"Hãy làm đi chứ chỉ giương mắt mà chê Bộ trưởng Thăng thì quá dễ"

29/03/2012 07:09
Độc giả Thiện Tâm
(GDVN) - Chân lý nhiều khi không thuộc về số đông, phương pháp mạnh mẽ của BT Thăng cùng với những giải pháp đồng bộ chắc chắn sẽ đem lại những kết quả khả quan.
LTS: Xung quanh câu chuyện đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có hàng nghìn ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên.

Bên cạnh đa số những ý kiến cho rằng đây là phương án khó khả thi thì cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự đồng tình với tầm nhìn của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải một bài viết với những đánh giá, nhìn nhận vấn đề của một bạn đọc gửi đến tòa soạn. Mời bạn đọc cùng theo dõi: 
Quả thực, trong thời gian vừa qua, đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân được đổi tên thành phí hạn chế phương tiện giao thông đường bộ và mức tăng ở năm liền kề được giảm xuống 5% so với 10% như tờ trình số 8868/TTr-BGTVT ngày 28/12/2011 mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất đã gặp phải rất nhiều những ý kiến trái chiều khác nhau trong dư luận xã hội. Đã có rất nhiều những luồng ý kiến bày tỏ sự phản đối và cho rằng đây là đề án bất khả thi, không tôn trọng quyền lợi, ảnh hưởng đến đời sống của người dân... Trong bài viết này của mình, tôi không phản bác những ý kiến chính đáng của người dân, mà tôi chỉ mong muốn mọi người hãy có một cái nhìn khách quan, toàn diện mang tầm vĩ mô hơn để cùng chung tay giải quyết vấn nạn ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng


Trước hết, tôi cũng xin khẳng định ngay, tôi cũng chỉ là một người dân, cũng hàng ngày đi xe máy đi làm, cũng phải chịu những nỗi lo về cơm áo, gạo tiền nhưng thực sự tôi ủng hộ những đề xuất mạnh mẽ trong việc thu phí giao thông đường bộ mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra trong thời gian qua nhằm giải quyết mục tiêu cao nhất là chống ùn tắc, tai nạn giao thông. Điều đầu tiên, mỗi người chúng ta và đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đều phải thừa nhận rằng, trật tự an toàn giao thông là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay trong xã hội. Bởi lẽ, mỗi khi lưu thông trên đường là sự ám ảnh với những nỗi lo ùn tắc giao thông và nơm nớp lo sợ những vụ tai nạn thảm khốc, kinh hoàng. Nỗi lo đó đâu chỉ của những người đi trên đường mà còn của cả những người ở nhà, luôn mang nặng nỗi lo âu đối với những người thân đang lưu thông trên đường.  Để giải quyết vấn đề này, trên thực tế từ nhiều năm qua, chúng ta đã đưa ra không ít những "sáng kiến", "chiêu" khác nhau, tốn kém rất nhiều nhưng chưa có một sáng kiến, một ai có thể giải quyết được thành công vấn nạn này. Vì vậy, ở đây, cần phải có một người dám mạnh dạn, dũng cảm như Bộ trưởng Thăng, dám đặt cược cả uy tín của mình để đứng ra làm việc này với một biện pháp mạnh, đánh thẳng vào túi tiền của người dân. Cùng với đó, một thực tế mà chúng ta cũng nên thừa nhận rõ với nhau, đó là vấn nạn tai nạn giao thông gia tăng hiện nay luôn tỷ lệ thuận với sự gia tăng các phương tiện giao thông và nó đã tạo ra một nghịch lý ở chỗ, trong khi nhu cầu sử dụng phương tiện luôn tăng cao mà yêu cầu phải giảm thiểu tai nạn và chống ùn tắc giao thông, thì đó là một điều khó thực hiện...  Như các con số được các cơ quan chức năng, báo chí thống kê đưa ra thì vài năm trở lại đây, lượng xe cá nhân, đặc biệt là ôtô ở các đô thị lớn của chúng ta tăng nhanh đến chóng mặt. Nhưng, một điều chắc nhiều người sẽ phải công nhận với tôi, đó là chẳng qua ai cũng thích oai, muốn sắm cho mình một chiếc xe cá nhân cho khỏi lệ thuộc người khác và thể hiện mình là người giàu sang thuộc tầng lớp trên. Có những gia đình mỗi người một xe ôtô, có những đại gia sắm xe tiền chục tỷ. Trong khi cơ sở hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn chưa phát triển kịp do nhiều nguyên nhân mà đặc biệt là thiếu vốn đầu tư thì áp lực gia tăng phương tiện chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông tăng cao. Nhiều người cho rằng, có nhiều cách để giảm thiểu tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông nhưng theo tôi giảm bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cá nhân là điều cần phải thực hiện cấp bách. Cùng với đó, là việc phải tăng cường đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nâng cao chất lượng phương tiện công cộng... Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì vấn nạn ùn tắc, tai nạn mới giảm được. Ta cũng thử nhìn xem một chíếc ô tô chiếm diện tích tối thiểu từ 6m2 – đến 20 mét vuông diện tích mặt đường tuỳ theo xe con hoặc xe tải hay xe khách loại lớn. Xe ô tô là đối tượng chính gây cản trở và ùn tắc giao thông . Nhưng nhiều người không ý thức được điều này !!!. Họ tuỳ tiện sử dụng phương tiện một cách lãng phí vô tội vạ, không có việc gì quan trọng và cần thiết cũng một mình một xe. Đi đón con, ra chợ mua rau... trên đoạn đường chưa đầy một km cũng chễm chệ đánh cả ô tô, chiếm hết lòng đường , không hiếm người chạy ra đường để chỉ "lượn chơi", vừa gây ách tắc giao thông, lãng phí xăng dầu vừa gây mất trật tự công cộng và tăng thêm lượng khí thải độc hại vào môi trường...
Với đề án mạnh mẽ lần này của Bộ trưởng Thăng, cùng với những giải pháp đồng bộ chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông sẽ có chiều hướng tích cực hơn (ảnh: Internet)
Với đề án mạnh mẽ lần này của Bộ trưởng Thăng, cùng với những giải pháp đồng bộ chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông sẽ có chiều hướng tích cực hơn (ảnh: Internet)

