Nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội:

“Khai man bằng cấp, nhận bừa kiến thức cũng là tham nhũng”

29/09/2011 06:24
Ngọc Quang
(GDVN) - "Họ là những người hư danh. Đồng thời không ít người, khi đã đạt được chức vụ thì ngộ nhận, thiếu khiêm tốn".
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã dành cho PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hơn hai giờ đồng hồ để trao đổi về những vấn đề nội cộm trong công tác quản lý cán bộ hiện nay. Theo ông, công tác tuyển chọn cán bộ vẫn còn quá coi trọng bằng cấp và nếu ai khai man bằng cấp, nhận bừa kiến thức thì đó cũng là một dạng tham nhũng.
Nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội Vũ Mão
Nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội Vũ Mão
Công tác đánh giá cán bộ có vấn đề
Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều sự kiện liên quan đến bệnh háo danh và gian dối của quan chức đã làm nóng dư luận. Thứ trưởng một Bộ khai man bằng Tiến sĩ, Phó Ban Phòng Chống Tham nhũng một thành phố phía Nam ghi chức danh lên thiệp cưới của con, rồi chuyện Vụ phó Vụ quản lý Thị trường trong nước Bộ Công thương mạo nhận đã đi thi toán quốc tế năm 1982… Ông có bình luận gì về những sự việc này?
Ông Vũ Mão: Tôi có theo dõi những thông tin này trên báo chí và rất buồn khi có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo là đảng viên mắc sai phạm, hoặc cách ứng xử không đúng mực, để xảy ra những điều tiếng không tốt, khiến lòng tin của nhân dân bị suy giảm. Chúng ta cũng cần xem lại công tác quản lý cán bộ, khi mà ngày càng có nhiều chuyện như thế này xảy ra.

Những chuyện như vậy trở thành trò cười và khiến dư luận xã hội phản ứng là dễ hiểu. Dư luận dị ứng và coi khinh những hành vi như thế. Những ngày gần đây, báo chí đã nói về trường hợp cán bộ khai man bằng cấp, cũng như những người có tấm bằng mà không đúng với trình độ thực có của mình với mục đích để có đủ điều kiện thuận lợi được đề bạt vị trí lãnh đạo.

Theo tôi, đây cũng là một dạng tham nhũng. Nhận định này chắc rằng chưa có mấy người nghĩ tới vì anh đã biến cái không phải của anh trở thành cái của anh, như thế là tham nhũng rồi.
Có quá lời không nếu nói những cán bộ này khá tùy tiện về lối sống, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Đây là những điểm tối kỵ mà mỗi cán bộ lãnh đạo đã nằm trong hàng ngũ của Đảng cần phải tránh, không để mình vướng vào, vì khi những chuyện không hay đó xảy ra thì trước tiên những người liên quan trực tiếp bị đánh giá về tư cách đạo đức, sau đến nữa là tổ chức nơi các đồng chí này công tác cũng bị ảnh hưởng. Có thể thấy trong xã hội ta hiện nay, còn không ít người chạy theo bằng cấp, chạy theo danh vọng.

Họ là những người hư danh. Đồng thời không ít người, khi đã đạt được chức vụ thì ngộ nhận, thiếu khiêm tốn. Có những người rất khôn ngoan, bên ngoài tỏ ra khiêm tốn, nhẹ nhàng nên được quý mến, nhưng bên trong thì khác. Như vậy công tác đánh giá cán bộ vẫn còn những vấn đề cần xem xét lại và sử chữa ngay từ cơ chế.
Thời ông còn là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có những vụ việc xảy ra như thế không?

Ông Vũ Mão: Có chứ, cũng không ít, nhưng bây giờ thì nhiều hơn. Tôi được tham gia Trung ương tương đối sớm nên có điều kiện gần gũi và quan sát các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở thời điểm ấy để giúp cho mình những bài học về đường đời. Riêng về việc khai trình độ học vấn trong lý lịch của các đồng chí ấy thì có những điều đáng nói.

