Hàng trăm dân cầu cứu ông già ozon chữa bệnh tay chân miệng

31/10/2011 06:13
Ngọc Quang
(GDVN) - Kể từ khi Báo GDVN đăng bài “Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng”, đã có hàng trăm độc giả cầu cứu TS. Nguyễn Văn Khải.

Đã có nhiều trường hợp khỏi bệnh

Trưa qua (30/10), PV Báo Giáo dục Việt Nam đã quay trở lại nhà TS.Nguyễn Văn Khải khi ông cho biết đã có hơn hai trăm người dân liên hệ nhờ hướng dẫn tìm chỗ xin nước Anolyt để điều trị bệnh chân tay miệng.

Trong vòng 1 giờ đồng hồ có mặt tại nhà “Ông già Ozon” Nguyễn Văn Khải, PV đã được nghe hàng chục cuộc điện thoại, từ nhiều vùng miền trong cả nước, trong đó hầu hết là tại khu vực phía nam, gọi tới nhờ chỉ dẫn để tìm địa chỉ xin Anolyt. Một sinh viên đang học tại Cao đẳng Y tế Thái Nguyên tên là Trương Thị Dự gọi từ số máy 0168.274819… cho biết: “Quê cháu ở xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Hiện nay, cháu được biết có rất nhiều người bị chân tay miệng, có 4 trẻ đi viện và 1 trẻ đã chết, 1 trong 4 trẻ đi viện cũng đang ở tình trạng nguy kịch. Cháu muốn hỏi là xin nước Anolyt ở đâu và những cơ quan nào thì có máy tạo ra Anolyt? Bác có thể đển quê cháu và mang Anolyt đến không?”.

TS.Khải đã hướng dẫn: “Bác có thể đến ngay khi bà con yêu cầu. Ngay bây giờ, cháu có thể nói với bà con là xin Anolyt ở trung tâm y tế của huyện, bác được biết ở Bá Thước có loại máy này. Nếu cần thiết thì liên hệ với Bệnh viện tỉnh, các trung tâm y tế dự phòng sẽ có loại máy này”.

Trong số các cuộc điện thoại tới TS Khải trưa hôm qua, nhiều người đã thông báo về tin vui khi áp dụng thành công phương pháp mà “Ông già Ozon” đã hướng dẫn. Chị Nguyễn Thị Mai Lý ở Phường Tân Quý, Quận Tân Phú (TP.HCM) gọi tới TS.Khải bằng số máy 0909.25005… giọng rưng rưng: “Con đã áp dụng cách mà bác hướng dẫn từ tối ngày 28, cho đến nay là ba ngày và gần như các nốt trên tay chân của bé đã lặn hết. May quá bác ạ, con gọi điện để cảm ơn bác. Con gái của con còn chưa được một tuổi, may mà nhờ bác chứ không con cũng không biết phải làm thế nào nữa”.
Các nốt đỏ trên chân con gái chị Lý đã mất dần (Ảnh do chị Lý cung cấp)
Các nốt đỏ trên chân con gái chị Lý đã mất dần (Ảnh do chị Lý cung cấp)

TS. Khải cho hay: “Tối qua cô Lý đã gửi email để cảm ơn rồi, nhưng tôi bận quá chưa trả lời được, có lẽ vì thế mà sáng nay cô ấy gọi điện thoại thông báo”.

Quả thật, khi xem hộp thư điện tử của “Ông già Ozon”, có rất nhiều bức thư từ nhiều người dân gửi đến.

Một bức thư gửi từ địa chỉ  lynguyen80…@yahoo.com viết: Cháu chào Bác Khải, trước tiên cho cháu gởi đến bác lời cám ơn chân thành và chúc bác sức khỏe thật dồi dào. Cháu tên là Mai Lý, ở quận Tân Phú, TP.HCM. Cháu có 1 bé gái gần 1 tuổi. Con cháu bị chân-tay-miệng tính đến hôm nay 28/10/2011 đã được 4 ngày.

Biểu hiện bệnh của bé là: sốt 2 ngày, trong miệng xuất hiện nhiều vết lở nhỏ ở môi trong bên duới, đầu lưỡi cũng có 1 vết lở. 3 ngày đầu bệnh, bé ăn-bú (bú bình) không được do miệng bị đau, bàn chân-tay lúc nào cũng đỏ hồng và dần dần xuất hiện những đốm đỏ (nhưng không nhiều). Hiện tại, cháu đang cho con uống thuốc kháng sinh theo toa của bác sĩ.

