Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông: Đi lại tự do, chứ không phải đi qua vô hại

06/11/2015 06:49
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ tuyên bố, sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra Biển Đông để bác bỏ yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc như Mỹ đã làm trong nhiều năm trên thế giới.

BBC Anh ngày 5 tháng 11 đưa tin, tại Washington ngày 4 tháng 11, người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Jeff Davis cho biết, ở Biển Đông, tàu chiến Mỹ hoàn toàn không phải đi qua vô hại (innocent passage), mà là đi lại tự do (freedom of navigation).

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Jeff Davis
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Jeff Davis

Sự khác biệt này cho thấy hành động tuần tra Biển Đông đợt mới do Mỹ triển khai gần đây là đang thách thức rõ ràng đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với những đá ngầm đó.

Jeff Davis chỉ ra, đi qua vô hại áp dụng cho vùng biển quần đảo, chẳng hạn vài tháng trước tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Bering, Alaska, Mỹ chính là đi qua vô hại điển hình.

Jeff Davis giải thích, đi qua vô hại là chỉ nhất thiết phải đi qua lãnh hải của một nước mới có thể đến vùng biển cụ thể.

Davis nói: “Hành động đi lại tự do là hành động chúng tôi dùng để ứng phó với yêu sách vượt quyền (excessive claims)”. Mỹ đã tiến hành hành động đi lại tự do vài chục năm, nhưng hoàn toàn không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào.

Tàu khu trục Aegis Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ
Tàu khu trục Aegis Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ

“Năm tài khóa trước, chúng tôi đã áp dụng hành động đi lại tự do đối với 18 nước khác nhau. Đối với 18 nước có yêu sách lãnh hải vượt quyền này, chúng tôi dùng phương thức đi qua để thách thức yêu sách vượt quyền của họ” – Davis nói, trong 18 nước này cũng có đồng minh của Mỹ.

Căn cứ vào tài liệu chính thức của Lầu Năm Góc, những nước này bao gồm Philippines, Malaysia và Hàn Quốc, cũng bao gồm Iran và Venezuela.

“Chúng tôi đã nhìn thấy yêu sách vượt quyền thì chúng tôi sẽ đi thách thức nó”. Theo Jeff Davis: “Chúng tôi làm như vậy hoàn toàn không phải là vì tư lợi, tôi cho rằng điểm này rất quan trọng. Trong tất cả các bên chủ trương chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ hoàn toàn không phải là thành viên trong đó, chúng tôi không có chủ trương (lãnh hải) ở đó”.

Jeff Davis cho biết, Mỹ hy vọng Biển Đông tiếp tục là tuyến đường hàng hải quốc tế, để tất cả các nước có thể đi lại tự do. “Điều làm chúng tôi lo ngại không chỉ là bồi lấp, xây đảo nhân tạo nhanh chóng và công tác khai thác đang tiến hành, mà còn có quân sự hóa ở đó”.

Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông

Nhưng, tại sao Mỹ lựa chọn tháng 10 bắt đầu triển khai tuần tra ở lân cận đá ngầm Biển Đông, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng phải chăng có bất đồng trong vấn đề áp dụng hành động đối với Trung Quốc?

Jeff Davis không thừa nhận, cũng không phủ nhận. Ông cho biết, không thể tiết lộ những trao đổi nội bộ giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Nhưng, ông tiếp tục nhấn mạnh, hành vi của Mỹ hoàn toàn không xuất phát từ tư lợi.

“Hành động này không phải là vì chúng tôi”. Davis nói: “Điều này hoàn toàn không phải là chúng tôi muốn xác nhận quyền lợi lãnh thổ. Điều làm chúng tôi lo ngại là, trong khi thiếu tiến trình ngoại giao quốc tế, thì có những hành động muốn thông qua bồi lấp biển và quân sự hóa (đá ngầm), đơn phương xác nhận quyền lợi lãnh thổ”.

Đối với việc một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Mỹ sẽ tuần tra lân cận đảo nhân tạo do Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền (bất hợp pháp) ở Biển Đông với tần suất là “1 quý 2 lần”, Jeff Davis từ chối xác nhận tần suất tuần tra này.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt CVN-71 Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt CVN-71 Hải quân Mỹ
Đông Bình