễm dầu? |
Tình trạng nước bẩn bủa vây các ở nhiều khu vực dân cư tại Hà Nội đã xảy ra suốt một thời gian dài. Còn nhớ vào năm 2018, hàng loạt khu đô thị cũng đã bị điểm mặt chỉ tên vì nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng, trong đó phải kể tới khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội).
Qua tìm hiểu, trong giấy công bố kết quả thử nghiệm mẫu nước lấy tại căn hộ 2414 - chung cư HHB (mẫu nước lấy ngày 29/9/2017) của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (QUATEST 1) cho thấy rõ, hàm lượng Asen trong nước là 0,03 mg/L. Như vậy, hàm lượng Asen này vượt “chuẩn” nước sinh hoạt theo Thông tư 04/2009/TT-BYT của Bộ Y tế là 3 lần.
Theo kết luận thực tế đoàn kiểm tra trạm cấp nước tại nhà máy cung cấp nước cho Khu đô thị Tân Tây Đô, được biết mặt bằng trạm cấp nước còn nhiều cạn sắt, rêu, thành bể lọc có hiện tượng rò rỉ, trong kho hóa chất Clorin đảm bảo tem nhãn phụ, đăng ký lưu hành Phèn sắt chưa có tem nhãn phụ về Tiếng Việt. Ngoài ra, đơn vị báo cáo là không sử dụng Javel, thuốc tím trong xử lý nước nhưng vẫn để trong kho hóa chất… (3).
Khu Đô thị Tứ Hiệp (Thanh Trì) cũng từng bị phản ánh trong thời giai dài, cư dân tại các tòa nhà CT5, CT6, CT15 và CT16 do Công ty Cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí làm chủ đầu tư phải sống chung với tình cảnh nước bẩn. Nước sinh hoạt xả ra từ vòi đầy cặn, có lúc đen như nước cống, nhiều giun, bọ gậy bơi loăng quăng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói: "Viwasupco lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không một ai cảnh báo, nhắc nhở, vô cảm lâu dài đến thế là cùng". Đại biểu đề nghị: "Đầu tiên, khi xây dựng luật, cần xem xét quy định ngăn chặn thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Thứ hai, cần tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất để người dân tố cáo hành vi thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Thứ ba, không nên để những người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp giữ các chức vụ trong bộ máy công quyền". |
Trước tình trạng phải sống chung với cảnh nước bẩn kéo dài, quá lo lắng một số hộ gia đình đã mang mẫu nước đi kiểm tra, kết quả cho thấy có nhiều thành phần trong nước sinh hoạt tại đây vượt quá quy chuẩn cho phép (theo QCVN 01:2009/BYT).
Việc dùng nguồn nước không hợp để sinh hoạt trong thời gian dài đã khiến nhiều cư dân tại khu đô thị Tứ Hiệp mắc các bệnh ngoài da, đau mắt đỏ… (4).
Đề cập tới vấn đề bảo vệ sức khỏe của nhân dân, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thẳng thắn nêu quan điểm: “Quy định thì đã có rồi nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng người dân than phiền nước bẩn? Vấn đề phải làm rõ là các nhà máy, các xí nghiệp kinh doanh nước có làm đúng quy định không, quy trình lọc có đảm bảo không, hệ thống đường ống có tốt không hay quá cũ kỹ mà không được thay thế?
Vai trò của Hội đồng nhân dân như thế nào khi mà người dân đã phải đối diện với vấn đề nước bẩn nhiều năm nay? Đây là vấn đề sức khỏe của hàng triệu người dân cho nên cần phải hết sức nghiêm túc, và tôi tin rằng khi các đồng chí lãnh đạo thực sự đặt vấn đề này trở thành mối quan tâm giống như nhu cầu thiết thực hàng ngày thì sẽ sớm giải quyết được vấn đề”.
Đại biểu Dương Trung Quốc đã từng có nhiều phát biểu băn khoăn về vấn đề an toàn thực phẩm, gây ra nhiều hệ lụy cho các thế hệ tương lai của đất nước. Thậm chí, ông Quốc còn thẳng thắn phê phán những người cung cấp thực phẩm bẩn là một tội ác.
“Phải coi mục tiêu diệt trừ thảm họa tự đầu độc hủy hoại tương lai giống nòi là một ưu tiên và cấp bách chứ không thể hời hợt. Theo tôi, cứ chiểu theo quy định để kiểm tra và phạt thật nặng, chỉ có như vậy thì người ta mới không dám và không thể cung cấp nước bẩn, thực phẩm bẩn cho người dân”, ông Quốc nêu yêu cầu.
Chất thải đã chảy lan ra suối rồi vào hồ Đầm Bài, là nơi cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà. Ảnh: QĐ. |
Trong năm 2018, Sở Y tế cũng đẩy mạnh thanh tra định kỳ và đột xuất vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước, khu chung cư, chung cư độc lập trên địa bàn thành phố; Kiểm tra tình trạng vệ sinh, chất lượng nước tại các bể chứa nước tại các trạm bơm tăng áp, nhà chung cư đã đưa vào hoạt động, mỗi trạm bơm tăng áp, khu chung cư hoặc chung cư độc lập, tối thiểu kiểm tra 1 lần/năm.
Mặc dù vậy, tình trạng nước sinh hoạt bẩn vẫn xảy ra liên tiếp ở nhiều khu vực khác nhau tại Hà Nội và vì vậy cần tiến hành trên toàn bộ các quận huyện và cần có tổ chức độc lập vào cuộc đánh giá phân tích, đảm bảo kết quả. Thực hiện ít nhất 2 lần/năm. Nhà máy nào không đảm bảo phải lập tức có phương án xử lý dứt điểm. Để xử phạt phải là Sở Y tế, còn có cho đơn vị tiếp tục hoạt động hay không lại do Sở Xây dựng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 13 - ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu quan điểm: “Không thể chấp nhận được tình trạng người dân phải trả tiền mua nước sạch nhưng lại nhận về nước bẩn, đó là sự lừa dối của những đơn vị cung cấp nước. Lẽ ra khi xảy ra sự cố này ở một điểm nào đó thì thành phố phải chỉ đạo xử lý dứt điểm ngay và ngăn chặn toàn bộ các khu vực khác không để xảy ra tình trạng tương tự, nhưng đáng tiếc là cho đến nay việc xử lý chỉ mang tính tình huống, chưa đặt thành vấn đề tổng thể.
Tôi mong rằng thành phố sẽ coi vấn đề này là công tác trọng tâm, cần có một cuộc tổng rà soát để xử lý ngay đối với các nhà máy cung cấp nước không đạt yêu cầu, đồng thời xây dựng thêm các dự án hiện đại tiêu chuẩn thế giới để người dân có quyền lựa chọn sử dụng nước sạch đảm bảo sức khỏe gia đình”.
Tài liệu tham khảo:
(1). https://laodong.vn/bat-dong-san/nuoc-sinh-hoat-duc-nhu-nuoc-cong-bua-vay-dan-chung-cu-737128.ldo
(2). https://www.tienphong.vn/ban-doc/nuoc-sinh-hoat-o-chung-cu-ha-noi-den-kit-co-con-trung-1416369.tpo
(3). http://vietq.vn/kdt-tan-tay-chu-dau-tu-ho-tro-mua-nuoc-khong-dat-chuan-cho-cu-dan-d141062.html
(4). https://vnexpress.net/thoi-su/nuoc-an-mau-den-ky-sinh-trung-lom-ngom-o-khu-do-thi-ha-noi-3570971.html