Iran sẽ tấn công Thổ Nhĩ Kỳ?

28/11/2011 06:17
Trịnh Xuân Tuân (Theo RIA, Topwar)
(GDVN) - Tư lệnh hàng không vũ trụ Iran Amir-Ali Hadjizadeh cho hay Iran đã sẵn sàng tấn công hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ Mehr News Agency dẫn lời Tư lệnh hàng không vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Amir-Ali Hadjizadeh rằng Iran đã sẵn sàng tấn công hệ thống  phòng thủ tên lửa của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp Mỹ hoặc Israel tấn công quân sự vào nước này.

"Nếu có một mối đe dọa, ban đầu chúng tôi sẽ tấn công vào hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó sẽ tấn công các khu vực khác." – Hadzhizadeh tuyên bố.

Hadzhizadeh cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ và Israel cần phải xem xét lại học thuyết quốc phòng của mình khi chống lại Tehran, và bây giờ Tehran sẽ "phản ứng với các mối đe dọa."

Chúng ta biết rằng, trong tháng 9 năm 2011, Ankara và Washington đã ký kết một thỏa thuận về việc đặt các đài radar của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ như là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu (EUROPRO). Theo đó, các đài radar này sẽ được lắp đặt tại một căn cứ quân sự gần thị trấn Kurechik (Kurecik) phía đông nam tỉnh Malaga, Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng trước động thái này, Iran, nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, đã cảnh báo Ankara là quyết định này sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực.

Thông báo của Thổ Nhĩ Kỳ về việc đồng ý cho Hoa Kỳ lắp đặt các đài radar ở nước này được đưa ra một ngày sau khi Romania ký một thỏa thuận cho phép Mỹ đặt tên lửa ngăn chặn trên mặt đất SM-3 như một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Các tên lửa Shahab-2, Fateh-110, Zelzal, Zubin và bavar-737 của Iran

Các tên lửa Shahab-2, Fateh-110, Zelzal, Zubin và bavar-737 của Iran

Đã có 28 nước thành viên của NATO ủng hộ kế hoạch hệ thống chống tên lửa để bảo vệ châu Âu chống lại tên lửa đạn đạo của Iran trong một hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này tại Bồ Đào Nha hồi năm ngoái.
Về phần mình, Iran cũng đã phát triển các hệ thống tên lửa tầm xa. Với những hệ thống tên lửa này Iran có thể xác định mục tiêu trên không và tiêu diệt các tên lửa có cánh, máy bay chiến đấu của đối phương và máy bay chiến lược tầm xa.
Đặc biệt, mới đây, có nguồn tin cho biết rằng, Iran đã chế tạo thành công tên lửa Bavar 373 có thể thay thế hoàn toàn cho S-300. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là một thách thức lớn cho lực lượng Không quân của Mỹ, Israel và Liên quân trong việc tính đến các cuộc không kích vào nước này.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo Ai Cập Al-Akbar Tổng thống Iran hàm ý muốn thách thức Israel và Hoa Kỳ rằng: "Iran có tiềm năng quân sự to lớn trong khu vực và trên thế giới. Iran sẽ đáp trả bất kỳ hành động xâm lược nào, trong đó có Mỹ. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ hành động quân sự chống lại mình."

Tình hình xung quanh Iran leo thang sau khi  Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua bản báo cáo về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này vào ngày 8 tháng 11.

Trong bản báo cáo, IAEA tuyên bố rằng Iran kể từ năm 2003 Iran đã phát triển vũ khí hạt nhân, và hiện tại các hoạt động tương tự vẫn đang diễn ra. Đồng thời IAEA cũng đã thông qua một nghị quyết về Iran .

Nghị quyết kêu gọi Tehran tuân thủ đầy đủ và không trì hoãn các nghĩa vụ của nước này theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ và nhấn mạnh rằng Iran cần tăng cường hợp tác với IAEA. Sau khi nghị quyết được thông qua, Hoa Kỳ, Pháp và cả Anh đã kêu gọi gia tăng biện pháp trừng phạt chống lại quốc gia Trung Đông này.

Trịnh Xuân Tuân (Theo RIA, Topwar)