"Hành động ném xác của BS Tường: Đấy là tâm lý của một tên kẻ cướp"

27/10/2013 14:09
Diệu Linh
(GDVN) - "Về mặt đạo đức, tôi cứ nghĩ là đây không còn là bác sĩ nữa rồi. Tôi cứ hình dung vậy thì cái người này là loại gì? Tôi nghĩ gần như hắn là một tên ăn cướp, gây chết người rồi lập tức phi tang để trốn tội". GS.BS Đặng Hanh Đệ - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Việt-Đức khi đánh giá về vấn đề y đức qua vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chết người rồi ném xác xuống sông Hồng.

Ba nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của bệnh nhân

Xung quanh vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, GĐ trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi sau đó ném xác xuống sông Hồng phi tang gây chấn động dư luận một tuần nay. Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.BS Đặng Hanh Đệ - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Việt-Đức xung quanh vấn đề y đức của người bác sĩ nói riêng, và của những nghười hoạt động trong ngành Y tế nói chung.

Theo GS Đệ, đây là một cuộc phẫu thuật phức tạp và có ba nguyên nhân dẫn chính dẫn tới những nguy hiểm tính mạng:

Thứ nhất, phẫu thuật có gây mê và không loại trừ biến chứng do gây mê gây nên. Mỗi loại gây mê có thể dẫn tới các trường hợp tử vong khác nhau, nếu gây mê vào tĩnh mạch thì cái đáng sợ nhất là ngừng thở. Thông tin cho biết là bệnh nhân ở trong tình trạng tím tái đó là do không thở được, thì cũng rất có thể là do bệnh nhân chưa tỉnh hẳn đã gây trào ngược dạ dày và bị vào phổi.

GS.BS Đặng Hanh Đệ - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Việt-Đức.
GS.BS Đặng Hanh Đệ - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Việt-Đức.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến thủ thuật, đã có bất cứ một điều gì đụng chạm đến con người thì đều có mặt trái và gây ra biến chứng, và trong trường hợp này thì có thể tắc mạch do mỡ. Vì sao? Vì hút ở bụng thì mỡ không vào được mạch, nhưng nơi bơm mỡ vào ở phần ngực. Trong thủ thuật này bác sĩ buộc phải bơm nhiều vị trí chứ không thể bơm cả một khối to ở một vị trí, cho nên có thể bơm đến vài trăm mũi.

Vì vậy, trong quá trình bơm thì rất có thể đã bơm vào một mạch máu nào đó. Mặc dù trên thế giới đã nghĩ đến nguy cơ này rồi và dùng các loại kim tiêm không đầu nhọn để chống đâm vào mạch máu, nhưng như thế cũng không có nghĩa là ngăn chặn được hoàn toàn, bởi vì kim tiêm đầu tù mà bơm rất nhiều lần cũng có khả năng đâm vào mạch máu, mà bác sĩ không biết.

Nguyên nhân thứ ba, có thể dị ứng do thuốc. Trong số các loại thuốc chắc chắn phải có kháng sinh để chống nhiễm trùng, và kháng sinh thì rất có thể gây dị ứng, và không biết bác sĩ có hỏi hoặc thử cho bệnh nhân trước hay không? Cơ sở này có đủ phương tiện cấp cứu khi xảy ra dị ứng thuốc không?

GS Đặng Hanh Đệ nhận định, thủ thuật này gọi là “tự ghép mỡ cho bệnh nhân”, tức là cùng lúc giải quyết được hai vấn đề: Lấy mỡ thừa ở bụng và bơm lên ngực. Về mặt thủ thuật thì được đánh giá là tương đối an toàn vì làm dưới da chứ không đụng gì vào bên trong ngực, được thế giới áp dụng từ thế kỷ trước. Tuy nhiên, khi đã là thủ thuật thì phải nghĩ tới biến chứng, cho nên nói là an toàn nhưng cũng chỉ ở mức tương đối.

GS Đệ nhận định, Nguyễn Mạnh Tường vừa sắm vai là người gây mê lại vừa làm nhiệm vụ của bác sĩ mổ là vi phạm quy định nghiệp vụ của ngành y.

“Gây mê xong rồi chạy sang mổ thì lúc ấy ai theo dõi cho bệnh nhân? Dù rằng bây giờ có phương tiện để theo dõi nhưng cũng không thể thay thế con người. Những trường hợp bác sĩ vừa gây mê vừa mổ chỉ xảy ra trong thời kỳ chiến tranh thôi, vì điều kiện của chúng ta buộc phải như vậy, còn xét về mặt khoa học thì không đảm bảo an toàn”, GS Đệ cho biết.

Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường (áo trắng ở giữa)
Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường (áo trắng ở giữa)

Làm chết người, ném xác phi tang - đấy là tâm lý của một tên kẻ cướp

Nói về đạo đức của người thầy thuốc và công tác quản lý của ngành y, GS Đặnh Hanh Đệ thẳng thắn: “Phòng khám chưa được cấp phép mà đã hành nghề năm sáu tháng nay rồi, đó là lỗ hổng cực lớn về mặt quản lý. Tôi nghĩ ở đây không chỉ có trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương mà còn có trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội.

Về mặt đạo đức, tôi cứ nghĩ là đây không còn là bác sĩ nữa rồi. Tôi cứ hình dung vậy thì cái người này là loại gì? Tôi nghĩ gần như hắn là một tên ăn cướp, gây chết người rồi lập tức phi tang để trốn tội. Trường hợp này cũng vậy, đã gây ra tai nạn cho bệnh nhân thì phải giữ lại mọi thứ để còn phục vụ điều tra chứ, rồi phân định đúng sai thế nào, đằng này thì tẩu tán hết cả tài liệu, máy tính, rồi mang bệnh nhân ném xuống sông… đấy là tâm lý của một tên kẻ cướp, chứ không phải của bác sĩ.

Tôi cũng có thể thông cảm được là lúc ấy anh ta bối rối quá, không đủ trấn tĩnh để suy xét. Nhưng thời gian đâu chỉ có ít phút mà tới bốn năm tiếng đồng hồ, vậy thì anh ta phải nghĩ ra được cách nào là nhân đạo nhất và phải dám nhận trách nhiệm. Người thầy thuốc hơn những người khác là họ luôn mang theo bên mình 9 lời thề trước khi tốt nghiệp, và lời thề đầu tiên chính là bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người bệnh".

Diệu Linh