Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ"

15/07/2017 06:00
Vương Thủy
(GDVN) - Ngày 14/7/2017, Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ: Lý luận và Thực tiễn” đã diễn ra tại Hà Nội.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Người có công và Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã tổ chức Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ: Lý luận và Thực tiễn”.

Đến dự hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công, ông Bùi Đức Tùng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội và gần 100 đại diện các cơ quan báo chí…

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp phát biểu nhiều tham luận về tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công tác thương binh, liệt sỹ cũng như ý nghĩa và hoạt động thực tiễn của công tác này.

Ngày 14/7/2017, Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ: Lý luận và Thực tiễn” đã diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh: TC)
Ngày 14/7/2017, Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ: Lý luận và Thực tiễn” đã diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh: TC)

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung chia sẻ nội dung và ý nghĩa của bức thư Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc.

Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bức thư, bài nói, bài viết thể hiện tình cảm sâu sắc, tri ân tới những người đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc.

Một trong những bức thư đó là “Thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” được Hồ Chủ tịch viết ngày 17/7/1947.

Đây là Bức thư Bác viết nhân dịp kỷ niệm tổ chức lần đầu “Ngày Thương binh toàn quốc”.

Vì thế, để mọi người hiểu đúng trong việc thực thi chính sách và tôn vinh những người thương binh cho đúng đối tượng, Bác đã định nghĩa thế nào là thương binh:

“... Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt” .

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: TC)
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: TC)

Bằng cách diễn đạt rất ngắn gọn, giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, thương binh chính là những người đã “hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào”.

Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong bức thư.

Đây vừa là thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn của dân tộc”, vừa là nguồn cổ vũ, động viên các chiến sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì Tổ quốc, làm an lòng những người thân của họ.

Trong bức thư, Hồ Chủ tịch cũng chỉ rõ, hoạt động đền ơn đáp nghĩa phải thiết thực, gắn với những hành động cụ thể, chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu chung chung.

70 năm đã trôi qua, những căn dặn mà Bác Hồ viết trong bức thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị; làm cơ sở, nền tảng trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Hiền, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cũng chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động về sự quan tâm thiết thực tới các thương binh, gia đình liệt sỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Cùng với những lời thăm hỏi động viên tinh thần là những món quà vật chất, khi là chiếc áo, khi là tấm khăn.

Đặc biệt Bác thường gửi trọn tháng lương của mình vào dịp này tặng thương binh. Những món quà vật chất, tinh thần ấy đã khích lệ, tiếp thêm nhiều nghị lực cho các đồng chí thương binh.

Không những thế, giữa bộn bề công việc, Người vẫn dành thời gian nhiều lần đến thăm anh em thương binh tại các trại điều dưỡng, bệnh viện hoặc đón tiếp họ tại nơi ở và làm việc của Người", Tiến sĩ Hiền chia sẻ đầy xúc động.

Phát biểu về những chính sách cho người có công trong 70 năm qua, Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết:

Để đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công không ngừng được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước, đồng bộ với những văn bản pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật”.

Theo ông Nguyễn Duy Kiên, đến nay đã có khoảng 9 triệu người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi. Trong đó, có trên 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng.

Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sỹ" ảnh 3

Nhiều hoạt động lớn nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ

Các nội dung ưu đãi người có công với cách mạng được luật pháp hoá, trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống (trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục-đào tạo, về việc làm, ruộng đất, tín dụng, thuế...).

Chính sách ưu đãi xã hội qui định tại Pháp lệnh đã đi vào đời sống xã hội và đạt được nhiều kết quả.

Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước.

Hàng năm ngân sách Nhà nước đã dành gần 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi nhằm không ngừng chăm lo đến đời sống của người có công với cách mạng ngày càng tốt hơn.

97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 96,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.

Qua hội thảo, ông Kiên cũng mong muốn các chính sách dành cho đối tượng thương binh, liệt sỹ được tuyên truyền phổ biến đến đông đảo người dân.

Đối tượng chính sách không phải khiếu kiện, không phải phiền hà vì thiếu thông tin do không được tuyên truyền.

Hội thảo còn có sự đóng góp tham luận và ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền công tác Thương binh, Liệt sỹ của đại diện Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Thái Nguyên...

Vương Thủy