Hết tin tưởng và kiên nhẫn với EVN!

24/11/2011 07:54
Theo VEF.VN
Sự trần tình của vị Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh về chuyện lỗ, nợ và lương 7,3 triệu đồng/tháng hòng mong sẽ nhận được nhiều sự thông cảm, chia sẻ...

Nhưng rốt cục, lại phản tác dụng. Nhiều bạn đọc phản đối nghịch lý: tăng giá để bù lỗ.

Bởi vì những con số được đưa ra ánh sáng một cách chính thống đó đá nhau chan chát, như lỗ kinh doanh điện hơn 10.000 tỷ đồng mà lương lại 7,3 triệu đồng/năm; lỗ sẽ phân bổ vào giá bán điện, mỗi kWh "âm" mất 300 đồng mà giá bán điện EVN muốn thì lại không công bố. Đỉnh điểm hơn là mức lương 7,3 triệu đồng/người - quá cao so với với mức bình quân 3-4 triệu đồng/người của khối DNNN hiện nay, mà ông Phạm Lê Thanh lại đau lòng bày tỏ đó là thấp, không đủ sống.

Vì lẽ đó, hệ quả tất yếu là "búa rìu" dư luận đổ lên đầu vị tổng giám đốc này. Sau khi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) đăng loạt bài phân tích mổ xẻ chuyện ngành điện..., hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về với nhiều cung bậc cảm xúc: phản đối gay gắt, xối xả và cả cay nghiệt.

Người tiêu dùng không phải là quá đáng với EVN đến mức không hiểu logic về chuyện thua lỗ, nợ nần do giá điện thấp. Vấn đề mấu chốt ở chỗ, lãnh đạo EVN và cả Bộ Công Thương lại không minh bạch khi ẩn đi ý đồ muốn tăng giá điện hơn là muốn minh bạch lỗ - nợ để rút kinh nghiệm, để tái cấu trúc và khắc phục khó khăn.

Cách chức để răn đe căn bệnh thua lỗ

Phản hồi bài viết "EVN giấu nhẹm việc tăng giá điện và chuyện lobuy", độc giả Phuonghongdatvo thẳng thắn: "Lỗ thì EVN phải tìm ra nguyên nhân lỗ. Nếu là do lãnh đạo tập đoàn yếu kém trong quản lý thì phải kỷ luật, thay thế lãnh đạo".

"Lỗ mà tiền lương, tiền thưởng của cán bộ thì cao vào TOP nhất nhì nước, thử hỏi, lãnh đạo EVN còn có tâm của một nhà doanh nghiệp nữa không?", độc giả này than thở.

Cũng quyết liệt phản đối lý lẽ của Tổng giám đốc EVN, độc giả Nguyeledinhbao cho rằng, việc cần làm là "xóa bỏ độc quyền, thay cán bộ làm việc không hiệu quả nếu liên tiếp để thua lỗ, đặc biệt là cấp lãnh đạo. Không hoàn thành trách nhiệm thì sa thải là cách tốt nhất để răn đe chấn chỉnh việc thua lỗ!".

Độc giả Lindatrankiem hoài nghi: "Tôi không tin rằng EVN nếu không tăng giá điện thì lỗ và sẽ dẫn đến phá sản.  Nếu như EVN lỗ thì đây là lỗ do cách quản lý. Nguyên nhân vì sao thì ai cũng biết. EVN là tập đoàn của nhà nước, độc quyền và được cưng chiều! Nếu như Chính phủ tăng giá điện thì chỉ 2-3 năm nữa EVN sẽ có cả 1.000 lý do để kêu lên là lỗ và cần tăng giá điện. Rồi đồng ý tăng, rồi lỗ lại tăng".

Không thể bắt dân gánh lỗ

Phép logic này được hầu hết độc giả đồng tình. Bởi như bạn đọc Romeo839044 định nghĩa và phân tích: "Tập đoàn Điện là DNNN, được sinh ra và sống bằng tiền của Ngân sách, tiền của dân thì đương nhiên phải phục vụ trước hết cho dân. Nếu EVN nói lỗ thì ai lỗ, hay chính là dân lỗ?  Hay cá nhân ông EVN vì quản lý yếu kém nên dẫn đến thất thoát và thu lỗ? Bây giờ bắt người dân đóng góp thêm bằng việc tăng giá điện để bù vào chỗ bị thất thoát, liệu có thể chấp nhận được không?".

