Hãy nhìn thất bại như một bài học kinh nghiệm

17/10/2015 07:16
Ngọc Bích
(GDVN) - Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa cho rằng: Mỗi bài học thất bại sẽ tạo thành một cơ hội để bản thân học hỏi, cải thiện, tạo thành công trong tương lai.

Ngày 13/10, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa (Bhutan) tham gia tọa đàm về chủ đề “Doanh nhân và Hạnh phúc” tại TP. Hồ Chí Minh nhằm giải đáp những băn khoăn của các doanh nhân Việt. 

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa (Bhutan) tham gia tọa đàm về chủ đề “Doanh nhân và Hạnh phúc” tại TP. Hồ Chí Minh
Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa (Bhutan) tham gia tọa đàm về chủ đề “Doanh nhân và Hạnh phúc” tại TP. Hồ Chí Minh

Đức Nhiếp Chính Vương giải thích: Hạnh phúc chính là sự tự do trong tâm không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố ngoại cảnh bên ngoài. 

Bản ngã thường có thói quen gán cho một điều gì đó là hay hoặc dở và đây chính là điều dở, bởi chúng ta cần hiểu những tư duy, khái niệm phân biệt này chỉ là sự phóng chiếu và sẽ cản trở chúng ta trải nghiệm hạnh phúc. Hạnh phúc chân thật chỉ có thể trải nghiệm khi chúng ta vượt thoát lên tất cả sự bám chấp đó.

Có nghĩa là hạnh phúc hay khổ đau là do tâm mình phóng chiếu mà ra. Khi đó chúng ta mới có được sự tự do, chúng ta hiểu được hạnh phúc hay khổ đau đều là sự lựa chọn của mình.

Đức Nhiếp Chính Vương gặp mặt các doanh nhân tại buổi tọa đàm
Đức Nhiếp Chính Vương gặp mặt các doanh nhân tại buổi tọa đàm

Trong kinh doanh thường gắn với cạnh tranh, thắng thua nhưng Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa cho rằng, có “Chiến lược đại dương xanh” có nghĩa là chúng ta có thể thành công trong kinh doanh mà không cần phải ganh đua, chà đạp làm tổn thương người khác. 

Ngài khẳng định: “Tôi nghĩ rằng tư duy cạnh tranh trong kinh doanh không hề mâu thuẫn trong đạo Phật. Bởi trong đạo Phật cũng cần cạnh tranh, cạnh tranh được hiểu theo ý nghĩa tất cả mọi người cùng phấn đấu làm mọi việc tốt nhất để làm lợi lạc chúng sinh”. 

Điều đó có nghĩa là, chúng ta có thể cạnh tranh nhưng mục tiêu lớn nhất vẫn phải là phụng sự xã hội, tạo ra lợi lạc cho tất cả mọi người, cho thiên nhiên môi trường và toàn xã hội. 

Để có được sự cân bằng giữa thành công trong kinh doanh và hạnh phúc gia đình đối với nữ doanh nhân, Ngài khuyên rằng: Chúng ta cần biết tận dụng tối đa điều kiện mình đang có để làm tốt nhất hoàn cảnh đang đối mặt. 

Đối với nữ doanh nhân cần phải cố gắng bất cứ khi nào có thời gian, mình đều dành thời gian cho gia đình và không phải quá lo lắng về những bận rộn khác của công việc.

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa kí tặng sách
Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa kí tặng sách

Biết rằng cuộc sống doanh nhân rất bận rộn, nhiều khi không dành nhiều thời gian cho con cái nhưng thay vì điều đó thì hãy dạy con cái cách tri ân những gì đang có trong cuộc sống, tri ân hoàn cảnh của chính mình để sống cuộc sống hạnh phúc hơn. 

Trong cuộc sống đặc biệt ở lĩnh vực kinh doanh không thể tránh khỏi thất bại, Đức Nhiếp Chính Vương cho rằng, mỗi chúng ta hãy nhìn thất bại như một bài học kinh nghiệm để tích lũy trí tuệ. Khi đó mỗi bài học thất bại sẽ tạo thành một cơ hội để bản thân học hỏi, cải thiện, tạo thành công trong tương lai. 

Trong cuộc sống rất khó để phán xét được người khác, trừ khi chúng ta có khả năng đọc thấu tâm lý của mọi người. Khó có thể xem động cơ nào đứng sau hành động của mỗi người.

Theo Ngài, điều quan trọng là chúng ta không thể chuyển hoá người khác bằng cách chỉ trích, chúng ta chỉ có thể chuyển hoá bằng sự hiểu biết và tri ân những điều tích cực. Và chỉ có việc làm mới có thể giúp con người trở nên tốt đẹp, làm thêm nhiều việc thiện hơn. 

Để đạt được tâm bình an trong cuộc sống, Đức Nhiếp Chính Vương khuyên rằng, thiền định là phương pháp hữu hiệu giúp mỗi chúng ta kiểm soát, cân bằng được tâm trí của bản thân để sống an lạc, thoải mái. Điều đó có nghĩa là mọi vui, buồn, hạnh phúc đều xuất phát từ tâm. 










Ngọc Bích