Hà Nội: Hơn 500 cây gỗ sưa đỏ được bảo vệ 24/24h

07/03/2013 07:41
Ngọc Quang
(GDVN) - "Số lượng cây sưa đỏ ở thành phố thuộc địa bàn quản lý trên các đường phố là hơn 500 cây, có lực lượng bảo vệ thường xuyên kiểm tra bảo vệ cây sưa 24/24h"


Hơn 500 cây sưa đỏ được bảo vệ 24/24h

Ông  Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết: “Số lượng cây sưa đỏ ở thành phố thuộc địa bàn chúng tôi quản lý trên các đường phố là hơn 500 cây, còn một số nằm trong địa bàn các phường quản lý.

Chúng tôi vẫn có lực lượng bảo vệ thường xuyên kiểm tra bảo vệ cây sưa 24/24h. Về tình trạng chặt trộm cây sưa đỏ thì rộ lên vào năm 2007 và thành phố đã có chỉ thị cho tất cả các cơ quan công an từ quận tới phường đều phải vào cuộc, cũng đã giảm đi. Nhưng tới 2009 thì lại rộ lên chuyện chặt trái phép cây sưa một lần nữa, đã có hơn 30 người bị bắt và bị kết án tù.

Thực tế trong năm 2011 và 2012 có 5 trường hợp cây sưa đỏ bị đốn hạ trái phép, thì đều rơi vào những nơi là ngõ ngách thí dụ như ở khu vực sân con voi ở Kim Liên, ở bãi Đá, rồi phía sau khách sạn Hà Nội. Tuy nhiên, những trước hợp này thì khi họ cưa trộm xong thì vứt bỏ ở hiện trường do lõi nhỏ”.

Một cây sưa đỏ bị chặt trộm tại đường Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy năm 2011.
Một cây sưa đỏ bị chặt trộm tại đường Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy năm 2011.

Cũng theo ông Hoàng, có tới hơn 300 trường cây xanh cỡ lớn trên địa bàn Hà Nội bị xâm hại trong 3 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do một số hộ ở mặt phố muốn có thêm diện tích sử dụng vỉa hè nên đã chặt rễ cây, đổ nước sôi… cho cây chết dần. Một số trường hợp cán bộ của công ty đã bắt quả tang và phối hợp với Thanh tra xây dựng, UBND phường sở tại xử phạt các hộ dân xâm hại cây bị phát hiện.

“Về vấn đề bảo vệ cây xanh thì thành phố đã có chỉ thị xuống các cơ quan chức năng cùng phối hợp, vì cây xanh là tài sản xã hội. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương, địa phương nào làm tốt thì số lượng cây bị xâm hại sẽ giảm rất nhiều”, ông Hoàng nói.

Ngoài ra, ông Hoàng cũng cho biết, đã kiến nghị nhiều năm nay để có một nguồn kinh phí để dành cho cắt tỉa cây, chặt hạ và đề nghị trích quỹ dự phòng 2% để hỗ trợ cho các gia đình bị hại như trường hợp của lái xe taxi bị cây xà cừ đổ lên xe dẫn tới tử vong, nhưng chưa được phê duyệt và vẫn đang tiếp tục đề xuất.

Công ty thu 2000đ, nhưng dân phải nộp 3000đ

Ông Nguyễn Văn Hòa - TGĐ Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho hay: “Chúng tôi đã trình cấp trên và chờ tới kỳ họp HĐND thành phố tới đây để tiếp tục xin nâng mức phí này lên 5000đ, đó là vì suốt từ năm 2007 tới nay, dù chi phí cho công việc đã tăng lên nhiều, nhưng mức thu với người dân thì vẫn giữ nguyên. Năm vừa qua công ty thu về hơn 40 tỷ đồng, tuy nhiên con số này cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% chi phí hoạt động, còn lại là phải sử dụng nguồn kinh phí khác”.

Người dân sẵng sàng đóng mức phí hợp lý để góp phần giúp cho Hà Nội sạch đẹp, nhưng trên thực tế thì mức thu lại hiện tại không đúng như công bố của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội. Cụ thể, ở các phường mức thu cao hơn 1000đ/tháng (tức là 3000đ/tháng). Xin nêu một thí dụ cụ thể, gia đình chị T ở phường Bồ Đề có 2 người lớn và một cháu nhỏ, mỗi một quý họ phải hộp 27/nghìn, tổng cộng 1 năm là 108 nghìn đồng (đây không phải là hóa đơn đỏ, nên không có tính VAT).

Số tiền này do Xí nghiệp Môi trường Đô thị huyện Gia Lâm thu. Trong khi theo mức mà Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đưa ra chỉ có 96 nghìn đồng. Vậy 12 nghìn đồng này rơi vào đâu? Về vấn đề này, ông Hòa cho hay: “Về thông tin này, chúng tôi chưa nắm được, ngay sau đây chúng tôi sẽ cho kiểm tra và trả lời báo chí”.

Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho hay việc xin tăng phí vệ sinh đã được thành phố đồng ý.
Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho hay việc xin tăng phí vệ sinh đã được thành phố đồng ý.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề thu phí vệ sinh, nhưng không rõ khung áp dụng cho các cơ quan hành chính sự nghiệp, các công ty tư nhân; các hộ kinh doanh hoa quả, ăn uống thì cứ dưới 1m3 là thu 100 nghìn/tháng, còn trên 1m3 là thu 160 – 380 nghìn/tháng… vậy tới đây sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Chúng tôi được thành phố đặt hàng cho công tác duy trì vệ sinh trên địa bàn được giao, nhưng cái đặt hàng của thành phố thì chỉ trả cho công tác thu gom rác thải ở các phố chính, còn trong ngõ và ngách thì chúng tôi phải dùng kinh phí trong dân để chi trả. Ngõ và ngách ở trên địa bàn Hà Nội thì rất lớn, và đơn giá hiện nay không đáp ứng được công việc thực tế duy trì đảm bảo vệ sinh, do đó chúng tôi đã báo cáo với UBND thành phố cũng như các ban ngành liên quan và đã được đồng ý về việc tăng mức phí này để đảm bảo yêu cầu hoạt động…

Mức phí thu gom rác ở các cơ quan, trường học trước đây khoảng 380 nghìn/tấn thì nay tăng lên khoảng 490 nghìn đồng/ tấn, còn với các cửa hàng kinh doanh thì cũng áp dụng theo mức mà HĐND thông qua, mức thấp nhất là 100 nghìn đồng/tháng. Trong tính toán mức phí, chúng tôi đã đề cập về các con số chính xác, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể sau”.

Ngọc Quang