Học giả Thái Lan: 5 "chìa khóa" giúp ASEAN tháo gỡ bế tắc biển Đông

06/08/2012 19:30
Nguyễn Hường (nguồn Nation)
(GDVN) - ASEAN cần tìm ra một giải pháp mới, nếu không, những căng thẳng trong khu vực hàng hải giàu có này sẽ dễ dàng biến thành mối quan hệ đối đầu bất lợi vượt ra ngoài phạm vi khu vực.
Trong tháng qua, ASEAN đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là những bất đồng xung quanh vấn đề căng thẳng leo thang trên biển Đông sau một loạt hành động leo thang từ phía Trung Quốc. Cây viết kỳ cựu, chuyên gia bình luận thời sự của tờ The Nation xuất bản tại Thái Lan, nhà báo Kavi Chongkittavorn đã đưa ra 5 "chìa khóa" mà theo ông nếu thực hiện theo đó, ASEAN sẽ hóa giải bất đồng nội khối và tìm được lối thoát cho tình hình căng thẳng trên biển Đông. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài phân tích của nhà báo Kavi Chongkittavorn.

Nhà bình luận thời sự - chính trị, cây viết kỳ cựu của tờ The Nation Thái Lan, Kavi Chongkittavorn
Nhà bình luận thời sự - chính trị, cây viết kỳ cựu của tờ The Nation Thái Lan,  Kavi Chongkittavorn

ASEAN đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong tháng qua khi lần đầu tiên trong 45 năm hoạt động, một Hội nghị Ngoại trưởng của khối đã không ra được Tuyên bố chung vì những bất đồng xung quanh vấn đề biển Đông. Để hóa giải bất đồng, ASEAN cần phải làm ngay những việc quan trọng.

Trước hết, chức Tổng thư ký ASEAN cần phải được bổ nhiệm càng nhanh chóng càng tốt vì nó liên quan tới rất nhiều quyết định quan trọng của tổ chức. Được biết, tại hội nghị AMM-45 ở Campuchia, các Ngoại trưởng ASEAN đã ủng hộ đề cử Tổng thư ký tiếp theo của ASEAN là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh.

Nhiệm kỳ của tân Tổng thư ký ASEAN sẽ bắt đầu từ tháng 1/2013 đến 2/2017. Hồ sơ của ứng cử viên sáng giá nhất sẽ phải đệ trình để các nhà lãnh đạo ASEAN phê duyệt chính thức vào giữa tháng 11 tới. Nếu không làm được như vậy, ASEAN sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhà lãnh đạo mới
Trong khi đó, vấn đề Biển Đông rõ ràng cũng cần phải được trình bày một cách khéo léo hơn nữa để đạt được sự đồng thuận từ tất cả các thành viên ASEAN. Trong trường hợp này, trên cương vị là Chủ tịch tiếp theo của ASEAN, Việt Nam và Philippines sẽ phải gặp gỡ trực tiếp với nhau và hòa giải các vấn đề của hai bên để đạt được đồng thuận. Bản tuyên bố gồm 6 nguyên tắc trên Biển Đông do Indonesia khởi xướng đã thể hiện khá hữu ích. Nó có thể được sử dụng như một tài liệu hỗ trợ để thành lập văn bản chính sau này.

Ngoại trưởng Indonesia đã nỗ lực rất nhiều nhằm hàn gắn ASEAN với chuyến ngoại giao con thoi sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh mà không ra được tuyên bố chung
Ngoại trưởng Indonesia đã nỗ lực rất nhiều nhằm hàn gắn ASEAN với chuyến ngoại giao con thoi sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh mà không ra được tuyên bố chung

Các Ngoại trưởng ASEAN cũng cần phải ngồi lại với nhau một lần nữa để thảo luận về những vấn đề quan trọng. Lợi ích của ASEAN phải đặt lên hàng đầu. Đây không phải là lần đầu tiên ASEAN bị mắc kẹt trong các vấn đề liên quan tới xung đột.

Trong những thập kỷ trước, ASEAN đã đạt được nhiều thành công và vượt qua nhiều vấn đề liên quan tới xung đột giữa Palestine và Israel ở Trung Đông, Ấn Độ và Pakistan về vấn đề Khashmire, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên và cuộc xung đột mới nhất hồi năm ngoái giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh một ngôi đền Hindu cổ.

Dù quyết định cuối cùng của ASEAN là gì, các thành viên đều chấp thuận và tùy cơ hành xử phù hợp với điều kiện của nước mình.
Thứ hai, các thành viên ASEAN cũng cần phải chủ động hơn. Tại thời điểm này, Indonesia là thành viên duy nhất đứng ra làm trung gian hòa giải cho các xung đột nội bộ của ASEAN nhờ sáng kiến của Ngoại trưởng Mart Natalegawa và các chương trình ngoại giao con thoi.

Chắc chắn, với tư cách là thành viên đông dân nhất của ASEAN, bằng kinh nghiệm và trí tuệ của mình, các nhà lãnh đạo Indonesia sẽ gây ảnh hưởng không ít tới chỉnh thể chính trị tương lai của tổ chức này.