Độc giả Tiến cũng khẳng định: "Không thể có chuyện bắt người dân chịu lỗ cho các khoản đầu tư ngoài ngành kiểu này được. Phải minh bạch khoản lỗ của EVN chính xác từ đâu để có hướng giải quyết".

Độc giả Hoàng Minh chỉ ra nghịch lý: "Mua điện giá rẻ thì không đề cập đến mà chỉ đề cập đến chạy dầu phát điện. Hơn nữa, lương bình quân của ngành điện là 7,3 triệu đồng/tháng mà lãnh đạo ngành điện nói là không sống nổi thì lương chúng tôi chỉ gần 2 triệu đồng/tháng chắc là chết đói rồi".

Minh bạch để làm gì?

Độc giả 84ttâm đặt vấn đề: Tại sao Bộ Công Thương muốn "bật đèn xanh cho EVN tăng giá điện" mà không "đứng về phía 90 triệu dân" đang sử dụng điện? Họ đang khốn khổ vì bị cắt điện vào mùa nắng nóng do thiếu điện, các doanh nghiệp phải khổ vì sản xuất đình trệ. Lãnh đạo Bộ Công Thương cần hướng tới công bằng xã hội cho người dân, tìm giải pháp nào đó tháo gỡ khó khăn cho EVN. Đừng bắt người dân chúng tôi phải trả nợ thay cho EVN. Khi mọi sự được rõ ràng, minh bạch chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giá cả mà Chính phủ thống nhất quy định".

Rốt cục, họp báo để minh bạch công khai giá thành điện lại không nhằm để minh bạch thật sự. Vì uẩn khúc sau đó là những dấu hỏi về đợt tăng giá điện rình rập sắp tới vẫn chưa được trả lời. Những người có thông tin đầy đủ như lãnh đạo EVN, hay vị Thứ trưởng Bộ Công Thương chính là tác giả của các bản đề án tăng giá điện nhưng lại luôn trốn tránh dư luận sự thật, minh bạch lỗ là để ép tăng giá điện?

Bạn đọc Nguyen chia sẻ: "Tôi thật sự ngạc nhiên trước cách nói chuyện mập mờ của vị Thứ trưởng. Nếu thật sự tăng giá điện là việc bắt buộc và cấp bách, tăng giá điện là chuyện dù không muốn nhưng vẫn phải làm. Thì tại sao cứ không rõ ràng?"

Phản hồi về bài "Cáo lỗ nặng, EVN lại đòi tăng giá", bạn đọc Vietthuan2007 bày tỏ: "Tôi tin tưởng rằng toàn thể các cử tri Việt Nam mong muốn và sẵn sàng đóng góp tiền của để thuê một cơ quan kiểm toán độc lập quốc tế nhằm minh bạch hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh của EVN. Bất luận kết quả ra sao thì người dân cũng đồng thuận mua điện với giá đúng theo thị trường. Bởi vì người dân đã hết kiên nhẫn và tin tưởng vào EVN nữa rồi".

Như độc giả này phân tích, người dân muốn ngành điện minh bạch là để hiểu thấu đáo ngọn ngành "nỗi khổ tâm" của ngành điện để từ đó, sẵn sàng chịu thêm vài đợt tăng giá điện nếu điều đó là đúng.

Tuy nhiên, EVN minh bạch lại theo kiểu nửa vời!

Khá nhiều bạn đọc cho rằng, đáng lý ra, người công bố giá thành điện phải là cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Theo độc giả Hung, "không nên để Bộ Công Thương giải trình khoản lỗ của EVN. Có khác nào mẹ con phụ họa với nhau về hoạt động thiếu minh bạch của mình. Cần phải nhanh chóng có kiểm toán độc lập và uy tín vào cuộc".

Không dừng lại ở chỉ trích, phê phán EVN, nhiều bạn đọc cho rằng, đây là thời điểm không gì tốt hơn là để EVN phá sản, cải tổ lại thành nhiều công ty chuyên ngành: phát điện riêng, truyền dẫn riêng và bán điện nhiều cấp riêng. Thà đau một lần còn hơn tiếp tục nuôi báo cô một "cậu ấm hư hỏng", bạn đọc Hoàng Hà viết.

Theo VEF.VN