Đọc được nghiên cứu của bác về nước Anolyt trên Báo Giáo dục Việt Nam, cháu đã lập tức đi mua về. Trong ngày hôm nay, cháu đã cho bé ngâm nước Anolyt theo công thức được 2 lần (một lần là tắm vào buổi sáng, 1 lần là lau bằng khăn buổi tối trước khi ngủ). Sau khi ngâm thì con thấy tình trạng của bé như sau: 2 bàn chân-tay không còn đỏ như trước, những nốt ở bàn tay có dấu hiệu hơi thâm lại, những nốt ở bàn chân thì chưa thấy biến chuyển rõ lắm.

Sáng nay cháu có nhỏ Anolyt vào miệng bé (vì bé cháu còn nhỏ chưa biết súc miệng), sau đó cháu thấy bé đã có thể bú bình được (cháu mừng nhất ở điểm này). Cháu gởi kèm thêm mấy tấm hình chụp chân-tay bé sau khi đã ngâm Anolyt cho bác xem. Còn miệng thì cháu không chụp được vì bé không cho sờ vào. Vài dòng thông tin thông báo tình trạng bệnh của bé để cho bác theo dõi. Ngày mai con sẽ tiếp tục cập nhật cho bác. Con xin cám ơn sự nhiệt tình của bác lần nữa.  Con chúc bác và gia đình an vui-mạnh khỏe. Con chào bác!".

Một người dân khác do PV Báo Giáo dục Việt Nam liên hệ để xác minh thông tin là anh Nguyễn Văn Minh ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP.HCM)  có số điện thoại 0129.316.80… Anh Minh cho hay: “Con trai tôi mới gần một tuổi, bị chân tay miệng và đang điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng.

Đọc báo Giáo dục Việt Nam, tôi biết chuyện chú Khải chữa được bệnh và liên hệ ngay theo số điện thoại. Tối ngày 29/10, tôi tìm nước Anolyt về bôi lên các nốt mụn của cháu và chấm vào mồm đúng như hướng dẫn, quả nhiên tới ngày hôm nay các nốt ở chân tay đã se gần hết rồi. Tôi đọc báo thấy có nhiều trẻ bị tử vong mà lo quá, may mà có chú Khải”.

Những cuộc gọi nhiều đến mức, TS Khải còn không dám đặt điện thoại xuống bàn, mà luôn cầm sẵn trên tay cho tiện. “Hai ngày nay, tôi luôn phải giữ máy bên người, chứ không để trên bàn như trước nữa, vì người dân gọi nhiều quá, thậm chí có cả cuộc gọi sau 23h. Tôi thú thật là cả ngày làm việc cũng mệt lắm rồi, nhưng vì những sáng kiến của mình được bà con tin cậy nên rất vui. Cách mà tôi hướng dẫn bà con sử dụng chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm mốc, bào tử mà hoàn toàn không để lại độc hại, tức là diệt được các loại đơn bào chứ không diệt được đa bào”, TS Khải cho hay.

TS Khải: Tôi không gọi đó là bệnh chân tay miệng

Không chỉ luôn chuẩn bị sẵn sạc điện thoại ở bên cạnh mà máy tính xách tay cũng bật suốt thời gian “Ông già Ozon” ở nhà. Tính tới trưa ngày 30/10 đã có gần 50 email gửi tới TS. Khải để hỏi về cách trị bệnh chân tay miệng và các triệu chứng mẩn ngứa.
Trong 3 ngày, TS Khải đã trả lời hơn 200 cuộc gọi hỏi cách trị bệnh chân tay miệng
Trong 3 ngày, TS Khải đã trả lời hơn 200 cuộc gọi hỏi cách trị bệnh chân tay miệng
Một bạn đọc ở Nghệ An có địa chỉ email lethanh…@gmail.com viết: “Cháu kính chào bác Khải! Cháu ở Nghệ An, cháu có đọc trên mạng được thông tin của bác về chữa bệnh chân tay miệng. Vậy cháu viết thư nay gửi tới bác kính mong bác giúp cho con trai của cháu.Con trai cuả cháu được 5 tháng tuổi cũng bị những nốt giống như bệnh chân tay miệng.