Cũng cần nói thêm, những người sử dụng ô tô riêng đa phần là những người khá giả, có điều kiện hơn về tài chính để sử dụng xe ô tô cá nhân. Nay có thu thêm một khoản phí nhằm vào các đối tượng này để có thêm nguồn kinh phí đóng góp cho việc xây dựng và bảo trì các công trình giao thông đường bộ thì liệu có quá ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ?. Với riêng tôi, thì tôi cho rằng thu phí hạn chế lưu hành xe cá nhân trên các đoạn đường thường hay ùn tắc giao thông là cần thiết, những người có ý thức tiết kiệm họ sẽ đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho xe ra đường... Chỉ khi nào thật cần thiết họ mới sử dụng xe ô tô. Thực tế, nhìn nhận khách quan mà nói, dân Việt Nam ta thấy cái gì ban đầu cũng kêu ca. Còn nhớ khi Chính Phủ có Nghị định về việc bắt buộc người ngồi trên xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường, thì ai cũng kêu ca về sự bất tiện, tốn kém nhưng cho đến hiện tại thì ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Và nhiều người đã ví von cái sự kêu ca đó, chẳng qua là cái tầm nhìn "ếch ngồi đáy giếng" của không ít người dân. Ở đây, tôi không dám dùng từ nào để ví von sự kêu ca của người dân nhưng tôi cho rằng, chúng ta hãy nhìn xa hơn, dài hơn một chút thì sẽ thấy được cái tầm nhìn vì mô của Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đưa ra đề xuất này. Tôi cũng xin được dẫn lại câu nói của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi nói về việc thu phí bảo trì đường bộ, nhiều ý kiến cho rằng phí quá cao và phí chồng phí, Bí thư Nghị nhận định: Sao không hỏi người dân mua ôtô thì tiền ở đâu? “Đường sá xấu thế này, chỉ đòi hỏi đóng số tiền vài triệu để bảo trì đường, đã kêu ầm lên”. Đề xuất của Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra rất mạnh mẽ, đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân và như dân gian vẫn thường nói chẳng có ai là hoàn hảo 100% cả nên ở đây chắc chắn có nhiều điểm cũng chưa thực sự hoàn hảo. Nhưng theo tôi, thà rằng chấp nhận sự chưa thực sự hoàn hảo đó để cùng sửa dần còn hơn là không làm gì. Tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng.  Thêm nữa, chúng ta cũng thấy rằng, trên thực tế nhiều khi chân lý nhiều lại không thuộc về số đông. Với phương pháp mạnh mẽ của Bộ trưởng Thăng lúc đầu có thể còn có những ý kiến trái chiều nhưng khi đưa vào thực hiện cùng với những giải pháp đồng bộ khác chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Tôi hoàn toàn ủng hộ ông. Còn với người còn có những ý kiến trái chiều, tôi cho rằng, hãy làm đi chứ ở đấy mà giương mắt chê Bộ trưởng Thăng thì quá dễ.
Độc giả Thiện Tâm