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/7/2012 về các vấn đề liên quan đến biển tranh chấp Biển Đông. Mặc dù có sự chia rẽ, nhưng ASEAN vẫn đang chờ đợi đạt được sự đồng thuận về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Ảnh EPA
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/7/2012 về các vấn đề liên quan đến biển tranh chấp Biển Đông. Mặc dù có sự chia rẽ, nhưng ASEAN vẫn đang chờ đợi đạt được sự đồng thuận về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Ảnh EPA

Thái Lan và Singapore cũng đóng vai trò tích cực không kém trên cương vị của mình. Tuy nhiên, hai quốc gia này đang phải đối mặt với các vấn đề cấp bách trong nước. Thái Lan là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc nên cần phải thể hiện cho các thành viên trong tổ chức thấy rằng Bangkok có thể sử dụng phương thức ngoại giao để đạt được sự đồng thuận đặc biệt trong cộng đồng ASEAN ở thời điểm quan trọng này. 
Thứ 3, tất cả các bên tranh chấp cần phải đạt được đồng thuận với một mô hình hợp tác lý tưởng để các tuyên bố chồng chéo về chủ quyền đối với các đảo tranh chấp có thể được giải quyết trong tương lai gần. Nó có thể giống như việc thông qua một quy định bắt buộc mà các thành viên ASEAN đã áp dụng giải quyết thành công tranh chấp giữa Thái Lan và Malaysia tại vịnh Thái Lan năm 1979, đem lại cho hai bên lợi ích ngang bằng nhau. 
Trong năm 2008, dựa trên phương châm của Đặng Tiểu Bình đặt chủ trương phát triển thương mại lên hàng đầu và đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền sang một bên, Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý cho phép các công ty dầu mỏ nhà nước của họ tiến hành khảo sát địa chấn chung tại vùng biển tranh chấp.

Sau đó vài tháng, Việt Nam quyết định tham gia các thỏa thuận song phương với sự hỗ trợ của Philippines và Trung Quốc. Việc 3 bên bắt tay cùng hợp tác được coi như một hình mẫu. Nếu sự hợp tác Philippines-Trung Quốc được tiến hành từ trước theo phương thức này, có thể bức tranh tổng thể của cuộc xung đột hiện nay đã có nhiều yếu tố thuận lợi hơn cho việc giải quyết nó một cách hòa bình.
Tuy nhiên, hiện tại ASEAN lại không có một mô hình thích hợp nào để có thể áp dụng theo bởi gần như tất cả các bên liên quan tới xung đột đều khẳng định tuyên bố riêng của mình, đưa ra các bằng chứng chứng minh chủ quyền của riêng mình. Vấn đề trở nên phức tạp thêm khi Việt Nam gọi vùng biển tranh chấp là Biển Đông còn Philippines gọi là biển Tây Philippines. 

ASEAN cần tiếp tục duy trì các đàm phán về vấn đề Biển Đông như họ đã từng làm trong quá khứ với Trung Quốc ở Diễn đàn ASEAN+1.
ASEAN cần tiếp tục duy trì các đàm phán về vấn đề Biển Đông như họ đã từng làm trong quá khứ với Trung Quốc ở Diễn đàn ASEAN+1.

Nhưng nhìn nhận sâu hơn nữa vào vấn đề, các bên đều nhận ra rằng họ cần phải hạ cái tôi xuống để có thể kết thúc được bế tắc hiện tại. Nhưng phải làm thế nào để không bị thiệt thòi nhiều nhất là điều khiến các bên có liên quan đang phiền lòng. 
Thứ 4, ASEAN cần tiếp tục duy trì các đàm phán về vấn đề Biển Đông như họ đã từng làm trong quá khứ với Trung Quốc ở Diễn đàn ASEAN+1. Tại các diễn đàn khác như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Plus sắp tới, các nhà lãnh đạo có thể đẩy mạnh bất kỳ vấn đề nào mà họ quan tâm mà có hoặc không cần có sự đồng ý của ASEAN.

Trung Quốc và ASEAN cũng cần phải nhìn lại cách họ đã phá vỡ thế bế tắc trong mối quan hệ trong tranh chấp bãi đá ngầm Mischief như hồi tháng 4.1995.
Ngoài ra, một khi tất cả các bên đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với COC thì họ nên cho phép các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc thông qua COC mà không có trở ngại. Sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc tham gia đàm phán COC với ASEAN cũng cần phải được phục hồi.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia trong tháng trước
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia trong tháng trước

Để thể hiện thiện chí, Trung Quốc cũng cần phải đưa ra các hướng dẫn cụ thể để ASEAN có thể sử dụng 500 triệu USD từ quỹ hợp tác hàng hải thành lập năm ngoái, cho các dự án phát triển kinh doanh và nghiên cứu.
Thứ 5, để có thể trụ lại và chơi được tại các đấu trường lớn, ASEAN cần phải được chuẩn bị tốt, nhất là cần phải tăng cường năng lực của ban Thư ký ASEAN. Tại thời điểm này, cơ quan này tỏ ra tương đối thiếu đầu tư và yếu kém, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị/an ninh và xã hội/văn hóa. 
Thực tế, trong khi các nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực hiện tại của Tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Surin Pitsuwan, nhằm tăng cường sức mạnh của ban Thư ký ASEAN và các cơ quan khác, thì họ lại chưa bao giờ nghĩ tới chính xác cần phải làm gì để ban Thư ký ASEAN trở nên mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thành các nhiệm vụ của mình. 
Nếu không có bất kỳ định hướng nào rõ ràng, ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách và sau đó bị xói mòn trước các đối tác "bình đẳng" trong các đối thoại bên ngoài khu vực. Quyết định vào phút cuối của Pháp, Mỹ và Anh trong việc trì hoãn ký kết Hiệp ước Bangkok (Southeast Asian Nuclear Weapons Free Zone) là dấu hiệu cho thấy mối liên hệ phát triển giữa ASEAN và các nước lớn và khả năng gây ảnh hưởng tới sự phát triển của ASEAN sau này. 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Nguyễn Hường (nguồn Nation)