Cháu cũng cho uống thuốc theo chỉ  dẫn của bác sỹ bệnh viện huyện nhưng mà cứ lặn được vài ngày lại nổi lên mà có mủ nổi ở chân tay và người. Cháu lo lắm nhưng mà em bé vẫn chơi và ăn ngủ bình thường. Cháu viết thư này kính mong bác cho cháu bài thuốc để cháu chữa bệnh cho con cháu với. Cháu chân thành cảm ơn bác. Cháu Thanh .Địa chỉ khối 4 Thị Trấn Tân Kỳ Huyện Tân Kỳ Tỉnh Nghệ An. ĐT: 0948 892… - 0978000…”.

Một độc giả khác của Báo Giáo dục Việt Nam là Ngọc Hương gửi từ địa chỉ huong…@tienhungco.com viết: “Kính chào Chú! Con ở TP.HCM, sáng nay đọc bài báo về cách chữa bệnh TCM đơn giản mà hiệu quả của Chú, con thật là mừng quá. Con hiện đang có 3 đứa con, đứa nhỏ nhất 3 tuổi, đang ở trong tâm trạng rất lo lắng nếu các cháu đi học mà bị lây bệnh.

Con xin Chú vui lòng bỏ chút thời gian hướng dẫn con hai điểm thắc mắc: 1/ Đọc bài báo có chỗ con không hiểu :"Với công thức sử dụng: 3 nước máy + 1 nước sôi + 1 anolyt (anolyt – tức là nước ozon, pha lần đầu là 50%, lần sau là 30% và lần sau nữa là 20%), phần chú thích Anolyt - pha lần đầu là 50%, lần sau là 30% và lần sau nữa là 20% chỉ là giải thích cho cách làm ra nước anolyt thôi phải không chú. Còn nếu con đã có nước Anolyt rồi thì con chỉ cần pha theo tỉ lệ 3 nước máy+ 1 nước sôi+1 anolyt như Chú hướng dẫn đúng không? 2/ Tại TP.HCM, nếu con muốn mua nước Anolyt thì ở đâu mới có? Cuối cùng con xin kính chúc một người tài năng, hiền lành và đức độ như chú được khỏe mạnh, sống lâu thật là lâu, cho con hỏi năm nay chú bao nhiêu tuổi rồi mà tóc chú bạc trắng như Ông Tiên vậy”.

Vào 09:14 ngày 28/10, Mai Nguyen <maiq…@gmail.com> đã viết: “Cháu chào ông già Ozon. Sau khi cháu đọc bài viết về cách chữa bệnh CTM thì cháu cũng muốn hỏi ông về cháu bé nhà cháu: Cháu bé nhà cháu được 27 tháng tuổi, khoảng mấy tháng nay cháu bị ngứa ở bàn chân nhưng không có nốt gi cả. Cháu muốn hỏi ông xem làm thế nào để cho cháu bé không bị ngứa nữa”.

Vào lúc 21:24 ngày 29/10, bạn Đặng Đức Ban gửi từ địa chỉ bandd…@abic.com.vn đã viết: “Kính gửi: Ts Khải! Con nhà em bị chân tay miệng, toàn thân nổi rất nhiều mụn (kèm theo ảnh). Kính mong Ts cho biết cách chữa bệnh cho cháu. Rất mong nhận được sự giúp đỡ của Ts.Khải”.

Vào lúc08:53 ngày 30/10, anh Cảnh Đoàn Văn gửi từ địa chỉ doanvncanh…@yahoo.com.vn đã viết: “Chào TS, Con năm nay đã được 21 tuổi rồi, qua đọc báo con được biết TS có tìm hiểu về cách chữa bệnh "chân tay miệng", nay con xin nhờ TS chỉ con cách chữa bệnh. Con bị bệnh lở trong miệng, con biết bệnh này nhiều người cũng bị nhưng họ uống thuốc hay xoa gì đó là bớt thôi nhưng riêng con thì đã dùng nhiều phương pháp điều trị. Con cũng đã đi khám ở nhiều bệnh viện lớn và uống thuốc nhưng cũng không khỏi TS ạ…”.