Lúc đầu, tôi ngạc nhiên vì có không ít đồng chí khai trình độ học vấn của mình là lớp 4, lớp 5, lớp 7... Nhưng càng suy nghĩ tôi càng thấy cảm phục các đồng chí ấy. 
Tôi học tập ở các đồng chí ấy về đức tính thật thà với Đảng, với dân. Tuy học vấn khai như vậy nhưng thực tế trình độ của các đồng chí ấy khá uyên thâm, giải quyết công việc bài bản, diễn thuyết trước công chúng rất hay.

Điều quan trọng mà chúng ta vẫn nói đó là học phải đi đôi với hành, học tập kiến thức là điều cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng thực tiễn cũng vô cùng quan trọng. Ở vào thời kỳ kháng chiến, điều kiện học tập khó khăn, nhưng các đồng chí cán bộ cách mạng vẫn tự thân phấn đấu, họ tự học, tự trau dồi kiến thức từ lớp người đi trước, từ thực tế cuộc sống, học tập kinh nghiệm xây dựng đất nước từ nhiều quốc gia khác… sự phấn đấu ấy đã giúp cho nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cho dù không được học tập bài bản từ nhỏ, nhưng qua thực tiễn đã bồi đắp được kiến thức và đó là nền tảng bền vững cho việc điều hành các hoạt động xây dựng đất nước nhiều năm sau này.


Vậy theo ông, với những cán bộ mắc "bệnh" gian dối và háo danh, ông xử lý ra sao?

Ông Vũ Mão: Tôi là người luôn cân bằng được tình và lý, tuy nhiên đã là những việc thuộc về nguyên tắc thì bất di bất dịch, chỉ có điều, cách làm thì sao cho hợp lý, mềm mỏng để cấp dưới cùng chia sẻ, cùng cộng tác. Mỗi con người đều có một cá tính khác nhau, như vậy mình nói với người này thì cách nói ấy hợp lý, nhưng chưa chắc với người khác đã là ổn và hành động cũng như vậy.

Quả thực là ở vị trí lãnh đạo mà phải xử lý, phải kiểm điểm cán bộ của mình là một việc làm rất khó, rất buồn và cái khó nhất chính là ở tình cảm. 
Tôi có thể nói thế này, người mắc sai phạm thì phải chịu trách nhiệm, nhưng không vì cái sai ấy mà định kiến, cần nhìn thấy, thậm chí cố tìm cho ra được những cái tốt ở họ. Tuy nhiên, sai phạm thì cũng phải tùy từng mức độ, có những sai phạm đã quá lớn, quá rõ ràng thì phải xử lý nghiêm minh, không thể vì một hai trường hợp mà để điều tiếng xấu cho một tập thể, cho một cơ quan, cho một cấp ủy Đảng.

Bên cạnh đó, việc xử lý sai phạm của cán bộ cũng cần phải kịp thời và minh bạch, nhiều trường hợp cần cung cấp để nhân dân nắm được thông tin và rút ra các bài học cần thiết. Làm được như thế là ta đã làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi suy cho cùng cán bộ lãnh đạo được bầu ra là để phục vụ nhân dân, là công bộc của nhân dân.
Tình trạng chạy theo bằng cấp đã đến mức đáng báo động
Ông là người không chạy theo "guồng quay" bằng cấp. Tại sao vậy?

Ông Vũ Mão: Trước kia có thời kỳ tôi là cán bộ giảng dạy ở Đại học Thủy Lợi. Sau đó, tôi chuyển về công tác ở Ty Thủy lợi Quảng Ninh, dần dần tham gia hoạt động chính trị rồi lại về Hà Nội. Khi là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn rồi về công tác ở Quốc hội, một số bạn bè khuyên tôi nên dành thời gian hoàn thành các chương trình theo quy định để có bằng cấp cao hơn.

