Khẳng định độc lập dân tộc qua tập tục dựng cây nêu

09/02/2013 07:57
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Khi tập tục dựng cây nêu ngày Tết dần bị lãng quên trong kí ức của nhiều thế hệ người Việt, thì ở làng Hậu (xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), vào những ngày giáp Tết, tập tục này lại được tái hiện ở nhiều hộ gia đình.

Lễ dựng cây nêu và lễ hạ nêu là phong tục đẹp, giàu ý nghĩa của nhiều dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cây nêu có một vị trí đặc biệt, không chỉ để trừ ma quỷ mà còn là biểu tượng của cây vũ trụ, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Vào những năm trước cách mạng tháng 8, phong tục này được tổ chức kéo dài từ ngày Tết ông Công ông Táo cho tới hết Tết Nguyên đán, nhà nào của làng Hậu cũng dựng cây nêu trong nhà. Có tới 90% người dân làng làm lễ hạ cây nêu vào ngày mùng 3 Tết để hôm sau mọi người bắt đầu công việc của mình với mong ước “mưa thuận gió hòa”. Nhiều hộ gia đình có điều kiện, họ làm lễ hạ cây nêu vào ngày 23 tháng Giêng, đúng dịp kết thúc lễ hội truyền thống của làng: Hội Ba đình.

Cây nêu được dựng trong các gia đình ở làng Hậu chỉ đơn giản là 1 cây tre cao tầm tới nóc nhà. Và cũng có nghi thức dựng và hạ cây nêu.

Trước đây, về làng Hậu (Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang) vào dịp Tết Nguyên đán, nhà nhà đều dựng cây nêu.
Trước đây, về làng Hậu (Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang) vào dịp Tết Nguyên đán, nhà nhà đều dựng cây nêu.

Sau cách mạng Tháng 8 và nhất là khoảng thời gian những năm 1948, 1949, nhân dân bước vào cuộc kháng chống giặc giữ nước. Sau đó, giặc Pháp triển khai đồn bốt và đi càn ở vùng này rất ác liệt. Tết với người dân lúc này là “tết kháng chiến”. Vì vậy, tập tục dựng cây nêu ngày Tết vốn đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân làng Hậu cũng không còn giữ được nữa.

Hòa bình lập lại, sau năm 1954, để tìm về những nét xưa đang dần phai nhạt ở một làng quê giàu truyền thống văn hóa, tập tục này lại được tái hiện ở một số hộ gia đình trong Làng.

Nhưng chỉ một vài năm sau, do những nhận thức sai lầm cho rằng dựng cây nêu trong nhà vào những ngày đầu xuân năm mới là mê tín dị đoan đã khiến tập tục này một lần nữa lại bị lắng xuống.

Ngày hôm nay, tìm về làng văn hóa làng Hậu, không khí của những ngày Tết được nhiều người nhận biết từ xa, bởi những cây nêu đang nghiêng mình trong gió ở 1 số hộ gia đình.

Trong nhà ông Nguyễn Vân Đài, 75 tuổi, người dân làng Hậu, cây nêu cũng được dựng lên từ ngày Tết Táo quân.

Gia đình ông Đài là một trong những gia đình ở làng Hậu "tiên phong" cho việc phục dựng lại tập tục dựng cây nêu ngày Tết vốn đã mai một ở làng từ nhiều năm nay.
Gia đình ông Đài là một trong những gia đình ở làng Hậu "tiên phong" cho việc phục dựng lại tập tục dựng cây nêu ngày Tết vốn đã mai một ở làng từ nhiều năm nay.

Khẳng định về ý nghĩa nhân văn của một tập tục cần được phục dựng và duy trì vào những ngày Tết, ông Đài cho biết: “Ngày Tết trong nhà ai có cây nêu là họ đang chứng minh với mọi người, gia đình mình có đất, có tài sản, tất cả những cái đó là thuộc sở hữu của chính họ và được thần linh bảo vệ. Hiểu sâu xa hơn, làng Hậu là làng đã có chủ, chính là những người dân đang làm ăn sinh sống tại đây. Những kẻ có ý đồ không minh bạch không được xâm phạm làng và lấy đi những nét văn hóa mà người dân bao đời nay xây dựng nên.

Tái hiện tập tục này để khẳng định chủ quyền của gia đình, thôn bản và suy rộng ra là chủ quyền quốc gia.
Tái hiện tập tục này để khẳng định chủ quyền của gia đình, thôn bản và suy rộng ra là chủ quyền quốc gia.

Suy rộng hơn nữa về tập tục dựng cây nêu ngày Tết, đó chính là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, từng tấc đất đều thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có thể nói với thế giới rằng, mọi thế lực đều không có quyền xâm chiếm đất nước Việt Nam vì những mảnh đất ấy đã được bảo vệ. Những tâm niệm đó xuất phát từ chính tâm linh của tín ngưỡng người Việt chứ không phải là mê tín dị đoan”.

Huệ Nguyễn