Sau khi trả lời các cuộc điện thoại và email tới người dân, TS. Khải giải thích thêm: “Với các cháu có thể trạng yếu, sức đề kháng kém thì hệ thống miễn dịch nhanh chóng bị suy giảm, đó là cơ hội tấn công ồ ạt của nhiều loại virus. Gọi là bệnh chân tay miệng vì đây là những bộ phận dễ lây nhiễm nhất trong quá trình tiếp xúc (nhất là khi da của trẻ còn rất mỏng), còn khi đã mắc phải và lây từ người sang người thì các nốt có thể mọc khắp nơi trên cơ thể. Tôi cho rằng gọi bệnh chân tay miệng là không đúng, bởi vì virus, vi khuẩn nó có tha chỗ nào trên cơ thể đâu, các cháu bị mọc cả mụn trên lưng, trên bụng thì gọi là bệnh gì?

Tôi nghĩ chính xác nhất thì bệnh này là “lở loét ngoài da do nhiễm khuẩn bội nhiễm”, sau đó khuẩn tấn công vào họng, nhưng lúc này không phải là một loại mà là nhiều loại, điều đó hết sức nguy hiểm”.

TS. Khải cho biết, nhờ tính năng đặc biệt của Anolyt mà nó giúp phòng dịch cúm gia cầm, chữa bệnh lở mồm long móng cho gia súc, đuổi sâu bệnh. Các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai, Đồng Nai… đã rất thành công khi sử dụng Anolyt, mặc dù có những thời điểm người nông dân tưởng như đã mất trắng cơ nghiệp khi gia súc cứ lần lượt lăn ra chết. “Tác dụng của Anolyt đã được chứng minh ở nhiều quốc gia tiên tiến thì hoàn toàn có thể sử dụng như một biện pháp phòng tránh thông thường cho các trường tiểu học và mầm non, đơn giản nhất là đặt những chậu nước pha Anolyt theo tỷ lệ được hướng dẫn, trước khi các cháu vào lớp và ra về thì cho rửa tay.

Bản thân Anolyt khử khuẩn cực mạnh, nên ngoài việc cho các cháu rửa tay, còn có thể dùng để lau bàn ghế, các đồ dùng… nhất là ở những khu vực đã có trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, người dân ở những vùng dịch có thể giặt quần áo chăn màn bằng Anolyt pha với nước máy và nước sôi sao cho đạt mức 30-40oC, sau khi phơi khô thì là lại quần áo ở nhiệt độ cao, làm như vậy sẽ diệt khuẩn cực tốt”, TS Khải nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai: Anolyt có khả năng diệt virus, vi khuẩn, nấm mốc, bào tử

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: “Các nước tiên tiến như Nga, Anh, Nhật đã ứng dụng Anolyt vào nhiều việc và thu được hiệu quả cao. Ở Khoa Chống nhiễm khuẩn, chúng tôi sử dụng Anolyt để khử trùng quần áo, các dụng cụ y tế… và nhận thấy hiệu quả rất tốt.

Anolyt dễ sản xuất và có giá thành rẻ hơn nhiều các hóa chất khử trùng khác, nó cũng có khả năng phòng ngừa nguy cơ lây chéo của nhiều bệnh viên và ở các nước phát triển thì họ đã áp dụng lâu rồi, còn vì sao nước mình chưa áp dụng rộng rãi thì còn phụ thuộc đánh giá của những người làm quản lý, bản thân một đề tài khoa học cũng có những tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau.

PGS. Hùng cho hay, công nghệ này do người Nga phát minh ra, bản chất của Anolyt là nước muối chạy qua một chiếc máy để tạo ra các ion phân tử có liên kết đồng hóa trị, tạo thành chất oxy hóa mạnh phá vỡ tế bào của các virus gây bệnh mà lại không độc hại với con người. Tuy nhiên, loại nước này chỉ có tác dụng diệt virus, vi khuẩn ngoài da (trong đó có những loại có sức đề kháng cao như Ecoli, vi trùng lao, nấm mốc, các liên cầu khuẩn…).

Anolyt có ưu điểm hơn một số chất khử trùng truyền thống như Cloramin, Natri hypoclorit… do nồng độ hoạt chất nhỏ nên không gây độc hại, an toàn cho người và gia súc, gia cầm. Năm 2002, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng xác nhận thông tin này.

Bên cạnh đó, Anolyt lại có giá thành rẻ, trong khi áp dụng các biện pháp khác thì giá có thể đội lên tới 5 lần, thậm chí cao hơn nữa. Chất này cũng không gây ô nhiễm môi trường, vì các ion kết hợp thành muối bình thường sau 3-5 ngày.

Ngọc Quang