Trong lòng cũng muốn lắm chứ, nhưng tôi nghĩ công việc được giao rất nặng nề phải cố gắng hoàn thành. Tôi tự nhủ, phải cố gắng học hỏi trong thực tiễn để kịp bắt nhịp với công việc đang làm. 
Đến nay đã được nghỉ hưu, tôi cảm thấy vui vẻ và thảnh thơi vì đã làm tròn trách nhiệm được giao với tinh thần sáng tạo, quan hệ tốt với đồng nghiệp, gần gũi cơ sở, gắn bó với nhân dân, được mọi người quý mến. 
Xét một cách công bằng, không thể phủ nhận bằng cấp là thước đo đánh giá cơ bản về năng lực của mỗi cá nhân, để việc tuyển chọn nhân sự được thuận lợi. Đối với các ngành khoa học, nhà trường... rất cần những người có trình độ cao thì việc có học hàm, học vị là lẽ đương nhiên. Nhưng trong xã hội ta vẫn còn không ít người lấy bằng cấp cao chỉ là để “khoe mẽ”, vì thế cần được chấn chỉnh.
Theo nhận định của ông thì vì sao chuyện bằng cấp vẫn được coi trọng một cách thái quá và đó có phải là nguyên nhân dẫn đến việc thi học lấy bằng tràn lan như hiện nay?

Ông Vũ Mão: Chúng ta thực hiện cơ chế thị trường thì việc chịu tác động sâu sắc của nó là đương nhiên. Ai cũng hiểu rằng, cơ chế thị trường xuất phát từ chủ nghĩa tư bản – là đồng tiền.
Riêng trong lĩnh vực tuyển chọn cán bộ cũng chịu tác động mạnh mẽ. Tình trạng chạy theo bằng cấp đã đến mức báo động. Với tư duy của “người mắc bệnh nghề nghiệp – nghề Thủy lợi” thì tình trạng này đã đến mức báo động số 3. Việc có nhiều sơ hở trong cơ chế, chưa đi vào thực chất mà vẫn quá coi trọng bằng cấp khiến người ta phải chạy đua để có bằng, nhiều vị trí lãnh đạo không nhất thiết phải có bằng cấp cao bởi vì anh làm quản lý khác với anh làm nghiên cứu, nhưng đa số đều muốn có bằng cấp cao, cho dù cái bằng ấy chỉ để oai mà thôi.

Tôi nghĩ rằng, trong hàng ngũ lãnh đạo với nhau, ai có năng lực thì đều biết và nể nhau, chứ đâu phải vì cái bằng.
Ta thực hiện cơ chế thị trường trong điều kiện đi lên Chủ nghĩa Xã hội thì cần coi trọng việc nghiên cứu xây dựng Thượng tầng kiến trúc cho phù hợp.  Theo tôi cái căn bản nhất là cần phải có là dân chủ. Chế độ dân chủ trở thành mắt xích chủ yếu giữa kinh tế thị trường với thể chế chính trị.

Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh nhưng thực tế thì ngay trong công tác tuyển chọn cán bộ vẫn có điều chưa ổn. Thí dụ, khi chọn người ưu tú để đưa vào cơ quan dân cử hoặc đề bạt lãnh đạo ở một cấp nào đó, nếu làm một cách có lộ trình, công khai thì những người ứng cử sẽ phải chứng minh năng lực của mình trước nhân dân.
Trong phạm vi hẹp hơn của một Bộ nào đó thì cán bộ nhân viên cũng cần phải biết về quá trình công tác, thành tích đạt được của những người được đề bạt, điều đó sẽ giúp chọn lựa những cán bộ lãnh đạo tốt. Cách làm hiện nay không thể thu hút được người tài.

Nói là dân chủ trong công tác cán bộ, nhưng theo tôi có thể có tới vài chục phần trăm, thậm chí có nơi tới 50% các trường hợp đề bạt cán bộ lãnh đạo chưa thực sự dân chủ, mà như vậy thì cũng có nghĩa là chúng ta vẫn đang bỏ sót người đủ cả tài và đức, không ít trường hợp chọn nhầm những người chỉ vì mưu cầu cá nhân. Những vụ việc liên quan tới nhiều cán bộ lãnh đạo thời gian qua chính là những minh chứng điển hình.
Ngọc Quang